Dòng tiền khả năng cao sẽ có sự dịch chuyển rõ ràng hơn trong năm 2023 đến những cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn hoặc các doanh nghiệp đã được bảo chứng chất lượng trong bối cảnh kinh tế khó khăn do nhóm bluechip với vị thế đầu ngành và nền tảng tài chính lành mạnh...
Tuần giao dịch vừa qua, chỉ số chính có sự xác nhận tiếp tục duy trì vận động đi ngang với biên độ hẹp cùng thanh khoản giao dịch sụt giảm, quay trở về vùng thấp nhất một năm. Theo Dragon Capital, trước thềm nghỉ Tết, thanh khoản thị trường chứng khoán (TTCK) nhiều khả năng sẽ thấp khi nhà đầu tư cá nhân ở vị thế phòng thủ và chờ qua Tết để giải ngân.
Trong khi đó, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2022 đang đến gần, lợi nhuận có khả năng sẽ phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành.
Giới phân tích đồng quan điểm, nửa đầu năm 2023, thị trường sẽ tiếp tục những diễn biến giằng co phân hóa khi thanh khoản trên toàn thị trường cạn kiệt, kết quả kinh doanh quý IV/2022 sẽ tiếp tục sụt giảm so với các quý trước đó dưới áp lực lãi suất, tỷ giá.
Dù vậy, TTCK sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm 2023. Quan điểm lạc quan này đến từ tín hiệu lạm phát đã đạt đỉnh và có dấu hiệu hạ nhiệt, đà tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục, dù mức độ tăng và tần suất có thể sẽ chậm lại so với năm 2022.
Còn trong nước, tình hình kinh tế ổn định, tình hình sản xuất - kinh doanh cùng khả năng sinh lời của doanh nghiệp niêm yết tương đối khả quan, hoạt động đầu tư công được thúc đẩy với những động thái quyết liệt của Chính phủ. Các dự án năng lượng tái tạo được chú trọng đầu tư từ những nhà đầu tư trong và ngoài nước là động lực phát triển mạnh mẽ.
Cho nên, dòng tiền khả năng cao sẽ có sự dịch chuyển rõ ràng hơn trong năm 2023 đến những cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn hoặc các doanh nghiệp đã được bảo chứng chất lượng trong bối cảnh kinh tế khó khăn do nhóm bluechip với vị thế đầu ngành và nền tảng tài chính lành mạnh. Đồng thời, đây cũng là những nhóm cổ phiếu đã được chiết khấu đủ sâu và hấp dẫn với khả năng thanh khoản cao để có thể hấp thụ hết dòng tiền lớn vẫn đang chờ đợi trên TTCK.
“Dòng tiền sẽ có sự cơ cấu mạnh và hướng vào những nhóm ngành có triển vọng phục hồi trong dài hạn”, chuyên gia đến từ Chứng khoán VPS nhận định.
Thực tế, theo quan sát của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Yuanta Việt Nam, dòng tiền đang có xu hướng tập trung ở các nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí, và một vài mã vốn hóa lớn.
Điểm sáng kết quả kinh doanh 2022
Những “hé lộ” mới đây cho thấy, các doanh nghiệp lớn trên các lĩnh vực đều đã công bố các con số kinh doanh khả quan trong năm 2022. Điển hình, mới đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam, mã: PVN) đã công bố đạt kết quả tăng trưởng mạnh trong năm 2022. Theo đó, doanh thu Tập đoàn đạt 931,2 ngàn tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm tới 67%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2022 ước đạt 82,2 ngàn tỷ đồng. Trước đó, Tập đoàn đã vượt mọi chỉ tiêu kế hoạch sau 9 tháng đầu năm 2022.
Đáng chú ý, các đơn vị chủ lực của PetroVietnam hầu hết đều lập kỷ lục về tài chính. Trong đó, về doanh thu, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) ước đạt 166 ngàn tỷ đồng; PV GAS (GAS) ước đạt 101 ngàn tỷ đồng; PV OIL (OIL) ước đạt 100 ngàn tỷ đồng; Đạm Phú Mỹ (PVFCCo, mã: DPM) ước đạt 19,4 ngàn tỷ đồng; Đạm Cà Mau (PVCFC, mã: DCM) ước đạt 14,8 ngàn tỷ đồng; PVTrans (PVT) ước đạt 9,2 ngàn tỷ đồng.
Về chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế, PV GAS ước đạt 16,6 ngàn tỷ đồng, Lọc hóa dầu Bình Sơn: 12,7 ngàn tỷ đồng, Đạm Phú Mỹ: 6,4 ngàn tỷ đồng, Đạm Cà Mau: 4 ngàn tỷ đồng, PVTrans: 1,4 ngàn tỷ đồng.
Tương tự, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, tình hình kinh doanh năm qua có nhiều thuận lợi, vượt kế hoạch và chỉ tiêu đặt ra.
Cụ thể, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 62.262 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay, bằng 119% kế hoạch năm, tăng 17% so với năm trước. Về lợi nhuận, Vinachem ước lãi hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 6.023 tỷ đồng, gấp gần 3 lần năm trước, tương ứng tăng hiệu quả 3.890 tỷ đồng.
Một số đơn vị trực thuộc có doanh thu tăng mạnh, gồm: Công ty CP Hóa chất Việt Trì (HVT) tăng 66%; Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tăng 48%; Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) tăng 43%; Công ty CP Hóa chất Cơ bản Miền Nam (CSV) tăng 36%; Công ty CP DAP số 2- Vinachem tăng 22%.
Trong lĩnh vực ngân hàng, 3 "ông lớn" Vietcombank (VCB), VietinBank (CTG) và BIDV (BID) cũng đã công bố các con số sơ bộ về kết quả kinh doanh năm 2022 với kết quả tích cực.
Cụ thể, Vietcombank thông báo lãi trước thuế riêng lẻ của ngân hàng tăng 39% so với năm 2021, đạt 36.775 tỷ đồng. BIDV công bố lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng mẹ đạt 22.560 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 23.190 tỷ đồng. Còn lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng mẹ VietinBank thu về năm vừa qua là 20.500 tỷ, tăng 22%.
Với ngành xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX) cũng đã công bố tổng doanh thu hợp nhất đạt 300.000 tỷ đồng, tăng 78% so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 2.068 tỷ đồng, giảm 45%, lần lượt vượt 25% kế hoạch doanh thu và gấp gần 7 lần chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022.
Với lĩnh vực vận tải từ hàng không đến vận tải biển và đường sắt cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2022.
Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) tiết lộ ước tổng doanh thu 15.381 tỷ đồng, đạt 149% kế hoạch năm và gấp 2 lần so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế ước 7.561 tỷ đồng, đạt 295% kế hoạch năm và gần 10 lần so với năm 2021.