Vào tháng 4/2022, Berlin đã đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng. Giờ đây, họ lấy hydro xanh làm yếu tố chính nhằm khử carbon cho ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng của mình.
Lễ ký kết thỏa thuận giữa Đức và Algeria
Theo thông cáo báo chí ngày 26/10 của Bộ Kinh tế Đức, tại sự kiện Ngày Năng lượng Algeria - Đức lần thứ 5, Berlin đã bắt đầu đàm phán với Algeria về việc cung cấp hydro xanh, thông qua công tác chuyển đổi và mở rộng những đường ống dẫn khí đốt hiện có.
Thông cáo báo chí viết: “Mục tiêu là đáp ứng được 10% nhu cầu hydro xanh của châu Âu - một sản lượng tương đồng với mức dự kiến cho dự án đường ống dẫn khí hydro của châu Âu tên H2Med, xuất phát từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha”.
Những cuộc thảo luận giữa Berlin và Algiers đặc biệt tập trung vào việc chuyển đổi và mở rộng các đường ống dẫn khí đốt hiện có, nhằm vận chuyển hydro xanh xuyên qua Tunisia, Ý và Áo để đi đến miền nam nước Đức.
Vào tháng 4/2022, Đức đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng. Họ lệ thuộc vào than và khí đốt nhằm vận hành những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng. Trong mắt Berlin, hydro sản xuất từ phương pháp điện phân nước, với nguồn điện đến từ năng lượng tái tạo, là yếu tố chủ đạo nhằm khử carbon cho ngành công nghiệp của họ.
Theo một báo cáo do công ty tư vấn Deloitte công bố vào tháng 8/2022, Bắc Phi sẽ là khu vực xuất khẩu hydro xanh hàng đầu trên quy mô toàn cầu, còn châu Âu sẽ là khu vực nhập khẩu hàng đầu vào năm 2050.
Cũng theo báo cáo trên, vào năm 2050, các quốc gia Bắc Phi có thể xuất khẩu 44 triệu tấn hydro sạch và đạt doanh thu 110 tỷ USD, nhờ có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và nhu cầu nội địa thấp.