Hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến quặng đồng và tinh quặng,… CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường (MCK: ACM) mong muốn mang đến cho khách hàng những sản phẩm uy tín, chất lượng. Thế nhưng, trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu, ACM gặp không ít khó khăn như: Kinh doanh liên tục thua lỗ, thậm chí không có doanh thu, cổ phiếu ngày càng “teo tóp” dẫn đến nằm trong diện cảnh báo... Đặc biệt, ACM bị Kiểm toán Nhà nước nêu tên trong việc khai thác khoáng sản thuộc khu vực cấm.
Thương hiệu ACM thuộc Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Khoáng sản Á Cường (ACM), tiền thân là Công ty TNHH Tam Cường được thành lập vào năm 1996. Trụ sở chính của ACM đặt tại thôn Gốc Gạo, xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang do ông Nguyễn Xuân Thanh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và bà Phạm Thị Thúy Hạnh làm Tổng Giám đốc.
Với vốn điều lệ ban đầu là 1,6 tỷ đồng. Tháng 09/2011, Công ty chính thức đổi tên thành CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường với vốn điều lệ là 120 tỷ đồng. Đến tháng 10/2014, Công ty thực hiện tăng vốn từ 120 tỷ đồng lên 510 tỷ đồng. ACM hoạt động trong lĩnh vực khai thác quặng kim loại không chứa sắt như: Quặng nhôm, đồng, chì, kẽm, thiếc… trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Vào tháng 07/2015, CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (mã chứng khoán: ACM) với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 10.500 đồng/CP.
Trải qua hơn 26 năm hình thành và phát triển, ACM đã có những chỗ đứng nhất định trong ngành khoáng sản. Hiện nay ACM đã được cấp phép khai thác 05 mỏ và cấp thêm 03 dự án khai thác mỏ khác tại tỉnh Bắc Giang trong đó có 07 mỏ đồng, bạc và 01 mỏ than.
Tuy nhiên, trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu, ACM đã gặp không ít khó khăn như: Kinh doanh liên tục sa sút, 03 năm trở lại đây không có doanh thu, cổ phiếu ngày càng "teo tóp" và nằm trong diện cảnh báo,… Mới đây, CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường đã bị Kiểm toán Nhà nước nêu tên do khai thác khoáng sản (quặng vàng gốc) đối với diện tích rừng 2,5ha để khai thác khoáng sản thuộc khu vực cấm khai thác khoáng sản trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.
Thương hiệu và Công luận thực hiện bài viết này với mong muốn thương hiệu ACM luôn là thương hiệu mang lại những sản phẩm khoáng sản thật uy tín, chất lượng cho người tiêu dùng; doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững.
Thương hiệu ACM khai thác khoáng sản thuộc khu vực cấm?
Ngày 26/09/2023, Kiểm toán Nhà nước đã công khai kết quả kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng Qũy Bảo vệ và phát triển rừng (Qũy) giai đoạn 2020-2022 tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và TP. Hải Phòng.
Theo kết quả kiểm toán, từ khi thành lập Quỹ đến ngày 31/03/2023, các địa phương này đã phê duyệt phương án thu tiền trồng rừng thay thế để chuyển đổi 5.470,01 ha rừng (rừng tự nhiên 170,09 ha, rừng trồng 5.299,92 ha) sang mục đích khác, diện tích rừng phải trồng thay thế là 5.607,54 ha, diện tích rừng đã trồng thay thế 3.341,64 ha, mới bằng 60% so với diện tích phải trồng; diện tích còn phải trồng rừng thay thế ở Quảng Ninh là 2.065,69 ha; Hải Dương 28,05 ha; Bắc Giang 128,12 ha; Hải Phòng 52,21 ha.
Qua công tác kiểm toán, CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường đã bị Kiểm toán Nhà nước "réo" tên trong việc khai thác khoáng sản đối với diện tích rừng 2,5ha. Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Giang trình, Hội đồng Nhân dân tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác cho Công ty cổ phần Tập đoàn khoáng sản Á Cường khai thác khoáng sản (quặng vàng gốc) đối với diện tích rừng 2,5ha để khai thác khoáng sản thuộc khu vực cấm khai thác khoáng sản trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.
Qúa trình tăng vốn và lên sàn của ACM
Theo tìm hiểu của Phóng viên Thương hiệu & Công luận, năm 2015 là năm đỉnh cao khi CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường (
ACM) vừa hoàn thành tăng vốn điều lệ, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu tăng mạnh, tiếp tục đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ về quy mô.
