Khoảng một tháng nay, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu đã đón đơn hàng "trở lại" sau một thời gian trầm lắng. Mặc dù còn nhiều khó khăn song đây là tín hiệu cho thấy thị trường tiêu thụ ấm dần, là dịp để các DN chớp thời cơ phục hồi tăng trưởng.
Tín hiệu khởi sắc
Do ảnh hưởng của tình hình thế giới, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh nên thời gian qua, nhiều cơ sở chế biến gỗ không có đơn hàng xuất khẩu, phải hoạt động cầm chừng, cắt giảm nhân công, thậm chí ngưng hoạt động. Gần đây, thị trường xuất khẩu viên nén gỗ, gỗ dăm, gỗ ép... đều khởi sắc, nhiều cơ sở chế biến gỗ hoạt động trở lại, tuyển thêm lao động và tăng công suất, bù đắp cho những thiếu hụt trước đó.
Một cơ sở chế biến gỗ xuất khẩu tại xã Vô Tranh (Lục Nam).
Công ty TNHH Chế biến lâm sản Hùng Mạnh ở Cụm công nghiệp Già Khê, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) chuyên sản xuất các loại ván ép phủ phim. Nếu như từ đầu năm đến tháng 7 vừa qua, Công ty hoạt động cầm chừng, nhiều thời điểm phải cắt giảm gần một nửa công nhân thì nay đã tuyển lại lao động, hoạt động đạt 80% công suất. Người lao động đã làm đủ ngày công trong tháng và bình quân Công ty xuất khẩu khoảng 30 container hàng/tháng.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Công ty, những tháng đầu năm do việc xuất khẩu bị ngưng trệ, đơn hàng ít nên DN đã linh hoạt thích ứng bằng cách tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước để duy trì việc làm cho công nhân. Gần đây, tuy giá bán các sản phẩm gỗ ép vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ năm 2022 song DN đã nhận được nhiều đơn hàng hơn từ các đối tác nước ngoài như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines… Công ty đang nỗ lực phục hồi, nâng chất lượng sản phẩm, bảo đảm uy tín nhằm giữ chân khách hàng cũ và tìm kiếm thêm khách hàng mới.
Tuy không thể hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm đề ra, song để đáp ứng nhu cầu thị trường, tranh thủ cơ hội này giữ mối hàng, Công ty cổ phần Hoàng Lâm, xã An Hà (Lạng Giang) đã tuyển lại công nhân, nâng công suất hoạt động và từng bước vượt qua khó khăn, bảo đảm thu nhập ổn định cho gần 100 lao động. Theo đại diện lãnh đạo Công ty, những năm trước sản phẩm của DN chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ.
Gần đây, do thị trường này yêu cầu khắt khe hơn nên đã chuyển hướng sang thị trường Ấn Độ. Hồi đầu năm, công nhân tại đây chỉ làm được 20 ngày công mỗi tháng thì nay đã làm đủ công, công suất nhà máy đạt 80% với sản lượng hơn 1 nghìn khối/tháng (tăng 30% so với những tháng đầu năm).
Thời điểm này, các DN cũng thuận lợi về nguồn cung nguyên liệu cho đầu vào sản xuất. Giá gỗ nguyên liệu giảm hơn so với mọi năm nên phần nào bù đắp trong bối cảnh giá xuất khẩu các sản phẩm đang ở mức thấp.
Tiếp đà vượt khó
Tuy có khởi sắc song khó khăn đối với các DN chế biến, xuất khẩu gỗ vẫn chưa hết. Tại một số địa phương như: Lục Nam, Yên Thế, Lục Ngạn… không ít cơ sở phải đóng cửa nhiều tháng nay chưa hoạt động trở lại, trong đó có cơ sở phải thanh lý máy móc, chuyển hẳn sang ngành nghề khác.
Ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: ‘‘Thị trường gỗ dần khởi sắc trở lại là do nhu cầu một số nước đã mở cửa với sản phẩm gỗ của Việt Nam. Cùng đó là sự chung tay vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành từ T.Ư đến địa phương trong tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn như: Khuyến khích, hỗ trợ các DN xây dựng thương hiệu cho ngành chế biến gỗ; tạo điều kiện để DN đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ở các khu vực mới, tiềm năng như: Australia, Nga, Canada, Ấn Độ, châu Phi, Nam Mỹ và bán hàng online”; triển khai thực thi các thỏa thuận và hiệp định song phương mà Việt Nam đã ký kết...
Hệ thống pháp luật cũng từng bước được hoàn thiện, góp phần kiểm soát, bảo đảm nguồn gốc gỗ hợp pháp, qua đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN ngành gỗ. Ngoài ra, quy định cơ quan kiểm lâm sở tại được xác nhận nguồn gốc lâm sản đối với gỗ rừng trồng theo đề nghị của chủ lâm sản cũng là mấu chốt tháo gỡ nút thắt cho DN xuất khẩu gỗ.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 992 cơ sở chế biến lâm sản, gồm 77 cơ sở là tổ chức và 915 cơ sở là hộ gia đình, cá nhân. Dự kiến, giá trị xuất khẩu gỗ 3 tháng cuối năm 2023 đạt khoảng 800 tỷ (tăng 71,6% so với trung bình những tháng đầu năm 2023); giá trị xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng (bằng 92% so với năm 2022).
Trên địa bàn tỉnh hiện có 992 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản, gồm 77 cơ sở là tổ chức và 915 cơ sở là hộ gia đình, cá nhân. Dự kiến, giá trị xuất khẩu gỗ 3 tháng cuối năm 2023 đạt khoảng 800 tỷ (tăng 71,6% so với trung bình những tháng đầu năm); giá trị xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 2,2 nghìn tỷ đồng (bằng 92% so với năm 2022).
Theo ông Hà Minh Quý, tuy đã khởi sắc nhưng hoạt động chế biến gỗ vẫn còn nhiều khó khăn như hạn mức vay vốn của DN thấp, lãi suất cao, giá sản phẩm thấp; các thủ tục để DN được hoàn thuế còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ, nhất là liên quan đến hồ sơ chứng minh nguồn gốc lâm sản.
Tranh thủ cơ hội đưa ngành chế biến gỗ phục hồi nhanh chóng, các DN cần phải nỗ lực thích ứng và tự làm mới mình. Trong đó, cần tập trung vào việc nâng cao kỹ thuật chế biến và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cao. Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các sản phẩm có giá trị, độc đáo, từ đó thu hút sự quan tâm của thị trường quốc tế và các thị trường mới.
Việc quản lý, khai thác gỗ theo hướng bền vững là yếu tố quan trọng giúp sản phẩm gỗ xuất khẩu thuận lợi. DN cùng với cơ quan nhà nước xây dựng hệ thống quản lý rừng bền vững và chuỗi cung ứng gỗ theo tiêu chuẩn quốc tế như FSC. Quan tâm đầu tư cho công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả quản lý; mạnh dạn tái cấu trúc nhà máy, cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết và nâng cao năng suất.
Hỗ trợ cho các DN ngành gỗ, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng chỉ đạo, nắm bắt các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, kịp thời thông tin để các DN chế biến gỗ nắm bắt, chủ động tiêu thụ sản phẩm. Kiến nghị cơ quan thuế cắt giảm một số thủ tục trong việc khai báo thuế; tạo điều kiện cho DN trong việc hoàn thuế để có vốn tái đầu tư sản xuất, kinh doanh.