Tổng CTCP Vận tải dầu khí (PV Trans – HoSE: PVT) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý 3/2023, ghi nhận doanh thu 802 tỷ đồng, giảm nhẹ so với quý 3/2022. Tuy nhiên với việc giá vốn giảm tới hơn 10%, lợi nhuận gộp lại tăng 12% lên gần 168 tỷ đồng.
Một tàu chở dầu của PVT. Ảnh: PV Trans
Bóc tách cơ cấu doanh thu, dịch vụ vận tải tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khi tăng nhẹ lên 618 tỷ đồng, theo sau bởi dịch vụ kho nổi 154 tỷ đồng, giảm 24%.
Điểm nhấn trong bức tranh tài chính của công ty mẹ PVT là doanh thu hoạt động tài chính đạt 156,6 tỷ đồng, cao gấp 4,3 lần cùng kỳ. Theo thuyết minh BCTC, trong quý 3, PVT nhận về 114,44 tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận được chia, gấp 10 lần năm ngoái. Lãi tiền gửi cũng tăng tới 68% lên 41,2 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính tăng 22% lên 30,3 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 22% về còn 23,7 tỷ đồng. Khấu trừ thuế phí, PVT báo lãi quý 3/2023 gần 243 tỷ đồng, tăng 140% so với thực hiện của quý 2/2022.
Theo văn bản giải trình chênh lệch lợi nhuận, PVT cho biết lợi nhuận sau thuế tăng mạnh so với quý 3/2022 là do gia tăng lợi nhuận từ hoạt động tài chính và gia tăng hiệu quả khai thác đội tàu của PV Trans.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, PV Trans ghi nhận doanh thu riêng 2.274 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 552 tỷ đồng, giảm 6,5% và tăng 57% so với cùng kỳ năm 2022, tương ứng hoàn thành 89% kế hoạch doanh thu và vượt 48% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên.
Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của PVT tăng 13% so với thời điểm đầu năm lên 8.299 tỷ đồng, với 3.230 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn và 5.069 tỷ đồng là tài sản dài hạn. Chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản của PVT là 544 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền và 1.869 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của PVT tăng 22% so với đầu năm lên 2.964 tỷ đồng, bao gồm 333,3 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn, 197 tỷ đồng chi phí phải trả ngắn hạn, 229 tỷ đồng phải trả ngắn hạn khác. Nợ vay tài chính tại cuối quý 3 của PVT tăng 37,8% lên 1.291 tỷ đồng.
Minh Phong