Các chuyên gia Chứng khoán Mirae Asset đều dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành gạo đa số tăng cao trong giai đoạn cuối năm.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu tăng trở lại do nhu cầu mua tại các thị trường châu Á, châu Phi tăng lên.
Đặc biệt là tuyên bố mới đây của chính quyền Indonesia về việc cần mua thêm đến 1,5 triệu tấn gạo từ nay đến cuối năm.
Thương vụ Việt Nam tại Indonesia thông tin thêm Quyền Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia, ông Arief Prasetyo Adi tuyên bố trước báo giới Indonesia rằng Việt Nam và Thái Lan sẽ là hai nguồn cung gạo chính cho đợt thu mua 1,5 triệu tấn gạo tới đây của nước này.
Các thủ tục, giấy phép về việc nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo đang được xúc tiến để việc nhập khẩu có thể bắt đầu từ cuối tháng 10 này.
"Việc Indonesia chọn Việt Nam là nguồn cung chính cho các đợt thu mua lúa gạo đã khẳng định thêm vị thế, uy tín chất lượng của hạt gạo Việt Nam. Nguồn cung gạo Việt Nam luôn là nguồn cung uy tín, giành được sự tin tưởng của Chính phủ và người tiêu dùng Indonesia trong bối cảnh Indonesia đang phải đối mặt với sự thiếu hụt về sản lượng lương thực sản xuất trong nước do ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino" - Thương vụ Việt Nam tại Indonesia nhận định.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định việc Ấn Độ cấm xuất khẩu khiến an ninh lương thực ngày càng trở nên quan trọng. Tình thế này buộc các nước nhập khẩu đẩy mạnh tích trữ. Giá gạo do đó càng được đẩy lên mức cao và thậm chí vẫn còn dư địa tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm nay.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 15/10, giá gạo Việt Nam loại 5% tấm đang ở mức 623 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với ngày 12/10 và tăng 10 USD/tấn so với ngày 2/10; giá gạo 25% tấm cũng tăng 5 USD/tấn, lên mức 608 USD/tấn.
Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu Việt Nam đang gia tăng cách biệt so với gạo Thái Lan khi cao hơn 42 USD/tấn, loại 5% tấm và cao hơn 75 USD/tấn đối với loại gạo 25% tấm.
Các chuyên gia Chứng khoán Mirae Asset dự báo giá gạo bình quân cả năm 2023 dự báo ở mức 553 USD/tấn, tăng gần 14% cùng kỳ. Đây là mức giá bán bình quân cao nhất trong 15 năm trở lại đây.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 9 vừa qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 605.000 tấn, tương ứng 378 triệu USD, giảm 31% về lượng và giảm 34% về giá trị so với tháng 8.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,4 triệu tấn, tương ứng 3,5 tỷ USD, tăng 20% về lượng và tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Các doanh nghiệp Việt kỳ vọng tăng trưởng mạnh cuối năm nhờ hưởng lợi giá gạo tăng cao
CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã TAR) hoạt động chính trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh, và xuất khẩu gạo. Trong đó, tiêu thụ gạo nội địa và xuất khẩu chiếm tỷ trọng lần lượt là 85,6% và 14,4% doanh thu năm 2022. TAR sở hữu thương hiệu gạo Trung An, và 6 nhà máy chế biến gạo cung cấp khoảng 360.000 tấn gạo/ năm. Thị trường xuất khẩu chính: Hàn Quốc, Trung Quốc, và EU.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, TAR ghi nhận doanh thu thuần và lãi gộp đạt 2.513 tỷ đồng và 132 tỷ đồng, lần lượt tăng 46% và giảm 23% so với cùng kỳ. Điều này do giá vốn bán hàng tăng khiến cho lợi nhuận gộp bị thu hẹp. LNST chỉ ghi nhận 606 triệu đồng do chi phí tài chính tăng mạnh lên tới 65 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ.
