• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.315,15 +18,86/+1,45%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:10:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.315,15   +18,86/+1,45%  |   HNX-INDEX   217,70   +0,46/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   95,69   -0,02/-0,02%  |   VN30   1.407,52   +27,77/+2,01%  |   HNX30   432,81   +1,06/+0,25%
20 Tháng Năm 2025 10:08:23 CH - Mở cửa
TT Trump gia tăng sức ép lên Hàn Quốc, theo đuổi ‘thỏa thuận trọn gói’
Nguồn tin: VietNam Finance | 20/05/2025 4:13:41 CH

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng sức ép lên Hàn Quốc khi đưa ra “thỏa thuận trọn gói”, kết hợp các vấn đề thương mại, thuế quan và chia sẻ chi phí quốc phòng vào một khuôn khổ đàm phán duy nhất.

Hướng tới ‘thoả thuận trọn gói’

Chia sẻ chi phí đồn trú quân đội Mỹ tại các nước đồng minh là chủ đề được Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu thích kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông tại Nhà Trắng.

Nhưng khi ngày càng nhiều quốc gia cố gắng đạt được thỏa thuận để thoát khỏi nỗi ám ảnh về thuế quan trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump, ông lại đang theo đuổi một chiến lược riêng: gộp các cuộc đàm phán về thương mại, thuế quan và chia sẻ chi phí quốc phòng thành một thỏa thuận toàn diện duy nhất mà ông gọi là “thoả thuận trọn gói”.


 

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Một trong những quốc gia như vậy trong tầm ngắm của ông là Hàn Quốc, nơi có khoảng 28.500 quân nhân Mỹ được gọi là Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc.

Vào ngày 8/4, Tổng thống Trump đã viết trên Truth Social rằng ông đã thảo luận về “việc thanh toán cho gói Bảo vệ quân sự lớn mà chúng tôi cung cấp cho Hàn Quốc”, cùng với các vấn đề khác, với quyền Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là ông Han Duck-soo.

“Chúng tôi đang đưa ra các chủ đề khác không nằm trong phạm vi Thương mại và Thuế quan, và cũng đang tiến hành đàm phán về những vấn đề đó. ‘Thoả thuận trọn gói’ là một quy trình tuyệt vời và hiệu quả!!!”, ông Trump viết.

Trong khi các quan chức Hàn Quốc được cho là đã tuyên bố rằng các khoản thanh toán quốc phòng sẽ không được đưa ra thảo luận, thì hai ứng cử viên tổng thống hàng đầu của nước này là ông Lee Jae-myung và Kim Moon-soo, đã ám chỉ rằng họ sẵn sàng thảo luận về một thỏa thuận chia sẻ chi phí quốc phòng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói với CNBC rằng cách tiếp cận theo giao dịch chưa chắc đã có lợi cho Mỹ.

Tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore khi đó là ông Ng Eng Hen đã phát biểu: “Người ta nói rằng thương mại và an ninh là hai mặt của một đồng xu, và người ta cho rằng khi sự phụ thuộc vào thương mại thay đổi, các liên minh an ninh cũng sẽ theo sau”.

Ông Bruce Bennett, Giáo sư Phân tích Chính sách tại Trường Chính sách Công RAND, nói với CNBC rằng tổng thống Mỹ có khả năng sẽ đưa vấn đề thanh toán quốc phòng ra thảo luận trong các cuộc đàm phán thương mại.

Ông Bennett cho biết một cách Hàn Quốc có thể “trả nhiều hơn” là đầu tư vào lực lượng của mình và mua thêm thiết bị quân sự của Mỹ.

Ông nói thêm rằng điều này sẽ cho phép quân đội Hàn Quốc lấp đầy mọi khoảng cách về năng lực đồng thời cho phép Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc.

″Nếu chính phủ Hàn Quốc nói rằng chúng tôi tình nguyện... tăng ngân sách thêm 3 hoặc 4 tỷ USD, chúng tôi sẽ sử dụng số tiền đó để mua thiết bị để Mỹ có thể chuyển hướng tập trung, tôi nghĩ điều đó sẽ có tác dụng lớn trong việc đáp ứng lợi ích của Tổng thống”, ông Bennett nhận định.

Có gây tổn hại đến uy tín của Mỹ?

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Hàn Quốc đã chi 2,6% GDP cho quốc phòng trong năm 2024 — cao hơn mức trung bình toàn cầu là 2,5% và thuộc nhóm cao nhất thế giới.

Bước sang năm 2025, quốc gia này đã phân bổ 61,25 nghìn tỷ won Hàn Quốc (tương đương 43,83 tỷ USD) cho ngân sách quốc phòng, tăng 3,1% so với năm trước.


Cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc tại Yeoncheon-gun, Hàn Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Tuy nhiên, ông Hoshik Nam, phó giáo sư tại Khoa Xã hội học và Khoa học Chính trị thuộc Đại học Jacksonville State, cho biết cách tiếp cận mang tính giao dịch như vậy sẽ gây tổn hại đến uy tín của Mỹ.

Ông Nam nói thêm rằng việc sử dụng lực lượng Mỹ làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại có thể khiến các đồng minh thân cận coi các cam kết của Mỹ kém tin cậy hơn.

Hàn Quốc không bắt buộc phải đóng góp tài chính theo thỏa thuận ban đầu ký kết với Mỹ vào năm 1966 về việc đồn trú binh lính Mỹ tại nước này, được gọi là Thỏa thuận về Quy chế Lực lượng (Status of Forces Agreement).

Việc chia sẻ chi phí chỉ trở thành một phần của liên minh kể từ năm 1991, khi Seoul đồng ý gánh vác một phần chi phí trong ba lĩnh vực chính: hậu cần, lao động địa phương và xây dựng quân sự.

Ông Hoshik Nam giải thích rằng sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Hàn Quốc từ những năm 1960 đã tạo ra điều kiện cho việc chia sẻ chi phí.

Ông lưu ý: “Cả hai quốc gia đều nhất trí rằng mối quan hệ của họ nên vượt ra ngoài mối quan hệ đơn thuần giữa bên cung cấp và bên nhận viện trợ”.

Ông Nam cho biết nguồn quỹ do chính phủ Hàn Quốc cung cấp cũng tạo ra việc làm tại địa phương và hỗ trợ các ngành công nghiệp địa phương.

“Về xây dựng, hầu hết các dự án đều do các công ty xây dựng Hàn Quốc thực hiện. Về hậu cần, thiết bị, dịch vụ và cơ sở vật chất đều do các công ty Hàn Quốc cung cấp”, ông Nam nhấn mạnh.

Vào tháng 10/2024, Seoul đã đồng ý tăng 8,3% khoản đóng góp cho việc đồn trú quân đội Mỹ vào năm 2026, lên 1,52 nghìn tỷ won (1,13 tỷ USD).

Theo CNBC

Hải Đăng-Link gốc