Việc Trung Quốc mở cửa trở lại được coi là tin tức tốt lành đối với các nền kinh tế toàn cầu.
Theo bài viết trên báo The Business Times, việc Trung Quốc mở cửa trở lại là tin tức tốt lành đối với các nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế lo ngại rằng điều đó có thể không đủ để làm thay đổi đà chậm lại của tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023.
Ông Andrew Tilton, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc Goldman Sachs, cho biết mặc dù ngân hàng này tiếp tục dự báo mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trung bình hàng năm dưới mức tiềm năng là 2,2% trong năm 2023, nhưng giờ đây họ có sự đồng thuận về mức dự báo cao hơn đối với hầu hết các nền kinh tế lớn.
Ông Tilton cho biết: “Những cập nhật gần đây của chúng tôi về tăng trưởng toàn cầu phản ánh động lực tăng trưởng mạnh mẽ hơn từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, khả năng chống chọi của châu Âu trước cuộc khủng hoảng năng lượng (do mùa Đông ấm hơn dự kiến) và nền kinh tế Mỹ chứng tỏ khả năng phục hồi trước những động thái thắt chặt chính sách tiền tệ khi tác động của việc tăng lãi suất giảm dần trong năm 2023”. Ông bổ sung rằng còn nhiều cơ hội để triển vọng tăng trưởng toàn cầu được cải thiện.
Goldman Sachs đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2023 của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lên 0,6% và không còn cho rằng khu vực này sẽ xảy ra suy thoái. Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, trong khi Mỹ có thể chứng kiến mức tăng trưởng 1,4% - cao hơn mức dự kiến 0,3% và suy thoái kỹ thuật.
Tuy nhiên, ông Ajay Rajadhyaksha, Chủ tịch nghiên cứu toàn cầu thuộc Ngân hàng Barclays, cho rằng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 1,7% - một sự suy giảm lớn từ mức tăng trưởng hơn 6% năm 2021 và sụt giảm đáng kể từ mức tăng trưởng 3,2% dự kiến cho năm 2022.
Ông nhận định bất chấp việc Trung Quốc mở cửa trở lại và một số sáng kiến chính sách khuyến khích để tái thúc đẩy nền kinh tế, những tác động không đủ lớn để làm thay đổi triển vọng tăng trưởng toàn cầu nói chung.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 xuống còn 1,7%, từ mức dự báo trước đó là 3% do các điều kiện kinh tế ngày càng xấu đi.
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 2023 sẽ là một năm khó khăn nữa đối với nền kinh tế toàn cầu khi lạm phát vẫn ở mức cao, và cơ quan này không thay đổi dự báo mức tăng trưởng 2,7% cho năm 2023.
Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Trung Quốc mang lại 30%-40% cho tăng trưởng toàn cầu. Nhưng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này giờ đây không còn đóng góp được như vậy nữa. Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - sẽ phải đối mặt với tác động kéo dài của chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Sự yếu kém kinh tế sẽ được thể hiện rõ hơn ở các nền kinh tế nhạy cảm với lãi suất như Canada, Australia, New Zealand và Vương quốc Anh. Châu Âu cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm tăng trưởng này.
Nhu cầu chậm lại từ các nền kinh tế tiên tiến, lạm phát gia tăng và đồng USD vẫn mạnh là những khó khăn tiềm tàng đối với khu vực châu Á theo hướng xuất khẩu.
Bà Sue Trinh, đồng trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô toàn cầu thuộc công ty quản lý tài sản Manulife Investment Management, đánh giá: “Châu Á-Thái Bình Dương sẽ khó thoát khỏi ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu. Chi tiêu tiêu dùng cũng có thể bị hạn chế bởi những đợt tăng lãi suất mạnh mẽ gần đây và lạm phát gia tăng”.
Bộ phận phân tích, dự báo và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn The Economist dự báo kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm 2023, thấp hơn so với xu hướng trước đại dịch là 4-5%. Ông Simon Baptist, nhà kinh tế trưởng của EIU, đánh giá Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Thái Lan là ba trường hợp ngoại lệ ở châu Á mà tăng trưởng năm 2023 sẽ nhanh hơn năm 2022 khi Đại lục mở cửa trở lại.
Bà Yue Su thuộc EIU phụ trách Trung Quốc nhận định việc thoát khỏi chính sách "Không COVID" đầy gập ghềnh, nhu cầu bên ngoài yếu, lĩnh vực bất động sản vẫn đang phải vật lộn với khó khăn và sự hỗ trợ chính sách không đủ có thể kéo dài tăng trưởng kinh tế thấp hơn xu hướng chung của Trung Quốc sang năm 2024./.