Mỗi năm, Supe Lâm Thao đã hỗ trợ hàng chục ngàn tấn phân bón trả chậm cho nông dân các vùng khó khăn, giúp người nông dân thoát nghèo.
Hỗ trợ trả chậm lên tới hàng trăm tỷ đồng
Ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết, nhiều năm qua, để chia sẻ gánh nặng với bà con nông dân, Supe Lâm Thao đã thực hiện bán phân bón trả chậm trên khắp cả nước với số tiền lên đến vài trăm tỷ đồng mỗi năm.
Supe Lâm Thao đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng bán phân bón trả chậm cho người nông dân
Tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, Supe Lâm Thao đã bán trả chậm khoảng 40 ngàn tấn phân bón (tương đương gần 240 tỷ đồng) cho bà con nông dân trên toàn quốc. Số hàng bán chậm trả này có thể sau 4-6 tháng mới thu hồi lại được vốn. Trong khi hàng tuần, hàng tháng, công ty phải nhập nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, tiền trả cho nguyên liệu đầu vào thì không được chậm một ngày. Chính vì thế, doanh nghiệp phải “xoay xở” tối đa, vay vốn ngân hàng để nhập nguyên liệu trong bối cảnh nguồn nguyên liệu khan hiếm, giá tăng cao.
Việc bán phân bón trả chậm đã tạo điều kiện cho hội viên, nông dân kịp thời đầu tư sản xuất, đồng thời tiếp cận và sử dụng vật tư nông nghiệp bảo đảm chất lượng, nhất là nguồn phân bón chính hãng - một mặt hàng vốn bị làm giả rất nhiều trên thị trường.
Tại Nam Định, các cấp Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã cung ứng hàng chục nghìn tấn phân bón Lâm Thao trả chậm đến tận tay bà con nông dân. Theo hình thức cung ứng phân bón trả chậm của Hội, nông dân sẽ được cung cấp đủ lượng phân bón theo nhu cầu nhưng chưa cần phải thanh toán tiền ngay, mà sẽ trả sau 6 - 12 tháng.
“Nhiều hội viên, nông dân Nam Định khi biết về chương trình cung ứng phân bón trả chậm đều thích đăng ký tham gia vì công ty cho trả chậm 6 tháng đối với cây lúa và hoa màu; 12 tháng đối với cây ăn quả. Nghĩa là bà con được cấp phân bón từ đầu vụ sản xuất, tới khi thu hoạch nông sản mới phải trả tiền mà không hề bị tính lãi suất. Thực hiện chương trình cung ứng phân bón trả chậm, nông dân Nam Định bớt nỗi lo phân bón đầu vụ, giảm áp lực về vốn, không lo mua phải phân bón giả, kém chất lượng” - ông Nguyễn Hùng Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định cho biết.
Tại Hà Tĩnh, Supe Lâm Thao cũng rất tích cực trong công tác hỗ trợ bán phân bón trả chậm cho nông dân. Ông Nguyễn Tiến Anh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân Hà Tĩnh cho biết, những năm qua có rất nhiều doanh nghiệp phân bón muốn phối hợp với trung tâm để cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm cho bà con, nhưng trung tâm chỉ chọn Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, vì đây là doanh nghiệp phân bón có bề dày lịch sử nhiều năm hoạt động, là doanh nghiệp phân bón lớn, uy tín, chất lượng sản phẩm đã được khẳng định.
Quan trọng nhất là Supe Lâm Thao có nhiều dòng phân bón khác nhau phù hợp với mỗi loại cây trồng, giá bán ổn định và cạnh tranh so với các thương hiệu phân bón khác.
“Nhiều hội viên, nông dân Hà Tĩnh khi biết về chương trình cung ứng phân bón trả chậm đều thích đăng ký tham gia vì công ty cho trả chậm 6 tháng đối với cây lúa và hoa màu; 12 tháng đối với cây ăn quả. Nghĩa là bà con được cấp phân bón từ đầu vụ sản xuất, tới khi thu hoạch nông sản mới phải trả tiền mà không hề bị tính lãi suất", ông Nguyễn Tiến Anh cho biết.
"Mua phân bón theo hình thức này, nông dân bớt hẳn nỗi lo phân bón đầu vụ, giảm bớt áp lực về vốn, không lo mua phải phân bón giả, kém chất lượng”- ông Tiến Anh nói thêm.
Chị Trần Thị Hương, nông dân ở xã Phương Điền (huyện Hương Khê) cho hay: “Gia đình tôi làm hơn 1 mẫu ruộng và đất màu nên chi phí phân bón mỗi vụ lên đến 2-3 triệu đồng. Cứ vào đầu vụ, gia đình lại lo lắng khoản tiền mua phân bón nhưng đợt này, Hội Nông dân xã đã ký cam kết mua trả chậm cho bà con trong xã hơn 60 tấn phân Lâm Thao. Gia đình tôi và hàng trăm hội viên trong xã được ưu tiên mua phân trả chậm, nhờ đó không phải vay tiền mua phân bón như trước mà chất lượng phân bón lại được đảm bảo”.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Anh, tham gia mua phân bón trả chậm, nông dân còn được thêm một cái lợi, đó là được cán bộ của Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao quan tâm hỗ trợ thường xuyên về kỹ thuật bón phân, chăm sóc hoa màu sao cho hiệu quả, tiết kiệm lượng phân bón mà cây trồng vẫn lớn nhanh, cho năng suất cao.
