• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.252,56 -7,19/-0,57%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.252,56   -7,19/-0,57%  |   HNX-INDEX   226,88   -0,61/-0,27%  |   UPCOM-INDEX   92,15   -0,17/-0,18%  |   VN30   1.317,34   -9,31/-0,70%  |   HNX30   488,57   -1,41/-0,29%
10 Tháng Mười Một 2024 12:32:09 SA - Mở cửa
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn “yếu thế” trong chuỗi cung ứng
Nguồn tin: Báo Hải quan | 04/10/2023 7:50:00 CH
Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hiện đạt khoảng 5.000 doanh nghiệp, tuy nhiên số doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia mới đạt khoảng 100 doanh nghiệp; cung ứng cấp hai, cấp ba khoảng 700 doanh nghiệp.
 
 
Năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh
 
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Hanel Xốp Nhựa (Hanel Plastics): Phải đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao
 
Năm 2023 có nhiều khó khăn, chiến lược của chúng tôi là cố gắng giữ ổn định, tập trung tập huấn cho công nhân, chuẩn bị hệ thống để sẵn sàng đón đầu cơ hội sau khi qua giai đoạn suy thoái, chấp nhận lợi nhuận mỏng nhưng dòng tiền phải ổn định. Chúng tôi cũng đang cân đối để giữ công nhân, người lao động, đào tạo và nghiên cứu những phương án chuyển đổi trong quá trình sản xuất.
 
Ngoài ra, trước sự chuyển dịch của các chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển sang nước thứ ba để có nhân công rẻ, vì vậy doanh nghiệp Việt phải đổi mới công nghệ, sản xuất ra các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao chứ không chỉ đơn thuần là gia công lại. Doanh nghiệp phải xác định trước và chấp nhận những thách thức đấy.
 
Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội (HANSIBA): Đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi
 
Thời gian vừa qua, Việt Nam là một điểm sáng thu hút đầu tư, có rất nhiều cơ hội mà trong đó doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đang được thụ hưởng. HANSIBA đã nỗ lực hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc hình thành nên những tổ hợp sản xuất trên địa bàn Thủ đô.
 
Tuy nhiên, đồng hành với sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cũng phải “tự thân”, nâng cao năng lực tốt hơn, sản phẩm sảm xuất ra phải đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà cung cấp cho các doanh nghiệp đặt hàng.
 
Thời gian vừa qua, HANSIBA cũng đồng hành với các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc thành lập những công ty liên doanh tư vấn phát triển công nghiệp hỗ trợ để chia sẻ kinh nghiệm tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn trên thế giới, rút ngắn khoảng cách đào tạo, hướng đến việc đạt được các chứng chỉ toàn cầu. Qua đó các doanh nghiệp tạo được sức mạnh và năng lực cạnh tranh nhất định để vươn ra thị trường thế giới, xuất khẩu các sản phẩm linh phụ kiện sản xuất tại Hà Nội và Việt Nam.
 
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, ở lĩnh vực điện tử, Samsung hiện có khoảng 50 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp một và khoảng 170 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai. Ở lĩnh vực cơ khí - ô tô, có khoảng 12 doanh nghiệp tham gia cung ứng cấp một cho Toyota. Tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng được cải thiện rất đáng kể trong thời gian vừa qua. Cụ thể như trong lĩnh vực dệt may, da giày, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 45 - 50%; các lĩnh vực cơ khí chế tạo đạt 15 - 20%; lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô 5 - 20%, riêng đối với một số sản phẩm xe như xe tải và xe khách tỷ lệ nội địa hóa cao hơn.
 
Mặc dù thời gian vừa qua, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực trong việc kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với các tập đoàn đa quốc gia và bước đầu đạt được kết quả khả quan, song ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn hạn chế, vẫn đang nằm ở trong phân khúc giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra, nghiên cứu phát triển (R&D) tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng đã được quan tâm đến nhưng chưa thực sự đúng mức. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp FDI chưa được chặt chẽ.
 
Chẳng hạn với ngành cơ khí, Bộ Công Thương đánh giá, dù dư địa thị trường rất lớn, song việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong ngành cơ khí vẫn hết sức khó khăn do vấp phải sự canh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài, do năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến.
 
Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho biết, hiện con số xuất nhập khẩu của ngành cơ khí lớn nhưng hầu hết nằm trong khối doanh nghiệp FDI, tỷ trọng của doanh nghiệp nội còn khiêm tốn. Qua thực tế, khách hàng nước ngoài nhận diện nhiều hạn chế của doanh nghiệp cơ khí Việt Nam. Trong đó, kỹ năng tìm kiếm khách hàng (qua hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại, hiệp hội, quảng cáo trên web, trang thương mại điện tử…) đều hạn chế; chưa có mặt hàng truyền thống; không có đại diện bán hàng theo khối và không liên kết chặt chẽ trong tìm kiếm khách hàng; ngại thay đổi quy mô sản xuất và hạn chế trong sử dụng thương mại điện tử phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, doanh nghiệp cơ khí Việt Nam vẫn cạnh tranh chủ yếu bằng giá nhân công.
 
Chia sẻ về cơ hội và thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, mặc dù môi trường đầu tư đã được cải thiện nhiều song vẫn còn những điểm nghẽn cần tiếp tục cải tiến. Hạ tầng vẫn chưa tương xứng, gây ra sự quan ngại cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam. Thêm nữa, năng lực của các doanh nghiệp còn hạn chế. “Khi một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, họ rất cần những doanh nghiệp vệ tinh nội địa đủ năng lực để cung cấp sản phẩm, giúp giảm thiểu nhiều chi phí trong quá trình sản xuất. Đây vẫn là một điểm yếu của chúng ta”, ông Phạm Tuấn Anh phân tích. Bên cạnh đó, hiện nay hệ thống giáo dục đào tạo, các trường nghề của Việt Nam gần như chưa theo kịp được nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư vào Việt Nam.
 
Theo ông Phạm Tuấn Anh, thời gian qua, những bất ổn địa chính trị, tình hình biến đổi khí hậu… kéo theo cấu trúc chuỗi cung ứng có sự thay đổi nhất định. Một số quốc gia có doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài đang xây dựng chính sách để thu hút doanh nghiệp quay trở về đầu tư trong nước. Đó là thách thức, nhưng ngược lại, giữa bối cảnh bất ổn, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ tìm đến những quốc gia có tình hình chính trị ổn định để làm nơi sản xuất ổn định, lâu dài. Việt Nam đứng trước cơ hội đón nhận trào lưu chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp đó, do thế mạnh chính trị rất ổn định và lực lượng lao động trẻ, dồi dào.
 
Cơ hội từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng
 
Theo ông Phạm Tuấn Anh, làn sóng dịch chuyển sẽ đổ vào rất nhiều ngành nghề, trong đó có những lĩnh vực tương đối “hot” hiện nay, như: công nghiệp công nghệ cao, bán dẫn… “Trong các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ, đã có những gợi mở về việc các nhà đầu tư của Hoa Kỳ sẽ đầu tư vào Việt Nam. Gần đây nhất, trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến việc ký kết giữa các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam với những tập đoàn sản xuất chip bán dẫn hàng đầu của Hoa Kỳ. Đó là những tín hiệu rất đáng mừng trong thời gian tới”, ông Phạm Tuấn Anh bày tỏ.
 
Để tăng cường trợ lực cho các doanh nghiệp, đại diện Cục Công nghiệp cho biết, sẽ có những sửa đổi về chính sách trong thời gian tới. Cụ thể Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ được ban hành từ năm 2015, đến nay đã 8 năm. Những biến động mới trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ trong bối cảnh hiện nay cần thiết phải sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP. Trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP, vấn đề cốt lõi là việc cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Việc nhà nước đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu của quá trình sản xuất là nuôi dưỡng nguồn thu, doanh nghiệp phải sản xuất, phải làm ra của cải cho đất nước mới có được doanh thu và mới được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi. Đây là một trong những điểm mới nhất của Nghị định sửa đổi Nghị định 111/2015/NĐ-CP.
 
“Bên cạnh đó, về danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chúng tôi cũng đã bổ sung rất nhiều các sản phẩm mới phù hợp với xu thế hiện nay. Khi danh mục được mở rộng ra thì đơn vị nào sản xuất được sản phẩm, chính sách của nhà nước phải hướng đến, phải hỗ trợ cho doanh nghiệp. Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để sớm hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ, ông Phạm Tuấn Anh cho biết.
 
Ngoài ra, thời gian vừa qua Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm, khi luật này được ban hành ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ có hành lang pháp lý cho lĩnh vực này.