Bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết sau soát xét nghiêng về gam màu tối.
Hàng loạt doanh nghiệp đã phải giải trình về sự chênh lệch quá lớn giữa kết quả kinh doanh ở báo cáo tự lập và báo cáo kiểm toán.
Lợi nhuận 'bốc hơi' vài chục phần trăm
Sau khi công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022, hàng loạt doanh nghiệp đã phải giải trình về sự chênh lệch quá lớn giữa kết quả kinh doanh ở báo cáo tự lập và báo cáo kiểm toán. Đáng chú trong số đó là những doanh nghiệp “bốc hơi” hàng chục phần trăm lợi nhuận sau khi có sự “vào cuộc” của các đơn vị kiểm toán.
Doanh nghiệp có sự biến động về lợi nhuận lớn nhất trong kỳ báo cáo vừa qua là Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC). Trong khi doanh thu luỹ kế 6 tháng biến động không đáng kể so với báo cáo tự lập, đạt 1.085 tỷ đồng thì lợi nhuận sau thuế của KBC đã “bốc hơi” 2.256 tỷ đồng, chỉ còn ghi nhận hơn 200 tỷ đồng. Trong đó, khoản lợi nhuận khác đã “vơi mất” 2.412 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, còn 13,7 tỷ đồng.
KBC cho biết nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này là thay đổi liên quan đến khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng. Báo cáo tài chính tự lập của KBC ghi nhận giá trị hợp lý của khoản đầu tư này là gần 2.500 tỷ đồng, trong khi đó, giá trị đầu tư chỉ ghi nhận 96 tỷ đồng. Khoản đầu tư này giúp cho KBC lãi tới gần 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (Công ty kiểm toán EY) cho biết dù đang tích cực làm việc với đơn vị tư vấn định giá để soát xét báo cáo định giá khoản đầu tư trên nhưng chưa hoàn tất do số lượng lớn các tài sản là bất động sản và việc định giá các bất động sản này có tính phức tạp. KBC cho biết chưa ghi nhận thu nhập cho giao dịch này trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2022 và có thể sẽ ghi nhận vào báo cáo cả năm 2022 sau khi EY hoàn thành việc soát xét định giá.
Tương tự KBC, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) cũng phải chuyển thu nhập của một giao dịch sang kỳ sau, làm lợi nhuận sau thuế luỹ kế 6 tháng sau soát xét giảm tới 66% so với báo cáo tự lập. Theo đó, lãi sau thuế của VJC bị điều chỉnh từ 426 tỷ đồng xuống còn 145 tỷ đồng với nguyên nhân chuyển ghi nhận lợi nhuận thương mại tàu bay của một giao dịch vào kỳ sau để phù hợp với quy định.
Một trong các doanh nghiệp lớn bị điều chỉnh lợi nhuận sau soát xét phải kể đến Công ty Cổ phần Thaiholdings (HNX: THD). Với mức điều chỉnh là 25%, lợi nhuận sau thuế của Thaiholdings giảm xuống còn 217 tỷ đồng sau kiểm toán. Tác động chính gây nên sự chênh lệch này là do doanh thu tài chính của doanh nghiệp trong 6 tháng đã giảm hơn 93 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó, sau soát xét ghi nhận 233 tỷ đồng. Thaiholdings cho biết, kế toán của doanh nghiệp này và đơn vị kiểm toán có quan điểm khác nhau về việc điều chỉnh giá trị khoản đầu tư vào công ty liên kết khi Tập đoàn Thaigroup thực hiện thoái vốn tại Công ty Cổ phần Tôn Đản Hà Nội, trong bối cảnh Tôn Đản Hà Nội được sở hữu bởi cả Thaigroup và Thaiholdings.
Ngoài 3 doanh nghiệp tiêu biểu nêu trên, một số cái tên khác “đồng cảnh ngộ” có thể kể đến như Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi (HNX: NRC) hụt hơn 57 tỷ đồng lợi nhuận sau kiểm toán, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dưng Hoà Bình (HoSE: HBC) giảm hơn 8% lợi nhuận, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) mất hơn 42% lợi nhuận, Công ty Cổ phần Cơ điện Thủ Đức (HoSE: EMC) giảm gần 6% lợi nhuận;… Điểm chung của các doanh nghiệp này là đều phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, làm chi phí quản lý doanh nghiệp và ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế.
Từ lãi thành lỗ sau kiểm toán
Ở trường hợp “tệ hơn”, một số doanh nghiệp sau kỳ soát xét đã chuyển từ lãi thành lỗ. Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHS) là một trường hợp điển hình khi báo lỗ sau thuế luỹ kế 6 tháng hơn 68 tỷ đồng, trong khi trước soát xét lãi 39 tỷ đồng.
