Xây dựng những nhà máy sản xuất pin hoặc điện phân nước, tài trợ cho mạng lưới thu hồi CO2 hoặc trang trại gió, v.v. Đó là "nền kinh tế thị trường sinh thái" mà Pháp mong muốn. Nhưng trước tình cảnh lạm phát, chính phủ phải kêu gọi đầu tư tư nhân quốc tế để tài trợ vào quá trình khử carbon của họ.
Chính phủ Pháp nhấn mạnh: Tài trợ cho quá trình chuyển đổi sinh thái là một dự án xứng tầm với cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên vào tầm thế kỷ 19 – giai đoạn mở ra kỷ nguyên đường sắt. Để bắt đầu, Pháp đã tổ chức “Diễn đàn Paris về khử carbon” lần thứ nhất vào hôm 10/10, quy tụ nhiều nhà công nghiệp, nhà quản lý quỹ đầu tư châu Âu và chủ ngân hàng nước Mỹ.
Theo Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp Bruno Le Maire, chỉ dựa vào công quỹ để thực hiện quá trình chuyển dịch là một điều "không những ngu ngốc" mà còn "không thể đạt được".
Dự thảo ngân sách năm 2024 của Pháp cho quá trình chuyển dịch năng lượng và sinh thái là 7 tỷ euro. Do đó, ông đã kêu gọi đóng góp "quỹ tư nhân" và "tiền tiết kiệm tư nhân". Đồng thời, ông trình bày về những biện pháp sẽ được thực hiện nhằm trấn an giới đầu tư về tính ổn định và rõ ràng của khuôn khổ pháp lý.
Trên thực tế, thế giới cần khoản một khoản đầu tư khổng lồ để làm cho nền kinh tế và ngành công nghiệp trở nên sạch hơn, để có thể tiếp tục sản xuất thép, xi măng, phân bón, xe ô tô hoặc đậu Hà Lan đóng hộp mà không thải ra CO2 và làm hành tinh nóng lên.
Ông Raj Rao, chủ tịch của Quỹ Global Infrastructure Partners (GIP), ước tính: “Cho đến nay, số tiền đầu tư vào quá trình khử carbon là 500 tỷ - 1,1 nghìn tỷ USD/năm. Nếu chúng ta thực sự muốn thấy quá trình khử carbon diễn ra, thì ta cần gấp 3 lần số tiền đó: Khoảng 3 nghìn tỷ USD”. Quỹ GIP là một trong những nhà đầu tư chính trên thế giới về dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
Ông Emmanuel Lagarrigue - Phụ trách về hoạt động đầu tư khí hậu tại Quỹ đầu tư KKR của Mỹ, ước tính con số trên phải cao "gấp 7 lần": "Nếu chúng ta thực sự muốn giảm mức phát thải ròng về 0, chúng ta cần khoản đầu tư khoảng 7.000 tỷ USD/năm".
Điều không ai muốn nói đến
Theo báo cáo gần đây của nhà kinh tế Pisani-Ferri, Pháp cần mức đầu tư hàng năm là 40 - 70 tỷ euro để trung hòa carbon. Theo ông Bruno Le Maire, trước hết, nhà nước Pháp phải “lập kế hoạch” và “chia sẻ rủi ro” nhằm khuyến khích giới tư nhân “mở hầu bao”.
Cũng theo vị bộ trưởng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư, chính phủ Pháp sẽ tạo ra cơ chế bảo lãnh mới cho những hợp đồng cung năng lượng nhằm bảo vệ những người đầu tư vào dự án cung cấp năng lượng xanh cho các nhà công nghiệp. Lễ ký kết đầu tiên đã diễn ra tại Paris ngày 10/10, giữa nhà sản xuất thực phẩm nông nghiệp Bonduelle, công ty năng lượng Arkolia và ngân hàng đầu tư công BpiFrance.
Tuy nhiên, tình hình đã trở nên phức tạp. Lạm phát và lãi suất đã tăng đáng kể từ đầu năm 2022, khiến nhiều dự án lớn - đặc biệt là điện gió, rơi vào tình thế khó khăn. Ông Sven Utermöhlen - Giám đốc điều hành bộ phận kinh doanh điện gió ngoài khơi của RWE Renewables, thừa nhận: “Một số dự án đang trải qua giai đoạn khó khăn, bị ảnh hưởng vì lạm phát mạnh và chi phí tăng cao”.
Ông Bruno Candès - Đối tác tại Infravia Capital, nói thêm: “Lạm phát là điều không ai muốn nói. Do đó, chúng ta phải tìm ra những cách mới để tài trợ cho những dự án cơ sở hạ tầng lớn”.
Những khoản tín dụng thuế được công bố gần đây – nhất là những ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển lĩnh vực bơm nhiệt, đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt. Chính sách này được mô phỏng theo Đạo luật Giảm Lạm Phát của Mỹ. Ông Utermöhlen nhận định rằng đây là “một hệ thống rất hiệu quả nhằm kích thích đầu tư”.
Bà Vanessa Holtz – Giám đốc Ngân hàng Mỹ tại Pháp, thì cho rằng Pháp cần phải cải thiện nhiều vấn đề khác. Hiện nay, châu Âu cần quá nhiều thời gian để cấp giấy phép xây dựng cơ sở hạ tầng so với Mỹ hoặc Trung Quốc.
Theo ông Romain Py - Giám đốc đầu tư của Arjun Infrastructure, nhằm giải quyết tình trạng này, thì Pháp phải có cách tiếp cận chuỗi hậu cần và nguồn nguyên liệu thô tốt hơn nhằm giảm giá chi phí.