Nhà máy nước Vạn Niên 1 có kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn thời Pháp thuộc. Ảnh: CĐ.
Nhà máy nước đầu tiên ở Trung kỳ
Nằm khép mình bên đồi Vọng Cảnh thơ mộng thuộc địa phận phường Thủy Biều (thành phố Huế), nhà máy nước Vạn Niên 1 là biểu tượng của một thời văn minh công nghiệp, không chỉ ở Huế mà cả xứ Trung kỳ xưa kia. Càng ý nghĩa hơn khi nơi đây sẽ trở thành bảo tàng ngành nước đầu tiên của Việt Nam trong nay mai.
Theo tư liệu lịch sử của những nhà nghiên cứu văn hóa Huế, nhà máy nước Vạn Niên khởi công xây dựng năm 1909 theo sắc phong của vua Thành Thái và hoàn thành vào năm 1911, chậm hơn rất nhiều so với Nhà thương Huế (Bệnh viện Trung ương Huế ngày nay) hay Trường Quốc học, những công trình tiêu biểu dưới thời Pháp thuộc hiện đang còn tại cố đô Huế.
Lý giải về sự chậm trễ này, nhiều người đã nói đến sự khó tính của người Pháp. Thế nhưng cũng nhờ đó mà cho đến hôm nay Huế đã có một nhà máy nước đầu tiên vô cùng độc đáo, mang dáng vóc của một ngôi chùa nhỏ phương Đông.
Nhìn từ xa, nhà máy nước với 5 trụ biểu cùng mái ngói âm dương và các đầu hồi uốn cong, môtíp của các đình làng. Toàn bộ công trình kiến trúc của một nhà máy công nghiệp nằm hài hòa với cảnh quan hết sức thơ mộng của vùng thượng lưu sông Hương.
Kiến trúc nhà máy nước Vạn Niên 1 do kiến trúc sư Bossard người Pháp vẽ vào đầu thế kỷ XX. Ảnh: NM.
Điều đặc biệt là kiến trúc nhà máy nước đầu tiên ở xứ sở Trung kỳ do kiến trúc sư Bossard người Pháp thiết kế vào đầu thế kỷ XX tuy là một công trình công nghiệp nhưng mang đậm dấu ấn một công trình văn hóa truyền thống Huế. Nếu đi thuyền từ dưới sông Hương nhìn lên, du khách có cảm tưởng như mình đang chiêm ngưỡng một đền đài nhà Nguyễn. Toàn bộ kiến trúc của nhà máy nước hòa hợp với vẻ đẹp của đồi Vọng Cảnh từ xưa đã trở thành một điểm tham quan thú vị lúc ngay từ lúc nhà máy nước Vạn Niên 1 này ra đời.
Sách “Giude L’Annam” của tác giả Ph.Eberhandt xuất bản năm 1914 dưới thời Duy Tân đã xếp Usine des Eaux de Hué (nhà máy nước Huế) vào danh mục công trình lịch sử văn hóa Huế để tham quan. Với lời mời “Chúng ta nên ghé thăm nhà máy nước được xây dựng để cung cấp sạch cho Huế. Nó thật sự tạo nên sự chú ý bởi một phong cách rất Việt Nam”.
Dù là một địa chỉ từ lâu đã nằm trong các tour tham quan nổi tiếng, nhưng đến năm 2004, công trình này mới được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Điều đáng buồn là từ nhiều năm qua hầu như ngành du lịch, văn hóa địa phương cũng chẳng mấy ai quan tâm, đoái hoài, cho dù “ông cụ nước” vẫn sừng sững đứng đó bất kể ngày đêm bền bỉ “bơm nước” sinh hoạt cho người dân thành phố Huế.
Giá trị của nhà máy nước Vạn Niên 1 không chỉ là một di sản quý giá của ngành nước của Việt Nam, xứ Huế mà nó còn thể hiện một quan điểm quy hoạch xây dựng kiến trúc mới của Huế, đó là bảo tồn hài hòa giữa phát triển công nghiệp với cảnh quan đô thị Huế.
Biến Vạn Niên 1 thành Bảo tàng nước đầu tiên tại Việt Nam
Với tấm lòng “tri ân tiền nhân”, đúng dịp kỷ niệm 110 năm nhà máy nước Vạn Niên vào năm 2019, ông Trương Công Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị HueWACO (Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên - Huế) cùng các cộng sự đã công bố bản thiết kế công trình nhà máy nước Vạn Niên 1.