Trước đó, doanh nghiệp này đã gây bất ngờ khi báo lỗ sau thuế hơn 297 tỷ đồng trong quý II, trong khi cùng kỳ lãi tới gần 310 tỷ đồng. Theo giải trình của SHS, việc điều chỉnh từ lãi thành lỗ sau soát xét là do kiểm toán đã giữ phân loại cổ phiếu TCB và GEX ở mục FPTVL thay vì để ở mục AFS như trong báo cáo tự lập.
Đánh giá lại tài sản cũng là nguyên nhân khiến một doanh nghiệp trong ngành thép biến từ “lãi mỏng” thành lỗ sau soát xét. Cụ thể, Công ty Cổ phần Thép Pomina (HoSE: POM) ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính lại giảm tới 40% sau soát xét, còn hơn 41 tỷ đồng. Lợi nhuận khác cũng “bốc hơi” 73%, chỉ còn chưa tới 1 tỷ đồng trong khi ở báo cáo tự lập là hơn 2,6 tỷ đồng. POM chuyển từ lãi 8,1 tỷ đồng sang lỗ 23 tỷ đồng sau soát xét với nguyên nhân phải trích lập thêm dự phòng giảm giá hàng tồn kho khi giá sắt thép liên tục giảm. Cụ thể, tính đến cuối quý II, giá trị hàng tồn kho của POM đạt hơn 5.287 tỷ đồng, doanh nghiệp phải trích lập dự phòng giảm giá hơn 88 tỷ đồng.
Tương tự POM, kiểm toán cũng “thổi bay” khoản lợi nhuận sau thuế “khiêm tốn” hơn 5,5 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Louis Capital (HoSE: TGG) ghi nhận trong 6 tháng đầu năm và thay thế bằng khoản lỗ hơn 30,2 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp của TGG đã tăng gấp 3,4 lần so với báo cáo tự lập, từ gần 16 tỷ đồng lên hơn 54 tỷ đồng. Theo thuyết minh báo cáo tài chính kiểm toán, TGG đã phải ghi nhận hơn 28,7 tỷ đồng trích lập dự phòng đối với khoản phải thu khó đòi, trong khi ở báo cáo tự lập trước đó không hề phát sinh khoản mục này. Theo giải trình, TGG cho biết đã phải bổ sung trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và tổn thất vào công ty con, phân bổ hết lợi thế thương mại của một công ty con do có dự định chuyển nhượng cổ phần một công ty con trong năm 2022, trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh của công ty con.
Các doanh nghiệp khác như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp 1 Việt Nam (UPCoM: TH1) hay Công ty Cổ phần Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng hải (HNX: MAC) cũng phải tăng trích lập dự phòng sau kiểm toán, biến lãi thành lỗ trong 6 tháng đấu năm. Nhìn chung, trừ SHS với nguyên nhân liên quan đến việc đánh giá tài sản tài chính, hầu hết các doanh nghiệp phải “chuyển nhóm” sau soát xét đều có cùng nguyên nhân là tăng trích lập dự phòng. Nói cách khác, kế toán của doanh nghiệp đang có sự đánh giá về rủi ro thấp hơn so với đơn vị kiểm toán.
Những điểm sáng hiếm hoi
Bức tranh lợi nhuận sau kiểm toán vẫn còn những gam màu sáng khi lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sau soát xét đã tăng tới hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng thêm 223 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, đạt hơn 12.444 tỷ đồng. Nguyên nhân chênh lệch là do giá vốn hàng bán và chi phí tài chính giảm, trong khi đó, doanh thu tài chính được điều chỉnh tăng.
Cũng trong nhóm năng lượng, Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3, HoSE: PGV) tăng thêm 158 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sau soát xét, đưa lợi nhuận từ mức 1.263 tỷ đồng (trước kiểm toán) lên 1.421 tỷ đồng. Mức chênh lệch là 10%. Nguyên nhân được PGV công bố là do thời điểm thực hiện lập báo cáo tài chính quý II/2022 trước soát xét, PGV chưa có báo cáo tài chính quý II của các công ty liên kết. Sau khi hạch toán các khoản đầu tư vào công ty liên kết ở báo cáo soát xét, lợi nhuận từ các đơn vị này ghi nhận tại báo cáo của PGV tăng lên 253 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, doanh nghiệp vừa IPO thành công vào tháng 3 vừa qua cũng báo lợi nhuận sau thuế tăng gần 42 tỷ đồng lên mức 330 tỷ đồng sau kiểm toán, tương đương tăng 14%. Ngoài ra, hai cái tên khác là Công ty Cổ phần Chưong Dương (HoSE: CDC) và Công ty Cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk (UPCoM: DRI) lần lượt ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 1,6 tỷ đồng và tăng 11,97 tỷ đồng sau soát xét.