Bên cạnh đó, Supe Lâm Thao còn nỗ lực tiết giảm tối đa chi phí sản xuất giúp hạ giá tối đa sản phẩm, để giá bán phân bón đến tay bà con nông dân hợp lý nhất. Vì nếu giá tăng cao quá, bà con nông dân cũng không chịu nổi.
Hỗ trợ về kỹ thuật bón phân hiệu quả, tiết kiệm
Ngoài việc hỗ trợ bán phân bón trả chậm, cán bộ kỹ thuật của Supe Lâm Thao còn thường xuyên hỗ trợ bà con nông dân về kỹ thuật bón phân, chăm sóc hoa màu sao cho hiệu quả, tiết kiệm lượng phân bón mà cây trồng vẫn lớn nhanh, cho năng suất cao. Xây dựng hàng nghìn mô hình sử dụng phân bón Lâm Thao khép kín cho bà con ở mọi miền đất nước.
Tại Nam Định, ngoài việc bán phân bón trả chậm, Hội Nông dân tỉnh Nam Định còn phối hợp Công ty tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho hàng nghìn cán bộ, hội viên, nông dân. Tại các hội nghị tập huấn, các hội viên, bà con nông dân đã được nghe các cán bộ chuyên môn Supe Lâm Thao phổ biến, chia sẻ các kiến thức về dinh dưỡng cây trồng.
“Có thể nói, khi sử dụng phân bón NPK Lâm Thao khép kín, bà con nông dân đã giảm bớt công lao động, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón thừa trong đất, giảm thất thoát phân, đảm bảo cân đối các loại phân bón theo đúng nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa, từ đó nâng cao chất lượng nông sản và tăng giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích”, ông Nguyễn Hùng Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân Nam Định khẳng định.
Mô hình trình diễn phân bón Lâm Thao NPK-S 16.8.8+9S trên cây chè cho hội viên phụ nữ xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ)
Tại huyện Yên Lập (Phú Thọ) - anh Đinh Đại Bảy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Đồng (Yên Lập) cho biết: Những năm qua, nông dân trong xã đã tận dụng tối đa diện tích đất đồi, đất vườn để trồng chè với quy mô lớn. Người dân đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay thế diện tích chè đã già cỗi bằng những giống chè cho năng suất cao, được thị trường ưa chuộng như LDP1, LDP2. Hiện nay xã Ngọc Đồng có diện tích trồng chè là 128 ha với năng suất bình quân đạt 11 tấn/ha. Đặc biệt, tại xã đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn với 10 hội viên tham gia.
Anh Bảy cho biết thêm, trong quá trình hoạt động, tổ hợp tác nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Hội nông dân huyện trong hỗ trợ cho vay vốn và được Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao hỗ trợ phân bón chậm trả nên đã khắc phục được những khó khăn do thiếu vốn sản xuất và vật tư phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, Tổ hợp tác còn được tham gia các lớp tập huấn quy trình chăm sóc, chế biến chè an toàn; được hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao theo mô hình bón phân khép kín. Theo đó, phân bón được sử dụng cho cây chè bao gồm: NPK-S*M1 Lâm Thao 5-10-3+8S cho giai đoạn bón lót và bón phục hồi; NPK-S*M1 Lâm Thao 12-5-10+14S hoặc NPK-S*M1 Lâm Thao 10-5-5+9S được bón thúc sau mỗi lứa hái.
Tại hội nghị tập huấn sử dụng phân bón Lâm Thao tại huyện Mỹ Lộc (Nam Định), đồng chí Lê Quang Việt - Trưởng đại diện Công ty tại tỉnh Ninh Bình - Nam Định đã tư vấn, chia sẻ kỹ thuật chăm sóc các loại cây trồng và phổ biến, hướng dẫn nông dân sử dụng các sản phẩm phân bón của công ty theo phương thức “4 đúng”. Cách bón phân theo phương pháp này mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cải thiện độ màu mỡ của đất, khả năng chống chịu sâu bệnh, nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng nông sản, giảm thiểu chi phí trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, cán bộ kỹ thuật công ty hướng dẫn bà con nông dân cách thức nhận biết, phân biệt sản phẩm phân bón chính hiệu do công ty sản xuất, từ đó giúp bà con trang bị thêm kiến thức bổ ích, tránh mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng kém trên thị trường, phát huy vai trò của hội nông dân trong việc tham gia giám sát việc quản lý, sử dụng vật tư nông nghiệp tại địa phương.
Việc tổ chức cung ứng phân bón theo hình thức trả chậm kết hợp với công tác hỗ trợ, hướng dẫn bà con cách bón phân đúng kỹ thuật, tiết kiệm được Supe Lâm Thao triển khai đã giúp cho bà con nông dân, nhất là những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn chưa có kinh phí mua phân bón được sử dụng các sản phẩm phân bón bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, kịp thời sản xuất đúng khung thời vụ, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và thu nhập. Qua đó, ổn định cuộc sống giúp người dân thoát nghèo.