Lãi suất điều chỉnh tăng và dự báo cuối năm nay cùng đầu năm sau vẫn tiếp tục tăng nữa được đánh giá sẽ gây áp lực lên định giá của chỉ số VN-Index trong ngắn hạn. Tuy nhiên về dài hạn, chứng khoán Việt còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa. Do đó, khi thị trường giảm điểm sẽ là cơ hội “tích sản”.
Sau khi lọt top thị trường tăng mạnh nhất thế giới trong tháng 8, VN-Index đã đảo chiều giảm mạnh từ đầu tháng 9, đỉnh điểm là thêm lần nữa xuyên thủng mốc “siêu cứng” 1.200 điểm và dự báo xu hướng giảm điểm còn kéo dài.
Theo đó, vốn hóa thị trường cả 3 sàn “bốc hơi” khoảng 455.860 tỷ đồng (~19,5 tỷ USD) trong chưa đầy 1 tháng. Riêng giá trị vốn hóa trên sàn HoSE bị mất gần 115.000 tỷ đồng, xuống còn 4,67 triệu tỷ đồng - mức thấp nhất trong hơn 2 tháng kể từ giữa tháng 7.
Thị trường giảm điểm sẽ là cơ hội “tích sản”.
Đối mặt nhiều bất ổn
VN-Index suy giảm diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư có tâm lý lo ngại về rủi ro lạm phát, suy thoái, lãi suất tăng và các rủi ro địa chính trị trên thế giới. Cùng với đó là áp lực từ việc Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng lãi suất điều hành, gây ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Bởi, khi lãi suất tăng, định giá cổ phiếu sẽ giảm đi và chi phí vay margin cao lên, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền vào chứng khoán - kênh đầu tư thay thế sáng nhất thời điểm hiện tại. Không chỉ vậy, lãi suất cho vay của các ngân hàng tăng sẽ làm cho chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp tăng lên, ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận.
Nhìn chung, những yếu tố trên được cho là lý do khiến thị trường thời gian qua khó hút thêm dòng tiền mới. Thực tế, trong thời gian gần đây, cùng với sự giảm điểm của VN-Index, thanh khoản thị trường không ngừng sụt giảm. Giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE từ đầu tháng 9 chỉ đạt gần 12.200 tỷ đồng, giảm 14% so với tháng trước đó.
Vì vậy, nhà đầu tư cần thận trọng với diễn biến thị trường trong ngắn hạn khi nhiều yếu tố rủi ro vẫn đang hiện hữu. Bởi, lãi suất điều chỉnh được dự báo cuối năm nay và đầu năm sau sẽ tăng khoảng 1% nữa. Điều này sẽ gây áp lực lên định giá của chỉ số chung do chỉ số định giá của VN-Index rất nhạy cảm với đường cong lãi suất.
"Xu hướng TTCK trong thời gian tới sẽ tiếp tục khó lường trong bối cảnh điều kiện vĩ mô chưa thuận lợi, không rõ ràng”, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research dự báo.
Tuy nhiên, thống kê của Chứng khoán BSC về quá khứ những lần phản ứng của VN-Index trước thông báo tăng lãi suất điều hành cho thấy, khi Ngân hàng Nhà nước công bố nâng lãi suất điều hành, TTCK Việt thường có xu hướng giảm ngay lập tức so với thời điểm trước khi công bố. Đó là phản ứng ngắn hạn của thị trường trước thông tin tiêu cực.
Sau đó 3 tháng, thị trường lại hồi phục khi thông tin tiêu cực đã được phản ánh hết và bắt đầu xuất hiện những dòng tiền bắt đáy. Ngoại trừ hai giai đoạn thị trường giảm rất sâu là 2008 và 2011 do bị ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái toàn cầu 2008, cùng với đó là sự gia tăng nợ khó đòi của ngân hàng và đổ vỡ tín dụng đen tạo điểm tối đáng ngại trong bức tranh tài chính Việt Nam 2011 - đây là thời điểm lạm phát đi kèm suy thoái có tác động nặng nề đến TTCK.
Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, TTCK Việt vẫn còn điểm tựa đến từ định giá hấp dẫn so với khả năng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo ở mức cao. Theo dữ liệu từ Algo Platform, P/E trailing của VN-Index sau phiên giảm mạnh ngày 26/9 đã giảm xuống còn 12,77 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm.
Hơn nữa, dù các tổ chức lớn liên tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam và cho rằng TTCK còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa trong tương lai.
Ý tưởng đầu tư và phân bổ tài sản
Với những luận điểm trên, giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế cùng một lúc chịu nhiều yếu tố bất định, TTCK vẫn sẽ có những nhịp tăng/giảm, có sự phân hoá giữa các nhóm ngành và chính các cổ phiếu trong từng nhóm ngành. Do đó, khi thị trường suy giảm sẽ là cơ hội để đầu tư dài hạn.
Một số nhóm ngành mà nhà đầu tư nên quan tâm có thể kể đến gồm: Nhóm ngành phòng thủ, ít phụ thuộc chu kỳ kinh tế như tiện ích điện nước, bán lẻ thiết yếu, y tế, lượng thực và thực phẩm; cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công và FDI như nhóm xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng và bất động sản khu công nghiệp; cổ phiếu hưởng lợi khi giá đầu vào giảm như vật liệu xây dựng, cao su săm lốp hay nhóm hóa chất, bột giặt; cổ phiếu có câu chuyện riêng như IPO, thoái vốn công ty con, hoặc kết quả kinh doanh đã tạo đáy trước thị trường và trong thời gian tới có thể phục hồi từ đáy và các cổ phiếu vị thế tiền mặt lớn hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng như bảo hiểm, bất động sản khu công nghiệp…
“Trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2022, nhà đầu tư nên phân bổ vốn vào các cổ phiếu có thể chia cổ tức tốt hoặc có mức định giá hợp lý. Ngoài ra cũng có thể xem xét giải ngân vào các cổ phiếu liên quan đến các lĩnh vực như chuyển đổi số, về cung cấp phần mềm, xuất khẩu phần mềm hoặc những cổ phiếu về hàng tiêu dùng thiết yếu vì có lợi nhuận ổn định”, TS Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp Đại học Bristol (Anh) khuyến nghị.
Tương tự, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, cho rằng chiến lược của nhà đầu tư hiện nay nên tập trung vào các cổ phiếu và lĩnh vực được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế của Việt Nam, bao gồm ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu, tài chính và bất động sản.
Bên cạnh đó, do các động lực tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì nguyên vẹn bất chấp dịch bệnh, các cổ phiếu và các ngành được hưởng lợi từ dòng vốn FDI, phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và số hóa cũng nên đưa vào danh mục đầu tư.
Tóm lại, cơ hội trên TTCK vẫn còn nhiều, song nhà đầu tư cũng cần lưu ý đến việc chắt lọc, thẩm định kỹ càng hơn. Chưa kể còn nhiều yếu tố bất ngờ khó đoán định như trong trường hợp thị trường chung giảm, dù công ty có lợi nhuận tăng trưởng nhưng nhiều khả năng giá cổ phiếu cũng sẽ giảm chung theo thị trường.
“Do vậy, tham gia với mức giá nào, thời điểm nào mua và bán sẽ là những việc mà nhà đầu tư cần cân nhắc, đánh giá, đồng thời là nguyên tắc quản trị rủi ro là những vấn đề cần ưu tiên trong thời gian tới”, ông Đào Minh Châu lưu ý.