VN-Index lại có phiên đi ngang thứ 7 liên tiếp một cách đầy ức chế. Nếu như toàn bộ thị trường cũng đi theo sự vận động này, các câu chuyện hấp dẫn sẽ bị nguội đi bởi phải tới phiên 19/1 hoạt động đáo hạn phái sinh mới diễn ra.
Ảnh minh họa
May mắn là các cổ phiếu Đầu tư công, Thủy sản và Dầu khí đã được cởi trói tâm lý trong phiên chiều 12/1.
Kỳ đáo hạn phái sinh vẫn ở phía trước
Trong vòng đúng 1 tuần nữa, thị trường sẽ đáo hạn phái sinh. Các diễn biến xáo trộn mạnh của các cổ phiếu lớn trong quá khứ đã từng xảy ra ở ngay trước tuần đáo hạn VN30F1M. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, việc VN30 lẫn VN-Index đều đi ngang với sự đối kháng của các cổ phiếu lớn không hẳn là một diễn biến xấu với thị trường chung.
Trong phiên chiều 12/1, dù cho có MSN (-2,8%), MWG (-1,1%), PDR (-1%) giảm giá thì vẫn có VIB (+2,8%), VHM (+1,4%), GVR (+2,1%), VPB (+1,4%), BVH (+1%), STB (+1%) vẫn đủ sức cân bằng áp lực.
VN-Index và VN30 đều chốt phiên trong sắc xanh. VN-Index tăng 0,63 điểm lên 1.056,39 điểm, qua đó có phiên thứ 7 liên tiếp đi ngang quanh vùng 1.050 điểm.
Thanh khoản của sàn cũng xác lập phiên thứ 4 liên tiếp nằm dưới mức bình quân 20 phiên, đạt 506,46 triệu đơn vị, tương đương 8.711 tỷ đồng.
Dù vậy, nhà đầu tư ngoại vẫn đang đồng hành cùng thị trường khi tiếp tục mua ròng hơn 300 tỷ đồng ở phiên hôm nay. Như vậy, họ đã mua ròng liên tiếp 14 phiên.
Ngoài việc, vẫn ưu tiên nhóm VN30 khi mua ròng hơn 200 tỷ đồng, một số điểm đến như PVD (+6,88%), ANV (+5,7%), STK (+6,9%) đã có kết quả tích cực.
Các nhóm ngành Dầu khí, Vật liệu xây dựng, Thủy sản thoát khỏi sự o bế của Bluechips
Với nhiều cổ phiếu đang có câu chuyện tích cực thì việc đi theo sự các cổ phiếu lớn lúc này sẽ làm nguội lạnh đi sức hấp dẫn. Như đã đề cập, thị trường còn 1 tuần nữa mới tới kỳ đáo hạn phái sinh nên có thể sẽ còn tiếp diễn những phiên biến động khó chịu.
Nếu như có thể "biến nguy thành cơ", các cổ phiếu sẽ được quan tâm hơn nữa. Đây là điều các cổ phiếu Đầu tư công, Dầu khí và Thủy sản đã làm được trong phiên chiều nay.
Các mã VCG (+4,36%), KSB (+3,99%), CTI (+3,8%), IDI (+6,05%) gần như không cần tới tiền ngoại để có trạng thái tích cực. Toàn bộ thành quả giao dịch của các cổ phiếu đều đến trong phiên chiều nay. Tính từ đầu năm, VCG hiện đã tăng 18%, KSB tăng 25,4%, IDI tăng 20,64% vượt xa thành tích của VN-Index là 4,9%.
VCG đang dần trở lại với xu hướng tăng dài hạn.
Với PVD và ANV, đúng là có sự tham gia của tiền ngoại nhưng dòng tiền chủ chốt vẫn phải đến từ nhóm nhà đầu tư nội. Điều này cho thấy nhóm tiền nội cũng đang dần thuyết phục với câu chuyện mở cửa trở lại của nền kinh tế Trung Quốc tác động vào các nhóm ngành Du lịch, Dầu khí, Thủy sản.
Theo một dự báo mới nhất của CTCK SSI với PVD, năm 2023, lợi nhuận trước thuế có thể đạt 490 tỷ đồng so với mức lỗ 136 tỷ đồng của năm 2022.
Các cổ phiếu Dầu khí ở phiên 12/1 đều có những bằng chứng tích cực về đà tăng giá. Trên HNX, PVC (+9,5%), PVB (+5,7%), PVS (+4,4%) đã không đánh mất thành của phiên sáng còn trên UPCoM, BSR (+3,4%), OIL (+3,4%) cũng có được trạng thái tương tự.
Nếu vẫn có thể duy trì được những điểm sáng giao dịch ở các cổ phiếu Midcap và Penny trong các phiên tới thì xu hướng thị trường vẫn khá sáng sau kỳ đáo hạn phái sinh.