“Qúy I/2015, Công ty thực hiện tăng vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng lên 510 tỷ đồng, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu tăng mạnh, tiếp tục đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ về quy mô. Trong đó, từ tháng 01/2015, Công ty nhận góp vốn bằng tài sản là hệ thống các hạng mục công trình: Các nhà máy, đường giao thông, bãi chứa, hầm lò, các hạng mục phụ trợ tại các mỏ quặng Khuôn Mười, Đồng Bưa, Đồng Tàn, Làng Lân và Phong Vân”. Đây là một phần thông tin về quá trình tăng vốn của
ACM tại bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu - lần tăng vốn điều lệ duy nhất của Công ty kể từ khi thành lập đến nay. Theo đó, năm mà
ACM tăng vốn, niêm yết cũng là năm đỉnh cao nhất lịch sử Công ty.
Quay lại thời điểm 02 năm trước niêm yết, cuối năm 2013, kết quả kinh doanh của
ACM dù có lãi nhẹ, quỹ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty vẫn âm 4,7 tỷ đồng, cho thấy
ACM lỗ các năm trước đó. Năm 2014, mặc dù chưa tăng vốn nhưng
ACM vẫn đạt được con số 11,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giúp Công ty xoá lỗ luỹ kế và đủ điều kiện để niêm yết.
Một phần thông tin tại bản cáo bạch niêm yết năm 2015.
Năm 2015 là năm đỉnh cao, khi
ACM vừa hoàn thành tăng vốn điều lệ, vừa đạt được 276 tỷ đồng đoanh thu và 45,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đáng chú ý, tại báo cáo tài chính của
ACM cho thấy, Công ty không phải nộp thuế thu nhập năm 2014 và 2015. Lý do của việc này là Công ty được khấu trừ lỗ luỹ kế năm trước và phần thu nhập còn lại không phải nộp thuế do nằm trong diện ưu đãi.
“Theo Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Công ty đầu tư xây dựng nhà máy tuyển quặng và luyện đồng, thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư. Theo công văn của Chi cục Thuế huyện Sơn Động - Cục Thuế tỉnh Bắc Giang về việc trả lời chính sách ưu đãi thuế, Công ty xác định được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 03 năm tiếp theo cho nhà máy tuyển và luyện đồng. Năm 2014 là năm đầu tiên Công ty áp dụng miễn thuế thu nhập doanh nghiệp của dự án. Đối với kết quả kinh doanh tại 02 chi nhánh năm 2014 không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp”, theo bản cáo bạch.
Không rõ vì lý do niêm yết, hay vì được ưu đãi thuế đầu tư, mà năm 2014 và năm 2015 lợi nhuận của
ACM tăng mạnh. Tuy nhiên, giai đoạn sau đó,
ACM phải gánh chịu "hậu quả" từ các khoản lãi này.
Vậy, mang thương hiệu ACM hoạt động ra sao?
Năm gần nhất,
ACM có lãi là 2016 với gần 8,7 tỷ đồng. Tuy nhiên năm 2017, doanh nghiệp này lại lỗ 13,9 triệu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và lỗ 27,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Năm 2018,
ACM trích lập tới 72,5 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi, lỗ 82,8 tỷ đồng. Tính ra, chỉ trong 02 năm, Công ty lỗ tổng cộng 109 tỷ đồng, bằng 157% số lợi nhuận đạt được trong 04 năm trước đó, trong đó, riêng khoản phải thu khó đòi đã trích lập có giá trị gần 97 tỷ đồng, tương đương 112,7% doanh thu của cả năm 2014.
Đến cuối năm 2018,
ACM vẫn còn hơn 43 tỷ đồng phải thu ngắn hạn (tương đương 120% tổng doanh thu 02 năm 2017, 2018). Và đến năm 2019, số dư này tiếp tục tăng lên 66 tỷ đồng, sau khi trích lập dự phòng phần lớn.
Năm 2019, công ty chỉ ghi nhận doanh thu 14,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 119 triệu đồng.
Đáng chú ý, từ năm 2020 đến ngày 30/06/2023, Công ty không có doanh thu và lợi nhuận sau thuế liên tục lỗ nặng. Cụ thể, năm 2020, công ty không có doanh thu và lợi nhuận sau thuế lỗ hơn 53,7 tỷ đồng (năm trước lãi gần 120 triệu đồng) do chi phí doanh nghiệp và chi phí tài chính. Cuối năm 2020, tổng giá trị tài sản của
ACM giảm 7,8% từ 580 tỷ xuống còn 535 tỷ đồng. Nợ phải trả đạt 159,7 tỷ đồng - tăng lên 160,7 tỷ đồng (trong đó,nợ ngắn hạn tăng 8,5 tỷ đồng và nợ dài hạn không thay đổi). Trong năm 2020, nợ xấu của công ty gồm: Công ty TNHH Đầu tư phát triển DHA Hà Nội là hơn 32,4 tỷ đồng; Công ty TNHH Lê Giang là hơn 31 tỷ đồng và Công ty Kim loại màu Vũ Gia là hơn 21,1 tỷ đồng.
Bước sang năm 2021,
ACM cho biết dịch bệnh Covid-19 khiến các chuyên gia Trung Quốc chưa thể sang Việt Nam để thực hiện chạy máy và lưu thông hàng hóa. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của công ty.
