• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.242,74 -3,30/-0,26%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 11:35:00 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.242,74   -3,30/-0,26%  |   HNX-INDEX   225,39   -0,82/-0,36%  |   UPCOM-INDEX   92,24   -0,11/-0,12%  |   VN30   1.298,20   -5,84/-0,45%  |   HNX30   482,23   -2,42/-0,50%
14 Tháng Mười Một 2024 11:41:43 SA - Mở cửa
Dự báo cho thị trường xuất khẩu năm 2023
Nguồn tin: Báo Đồng Nai | 06/01/2023 7:30:00 SA
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đạt gần 24,6 tỷ USD, tăng hơn 13% so với năm trước và cao hơn bình quân chung của cả nước. Dự báo năm 2023, xuất khẩu của Đồng Nai cũng như cả nước sẽ đối mặt với nhiều thách thức.
 
 
Đồng Nai tổ chức xúc tiến thương mại quảng bá, giới thiệu sản phẩm với thị trường trong nước và xuất khẩu. Ảnh: K.Minh
 
Theo Bộ Công thương, tình hình suy thoái kinh tế thế giới sẽ còn tiếp tục trong năm 2023 nên còn ảnh hưởng đến các nước. Theo đó, nhiều thị trường lớn của Việt Nam như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc giảm sức mua nên các đối tác sẽ giảm đơn hàng. Và doanh nghiệp (DN) sẽ gặp khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa.
 
* Kịch bản cho năm 2023
 
Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế thế giới, năm 2023, nền kinh tế toàn cầu có thể còn ảm đạm hơn năm 2022. Vì thế, 3 kịch bản cho nền kinh tế toàn cầu đã được đưa ra. Trong đó, kịch bản lạc quan thì nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng nhẹ và bắt đầu tăng trưởng từ cuối quý II-2023; kịch bản thứ 2 là kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm đến giữa năm 2023, sau đó mới phục hồi; kịch bản cực đoan là kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, mất đi hàng ngàn tỷ USD.
 
Xung đột giữa Nga - Ukraine, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa chấm dứt sẽ tiếp tục tác động tiêu cực lên nền kinh tế các nước. DN sản xuất, xuất khẩu cùng lúc phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ nhiều phía như: đơn hàng bị cắt giảm, thiếu vốn, tiếp cận vốn khó khăn, lãi vay, tỷ giá ngoại tệ biến động tăng, chi phí nguyên vật liệu đầu vào vẫn “leo thang”. Trong khi 3 năm qua, các DN đa phần bị thiệt hại bởi đại dịch Covid-19 nên sức chống chịu giảm dần. Đầu năm 2023 là giai đoạn cam go nhất của nhiều DN sản xuất, xuất khẩu trên lĩnh vực giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, máy vi tính, điện tử và linh kiện…
 
TS Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Đầu năm nay, đa số DN dệt may chỉ nhận được các đơn hàng nhỏ trong thời gian ngắn nên nhiều nhà máy phải giảm công suất từ 20-50%. Một số DN sẽ phải tạm dừng hoạt động vì thiếu đơn hàng nên xuất khẩu dệt may trong 2 quý đầu năm 2023 có thể bị giảm. Các DN trông đợi đến giữa năm nay, tình hình kinh tế sáng sủa hơn, để phục hồi được sản xuất, kinh doanh”.
 
Đồng Nai là một trong 10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về xuất khẩu dệt may nên cũng chịu ảnh hưởng rất lớn.
 
Theo Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa) Bùi Thế Kích, mọi năm vào dịp đầu năm và cuối năm, DN nhận được rất nhiều đơn hàng, nhiều khi phải từ chối bớt vì số lượng lớn không đáp ứng kịp. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, đơn hàng dệt may đã bắt đầu giảm 20-30% và dự kiến tiếp diễn trong 1-2 quý đầu năm nay.
 
* Xuất khẩu chờ phục hồi
 
Hiện nay, nhiều DN chấp nhận sản xuất huề vốn, chỉ mong có đơn hàng để đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, chờ qua giai đoạn khó khăn sẽ phục hồi trở lại. Trong bối cảnh hiện nay, các DN mong muốn Chính phủ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ như: giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, ưu tiên dòng vốn cho sản xuất, xuất khẩu để có thể trụ vững.
 
 
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Gò Dầu
 
Ông Wu Ming Ying, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai, cho biết: “Đầu năm 2023, rất nhiều DN Đài Loan trên các lĩnh vực gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm nên phải thu hẹp sản xuất. Các đơn hàng DN nhận được thường ngắn hạn và số lượng nhỏ. Dự báo tình hình trên có thể kéo dài đến cuối quý II-2023. Hiện các DN đang cố gắng duy trì sản xuất bằng cách cắt giảm những chi phí không cần thiết, đầu tư thêm công nghệ để tăng chất lượng, số lượng và hạ giá thành sản phẩm, nâng cao cạnh tranh để chờ đợi đầu quý III-2023 sẽ tăng tốc bù lại”.
 
Nếu tình hình kinh tế thế giới phát triển theo hướng lạc quan, đầu quý II-2023, sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam cũng như Đồng Nai sẽ phục hồi. Khi đó đơn đặt hàng sẽ nhiều hơn vì các thị trường lớn sẽ tăng sức mua. Thế nhưng, DN Việt Nam phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khác cũng không kém phần khốc liệt là các nước có cùng ngành hàng xuất khẩu với Việt Nam thời gian qua đã có sự đầu tư rất lớn trong chuyển đổi công nghệ hiện đại, tăng năng suất, chất lượng cho các nhà máy. Bên cạnh đó, các nước cũng rất chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao năng suất. Trong đó có những nước trong khối ASEAN năng suất lao động ngành công nghiệp đã cao gấp 1,5-2,5 lần so với Việt Nam và mức lương trả cho lao động chỉ xấp xỉ Việt Nam. Do đó, lợi thế về nguồn lao động giá rẻ của Việt Nam sẽ không còn, buộc DN phải tính toán lại cho phù hợp để không bị thua trên sân nhà và thị trường quốc tế.