Giá vàng thế giới hôm nay (29/9) phục hồi phiên thứ 2 liên tiếp khi đồng USD mất đi sức mạnh. Trong khi đó, giá vàng trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm, xuống gần ngưỡng 65 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, đầu giờ sáng ngày 29/9 (giờ Việt Nam), theo Kitco, giá vàng giao ngay tăng 29,1 USD/ounce lên mức 1.658,7 USD/ounce. Vàng kỳ hạn tháng 10 giao dịch lần cuối ở mức 1.660,3 USD/ounce, tăng 33,3 USD/ounce so với đầu giờ sáng hôm qua.
Đêm qua có thời điểm giá vàng thế giới giảm xuống còn 1.614 USD/ounce. Tuy nhiên ngay sau đó, dòng tiền chảy mạnh vào kim loại quý này khiến giá vàng tăng vọt.
Vàng SJC tiếp tục điều chỉnh giảm, xuống gần ngưỡng 65 triệu đồng/lượng. (Ảnh: Int)
Giá vàng thế giới vọt tăng trước nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh thị trường lo ngại về sự hỗn loạn đối với thị trường chứng khoán và tài chính.
Cụ thể, thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu đồng loạt xanh sàn cho thấy dòng tiền trên thị trường chảy mạnh vào cổ phiếu khiến sức mạnh của đồng USD bắt đầu suy giảm so với nhiều ngoại tệ khác; đồng thời lãi suất trái phiếu Mỹ cũng từ đỉnh 4%/năm xuống còn 3,75%/năm.
Mặt khác, giá dầu thô đã quay đầu tăng gần chạm mức 90 USD/ thùng, tạo động lực cho giá vàng bật tăng.
Hơn nữa, khi giá vàng đã rơi xuống vùng 1.614 USD/ounce – mức thấp nhất trong 2 năm qua, có thể giới đầu cơ suy đoán đây là mức đáy mới của thị trường. Từ đó, họ tăng sức mua để tìm kiếm cơ hội sinh lời, cho nên giá vàng tăng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, trong cuộc khảo sát của Société Générale vào tuần trước, 15,7 tấn vàng đã chảy ra khỏi ETF, ghi nhận dòng chảy lớn nhất trong khoảng thời gian 7 ngày kể từ tháng 7/2022. Và trong khi tâm lý giảm giá kéo dài, giới phân tích cho rằng, các nhà đầu tư nên chờ đợi sự ổn định trên thị trường, không nên cố "bắt dao rơi".
Trong nước, đầu giờ sáng nay, giá vàng tiếp tục giảm mạnh, xuống gần ngưỡng 65 triệu đồng/lượng, sau nhiều ngày neo ở mức giá cao. Cụ thể:
Điều chỉnh mạnh nhất là ở Tập đoàn DOJI. Tại khu vực Hà Nội niêm yết ở mức 64 - 65,7 triệu đồng/lượng, giảm 600.000 đồng/lượng ở chiều mua. Tại TP Hồ Chí Minh, giá vàng giao dịch ở mức 64,2 - 65,2 triệu đồng/lượng bán, giảm 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 950.000 đồng/lượng ở chiều bán.
Tiếp đến là Tập đoàn Phú Quý SJC điều chỉnh giảm 500.000 đồng/lượng ở chiều mua và 400.000 đồng/lượng ở chiều bán, niêm yết ở mức 64,2 - 65,2 triệu đồng/lượng.
Còn Vàng bạc đá quý Sài Gòn ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đã được điều chỉnh giảm tiếp 400.000 đồng/lượng ở cả hai chiều, giao dịch ở mức 64,2 - 65,22 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang được mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng.
Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương gần 47,7 triệu đồng/lượng (chưa thuế, phí), chênh lệch với giá vàng trong nước gần 18 triệu đồng/lượng.
Nhìn chung, diễn biến của giá vàng SJC đang khiến nhiều người thấy “khó hiểu” bởi trong những ngày qua, dù giá vàng thế giới liên tục lao dốc mạnh từ 1.700 USD/ounce xuống sát vùng 1.600 USD/ounce nhưng vàng trong nước vẫn gần như "bất động" và ngược lại. Điều này đồng nghĩa với việc giá vàng SJC không biến động cùng chiều với giá vàng thế giới.
Theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, sau vài tháng nắm giữ vàng miếng SJC, nhiều nhà đầu tư cá nhân đã bán vàng ra thay vì "ôm" tiếp khi thấy giá vàng thế giới trên đà giảm sâu và chưa biết đâu là "đáy". Nhiều người bán vàng khiến giá giảm nhanh buộc doanh nghiệp vàng phải hạ giá mua – bán để phòng thủ.
"Lãi suất tiết kiệm tăng lên mức hấp dẫn hơn cũng khiến nhiều người quyết định bán vàng, gửi tiết kiệm vì thực tế vài tháng qua đầu tư vàng SJC gần như không có lời, thậm chí lỗ", ông Phương nhận xét.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ) cho biết, lực bán vàng từ nhà đầu tư cá nhân bắt đầu tăng dần trong 2 ngày qua và tăng mạnh vào sáng nay khiến doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm mạnh giá giao dịch vàng SJC.
"Dù chưa đến mức bán tháo vàng SJC nhưng do cung lớn hơn cầu nên giá giảm nhanh. Nhiều người thấy giá vàng thế giới liên tục giảm mạnh khiến biên độ chênh lệch giá vàng SJC với thế giới lên mức cao 18-19 triệu đồng/lượng, họ lo ngại rủi ro nên đã liên tục bán ra", ông Nguyễn Ngọc Trọng nói.