ACM tiếp tục không có doanh thu trong năm 2021. Trong khi đó,
ACM vẫn phải chịu chi phí tài chính hơn 8,9 tỷ đồng.
ACM còn phải chịu các chi phí vận hành mặc dù không có doanh thu.
Vì thế, tính đến cuối năm 2021, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của
ACM là âm 150,85 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm hơn 12,8 tỷ đồng.
Từ năm 2020 đến ngày 30/6/2023, công ty không có doanh thu và lợi nhuận sau thuế liên tục lỗ nặng. (Nguồn: BCTC tại Tập đoàn Khoáng Sản Á Cường)
Trong năm 2022, tiếp tục là năm không có doanh thu và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của
ACM âm 158,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế âm hơn 9,5 tỷ đồng. Và cho đến thời điểm hiện tại, 06 tháng đầu năm 2023,
ACM vẫn ghi nhận không có doanh thu và lỗ ròng gần 5 tỷ đồng.
Nhìn vào các chỉ số trên báo cáo tài chính cho thấy,
ACM ghi nhận lỗ lũy kế từ năm 2017 cho đến thời điểm 30/06/2023 ngày càng lớn. Cụ thể, năm 2017,
ACM ghi nhận lỗ lũy kế 13,9 triệu đồng. Năm 2018 và năm 2019,
ACM có lỗ lũy kế bằng nhau là 82,7 tỷ đồng. Sang năm 2020, lỗ lũy kế của
ACM tăng vọt lên 136,4 tỷ đồng. Năm 2021, 2022 và 06 tháng đầu năm 2023, con số lỗ lũy kế của
ACM lần lượt là: 149 tỷ đồng; 158,8 tỷ đồng và 163,8 tỷ đồng.
Như vậy, nhìn vào báo cáo tài chính của
ACM qua thời gian, có thể thấy rằng, ngoài tài sản cố định tăng mạnh sau góp vốn, tài sản của Công ty tăng rất mạnh ở hàng tồn kho, khoản phải thu, trong khi doanh thu, lợi nhuận đều ở mức thấp, và sau đó, các khoản này “biến mất” khi được hạch toán nợ xấu. Đó là một điểm đáng quan tâm ở chất lượng báo cáo tài chính kiểm toán của
ACM.
Cổ phiếu ACM ngày càng "teo tóp" và vào quên lãng?
Ngày 23/07/2015, cổ phiếu
ACM lần đầu giao dịch với mức giá 10.500 đồng/cổ phiếu. Trong lịch sử niêm yết,
ACM từng một lần chia cổ tức bằng tiền, tỷ lệ 2,5% mệnh giá cổ phần vào năm 2016. Nhưng đó là tất cả những gì cổ đông nhận được.
Dữ liệu giao dịch
ACM cũng cho thấy, cổ phiếu này có thanh khoản lớn suốt giai đoạn đầu khi mới niêm yết, lên tới hàng triệu cổ phiếu/phiên, thậm chí có phiên khớp tới 7,852 triệu cổ phiếu trên tổng số 51 triệu cổ phiếu lưu hành. Hiện tại đã hoàn toàn ngược lại,
ACM “lột xác” đúng thời điểm nhất, niêm yết, và sau đó tàn lụi dần.
Ngày 23/05/2023 vừa qua, CTCP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường đã họp thành công đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên lần 3 năm 2023 sau khi tổ chức bất thành Đại hội lần 2 ngày 12/05 tại thôn Gốc Gạo, xã Cẩm Đàn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.
Được biết tại thời điểm chốt quyền, công ty có 5.226 cổ đông nắm giữ 51 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Tuy nhiên đến sáng 12/05, chỉ có 05 cổ đông - đại diện cho 1,26% số cổ phiếu có quyền biểu quyết dự họp.Trước đó, ĐHCĐ lần 1 ngày 29/04 của
ACM cũng chỉ ghi nhận 05 cổ đông trên dự họp.
Trong ĐHĐCĐ thường niên lần 3 năm 2023, có 05 cổ đông đại diện cho 645.000 cổ phần, chiếm 1,26% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty. Ghi nhận tại tài liệu họp được công bố ngày 23/05/2023,
ACM cho biết năm 2022 không ghi nhận doanh thu hoạt động (năm thứ ba liên tiếp); lỗ sau thuế ở mức 9,6 tỷ đồng; lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2022 tăng lên mức 159 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu giảm còn 353 tỷ.
Năm 2023, công ty không nêu rõ các chỉ tiêu kinh doanh song đã chốt không chia cổ tức năm 2022. Đây cũng là năm thứ 6 liên tiếp
ACM không chia cổ tức cho cổ đông do công ty đã lỗ ròng 5/6 năm này).
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu
ACM hiện đang trong diện cảnh báo từ tháng 04/2018 do các vấn đề về kinh doanh thua lỗ. Mã trước đó đã bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE từ ngày 08/07/2022 do bị kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2020.