Cùng với đó, nhiều tài liệu có liên quan được tìm thấy tại một trung tâm lưu trữ ở Pháp. Công ty quyết định bỏ ra khoảng 100 triệu đồng để sao chụp tư liệu nhằm phục vụ cho việc trưng bày tại lễ kỷ niệm.
Bản vẽ nhà máy Vạn Niên 1 từ năm 1909 hiện đang lưu trữ tại Pháp. Ảnh: TL.
Cũng từ đó ý tưởng về việc thành lập bảo tàng nước đầu tiên được manh nha. Tham vọng của HueWACO sẽ biến Vạn Niên 1 thành Bảo tàng nước đầu tiên tại Việt Nam nằm bên cạnh sông Hương, kết hợp với đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh tạo thành một cụm di tích - cảnh quan có giá trị cho thành phố Huế.
Ông Nguyễn Liên Minh, Trưởng phòng Thiết kế HueWACO thành viên của nhóm lập đề án xây dựng bảo tàng nước tại nhà máy Vạn Niên 1 cho biết, nhiều thành viên công ty đã đến tham quan Viện nước Yokohama, Kyoto Nhật Bản, Cục nước Hàn Quốc, Cục nước Thái Lan… để học hỏi cách làm về bảo tàng nước. Hiện tại đơn vị đã sưu tập các tư liệu, hiện vật lịch sử. Tuy nhiên để trưng bày có hệ thống còn rất nhiều việc cần phải làm.
Hình chụp tư liệu thiết kế máy bơm nước hiện lưu giữ tại Pháp. Ảnh: TL.
“Ở bảo tàng nước này, chúng tôi muốn không chỉ cung cấp cho mọi người biết về lịch sử ra đời của nhà máy nước đầu tiên tại Trung kỳ còn mà trưng bày tất các máy móc thiết bị công nghệ của ngành cấp thoát nước từ xưa cho đến nay. Riêng khu nhà mới sẽ làm tầng hầm, trưng bày từng bước những hiện vật đương đại phục vụ ngành nước”, ông Nguyễn Liên Minh trao đổi.
Khi nghe tin HueWACO sẽ thành lập bảo tàng nước đầu tiên tại Việt Nam trên cơ sở nhà máy Vạn Niên 1, ông Trần Đình Hằng, Phân Viện trưởng Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế vô cùng thích thú và ủng hộ ý tưởng này.
Ông Trần Đình Hằng cho biết, nhà máy nước Vạn Niên 1 là biểu tượng của một thời văn minh công nghiệp, không chỉ ở Huế mà cả xứ Trung kỳ. Đặc biệt là vào triều vua Thành Thái khi yếu tố văn minh đô thị được coi trọng thì toàn bộ quá trình hiện đại hóa Huế, mở rộng đô thị Huế, hạ tầng được ưu tiên số một. Không phải ngẫu nhiên vua Thành Thái (tại vị từ 1889 đến 1907) đã cho mở trường học, bệnh viện, đường sá, gắn liền với bệnh viện đó là vấn đề dinh dưỡng, vệ sinh.
Một đoạn ống nước xưa vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Ảnh: CĐ.
Đến triều vua Duy Tân lên ngôi (1907 - 1916) mới ra đời nhà máy nước đầu tiên ở Vạn Niên (sau này gọi là Vạn Niên 1). Từ ban đầu là một nhà máy nước sơ khai dùng than, củi để vận hành cỗ máy đưa nước lên bồn lọc, năm 1922 nhà máy nước Vạn Niên mới chuyển dùng điện cùng một chuỗi các kỹ nghệ lọc nước mới. Đến nay, nhà máy nước Vạn Niên 1 vẫn “chạy tốt trong hệ thống các nhà máy và xử lý nước sạch cung cấp cho người dân thành phố Huế và các huyện, thị xã.
Một thiết bị phục vụ nhà máy nước Vạn Niên 1 được lưu giữ đến ngày nay. Ảnh: NM.
Bạn đang đọc bài viết Người Huế dùng nước máy từ lúc nào? tại chuyên mục Phóng sự của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, zalo: 0369024447.
Công Điền - Ngọc Minh