Là doanh nghiệp tiên phong theo định hướng phát triển bền vững, hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp và khách hàng, nhất là chính sách cho người lao động, đến thời điểm này, tập thể Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HOSE: DCM) đã xây dựng thành công thương hiệu phân bón với nhiều thành tích trong sản xuất kinh doanh.
Duy trì hiệu quả thị trường truyền thống
Trái ngược với năm 2022, năm 2023 thị trường phân bón gặp rất nhiều khó khăn. Trong 9 tháng năm 2023, thị trường phân bón cạnh tranh cao và nhiều biến động, giá duy trì ở mức thấp, nhu cầu nội địa giảm, tiêu thụ khó khăn. Giá nguyên liệu, vật liệu đầu vào cao chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình chính trị thế giới, chính sách tiền tệ và lạm phát. Tất cả yếu tố đó đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón.
Trong hoàn cảnh đó, Phân bón Cà Mau đã chủ động theo sát diễn biến thị trường, đặc biệt giá nguyên liệu đầu vào và giá phân bón để có những quyết định kịp thời trong điều hành, quản trị, hướng đến triển khai tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra. Theo đó, trong 9 tháng năm 2023, sản lượng sản xuất Urê quy đổi đạt 708,33 nghìn tấn, đạt 106% so cùng kỳ năm 2022. Sản lượng tiêu thụ urê đạt 671,11 nghìn tấn, đạt 108% so cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu ước đạt 9.475,59 tỷ đồng. Bằng cách triển khai nhiều giải pháp linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, PVCFC đã hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, tiêu thụ, nộp ngân sách được giao.
Theo lãnh đạo PVCFC, doanh nghiệp luôn kiên trì giữ vững thị phần tại thị trường mục tiêu và xâm nhập những thị trường mới. Công ty liên tục cân đối và điều chỉnh chính sách bán hàng linh hoạt, triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến bán hàng, chủ động tìm kiếm được thị trường ngoài nước, đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, PVCFC cũng ưu tiên đưa ra các dòng sản phẩm phân bón mới có giá trị cao hơn sản phẩm hiện tại, giá thành cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của nông dân và hệ thống phân phối.
"PVCFC duy trì hiệu quả các thị trường truyền thống và phát triển mạnh mẽ việc kinh doanh quốc tế, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới theo xu hướng nông nghiệp xanh như NPK hòa tan, phân bón lá bên cạnh hữu cơ vi sinh, các giải pháp canh tác công nghệ cao…", Tổng giám đốc PVCFC Văn Tiến Thanh cho biết.
Đẩy mạnh xuất khẩu các tháng cuối năm
Nền tảng phát triển bền vững của PVCFC còn đến từ hệ thống phân phối vững mạnh, trải rộng trong nước và một số thị trường nước ngoài. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng hệ thống phân phối cấp 1, gấp 2 lần so với hiện tại; tăng trưởng hệ thống phân phối cấp 2 hàng năm đạt 5%/năm và mục tiêu ít nhất có 15.000 đại lý cấp 2.
Riêng trong năm 2023, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu ở các tháng cuối năm khi tình hình giá phân bón thế giới đang tăng do nhu cầu tăng, kỳ vọng về doanh thu tốt nhờ sản lượng hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong sản lượng sản xuất của doanh nghiệp. Hai nhà máy Đạm Cà Mau và NPK Cà Mau thuộc Phân bón Cà Mau đã hoàn thành bảo dưỡng sớm vượt kế hoạch, giúp công ty tiết kiệm chi phí và phục vụ tốt nhu cầu phân bón vụ Đông Xuân.
Mặt khác, công ty liên tục điều chỉnh các chính sách bán hàng linh hoạt, triển khai nhiều chương trình xúc tiến bán hàng như "Mùa vàng thắng lớn", tặng ấn vật phẩm dùng thử. Công ty sẽ còn tiếp tục nỗ lực triển khai nhiều hoạt động để hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh theo kế hoạch năm 2023. Trong đó, đẩy mạnh xuất khẩu Ure để giảm áp lực thị trường trong nước, tìm kiếm nhiều cơ hội mới và các giải pháp để khắc phục khó khăn, hạn chế còn tồn tại.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động logistics tại Việt Nam chưa thật sự phát triển, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu gặp phải những khó khăn nhất định trong khâu tìm kiếm kho bãi cũng như bảo đảm điều kiện bảo quản hàng hóa và chi phí hợp lý.
Đứng trước nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, thủ tục pháp lý còn nhiều hạn chế đối với các doanh nghiệp khi thời gian chờ thông quan lâu dẫn đến phát sinh chi phí lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của công ty; PVCFC mong muốn quy định về kiểm tra chất lượng hàng hóa và thủ tục thông quan hàng hóa sớm được khơi thông. Qua đó, doanh nghiệp có thể tăng vòng quay sản lượng hàng hoá, bán được hàng ngay trong quá trình dỡ hàng hoá tại cầu cảng nhằm tiết giảm chi phí bán hàng, mang lại sự phát triển cho doanh nghiệp, lợi ích cho cổ đông và người tiêu dùng.