Phía TAR cho biết, doanh nghiệp đã giao xong đơn hàng 11.347 tấn gạo sang Hàn Quốc, và vừa chốt được đơn hàng 16.667 tấn gạo với giá 674 USD/ tấn sẽ được giao trong tháng 7/2023. Đây là mức giá cao so với các nước trong khu vực. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp TAR thắng gói thầu xuất khẩu gạo sang thị trường khó tính như Hàn Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc khi mở cửa trở lại đã tăng cường nhập khẩu gạo từ Việt Nam tăng 67,3% cùng kỳ 2022, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của TAR, do đó kỳ vọng doanh thu xuất khẩu gạo của TAR sẽ tăng trưởng mạnh.
Các chuyên gia Mirae Asset dự phóng năm 2023, doanh thu TAR đạt 4.487 tỷ đồng tăng 18,1% so với cùng kỳ, LNST đạt 64,8 tỷ đồng giảm 13,9% so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí tài chính lên đến 117 tỷ đồng tăng 26,8% so với cùng kỳ do chi phí lãi vay tăng cao.
Với CTCP Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG), Tập đoàn gồm 23 công ty con và 1 công ty liên kết, chuyên về sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (đạt tỷ lệ 37% trong doanh thu năm 2022) cùng với sản xuất và kinh doanh lương thực và gạo (chiếm tỷ lệ 54%). Ngoài ra, tập đoàn còn hoạt động trong các lĩnh vực khác như hạt giống cây trồng, bao bì, xây dựng và nhiều lĩnh vực khác.
6 tháng đầu năm 2023, doanh thu và lợi nhuận ròng thuộc cổ đông công ty mẹ ở mức 6.232 và 345 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,5% và 151% so với cùng kỳ.Hoạt động lương thực gạo kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng góp chính cho hoạt động LTG trong nửa cuối năm 2023 nhờ đà tăng chung của giá gạo thế giới.
LTG là doanh nghiệp có nền tảng vững chắc, có khả năng chi trả cổ tức tiền mặt đều đặn qua nhiều năm. Trong nửa đầu năm 2023, LTG tăng cường việc vay nợ ngắn hạn để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, lãi suất vay vốn ở mức khá thấp, và đặc biệt là việc LTG nhận được các khoản vay tín chấp.
Năm 2023, theo dự báo của Mirae Asset, doanh thu và lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 13.654 tỷ và 451 tỷ đồng, tăng 16,8% và 9,3% so với cùng kỳ.
Còn với CTCP Tập đoàn PAN (mã PAN) lại được dự phóng ở chiều ngược lại. Pan Group là một tập đoàn hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, với một hệ sinh thái đa dạng bao gồm Giống cây trồng và gạo (NSC), Tôm xuất khẩu (FMC), Bánh kẹo (BBC), Cá tra & nghêu (ABT), Hạt và trái cây sấy (LAF), Thuốc trừ sâu (VFG), và Nước mắm (584 Nha Trang). Mảng thủy sản và nông nghiệp đang giữ vị trí quan trọng trong hoạt động, chiếm tương ứng 41% và 43% tổng doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu và lãi ròng cổ đông công ty mẹ hợp nhất lần lượt đạt 5.597 tỷ đồng và 105 tỷ đồng, lần lượt giảm 9,3% và 71% cùng kỳ: 1) Giống cây trồng và gạo (NSC) tăng giảm 15,1% doanh thu; 2) mảng tôm xuất khẩu (FMC) giảm 25,6%; 3) mảng thuốc trừ đạt 1.361 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,3%; 4) biên lợi nhuận gộp giảm từ 19,2% xuống còn 18,4%.
Mặc dù ghi nhận sự giảm tỷ lệ doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2023, hệ sinh thái rộng lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm đã giúp PAN duy trì sự ổn định trong nhiều năm và có khả năng chống chọi với suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều này tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn so với các doanh nghiệp khác trong cùng ngành nông nghiệp và thực phẩm. Kỳ vọng chu kỳ phục hồi hoạt động sẽ rõ nét hơn từ nửa cuối năm 2023 trở đi khi nhu cầu tiêu thụ gạo, thủy sản kỳ vọng sẽ dần phục hồi.
Các chuyên gia Mirae Asset dự báo doanh thu thuần và lãi ròng thuộc cổ đông công ty mẹ PAN năm 2023 đạt 12.507 tỷ và 167 tỷ đồng, lần lượt giảm 8,5% và 54% cùng kỳ.
Yên Hoàng