CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được cho có nhiều thông tin để viết nên “câu chuyện” tăng giá cổ phiếu. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn ngược lại khi doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Trồi sụt thất thường
BSR sở hữu Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đây là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam với tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD, bắt đầu vận hành thương mại từ năm 2011. Nhà máy lọc dầu có công suất thiết kế khoảng 6,5 triệu tấn dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh thấp mỗi năm (tương đương 148.000 thùng/ngày).
Dù được quan tâm đầu tư mạnh nhưng kể từ khi đi vào vận hành đến nay,
BSR rất hiếm khi có sự đột biến về kết quả kinh doanh, do phụ thuộc nhiều vào giá dầu thế giới. Thậm chí, cựu Chủ tịch HĐTV Nguyễn Hoài Giang bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội danh "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" theo Điều 355 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Lần ghi nhận sự khởi sắc gần nhất của
BSR là năm 2022 với doanh thu và lợi nhuận bật mạnh. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 167.124 tỷ đồng (tăng 65%), lợi nhuận sau thuế đạt 14.669 tỷ đồng (tăng 119%). Biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể từ 7,6% năm 2021 lên 9,6%. Nguyên nhân chủ yếu do giá dầu tăng mạnh, dẫn tới chênh lệch giá bán sản phẩm và giá dầu thô crack spread (chênh lệch giá sản phẩm đầu ra so với giá sản phẩm đầu vào trên một đơn vị sản phẩm) cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, sau kỷ lục của năm 2022,
BSR lại rơi vào thế khó trong nửa đầu năm 2023. Theo báo cáo tài chính bán niên 2023, doanh thu
BSR sụt giảm mạnh 22% do giá dầu Brent thấp hơn 24% so với mức nền cao cùng kỳ, từ đó tác động tiêu cực đến giá bán các sản phẩm của
BSR.
Bên cạnh đó, việc crack spread các sản phẩm tại châu Á giảm so với mức nền cao cùng kỳ là nguyên nhân khiến lợi nhuận gộp của
BSR giảm sâu 76%. Theo giới phân tích, crack spread các sản phẩm tại châu Á giảm sâu, xuất phát từ sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc yếu hơn kỳ vọng và các nhà máy lọc dầu trong khu vực đạt hiệu suất cao từ cuối năm 2022.
Thế nhưng, những căng thẳng địa chính trị gần đây đã giúp giá dầu thế giới tăng mạnh. Hiện giá dầu thô Brent tăng khoảng 30% từ mức đáy vào tháng 6, đạt 96,5USD/thùng vào cuối tháng 9. Song song đó, hiện tượng chênh lệch giá crack spread được nới rộng trong quý gần đây nhất do nhu cầu phục hồi, cùng với lượng hàng tồn kho thấp trên quy mô toàn cầu. Nhờ vậy, lợi nhuận trong quý III của
BSR tiếp tục xác nhận kỷ lục cao thứ 2 từ trước đến nay.
Kỳ vọng mong manh
Có thể nói, việc giá dầu tăng cao chính là thông tin đầu tiên cho “câu chuyện” tăng giá của SBR. Thông tin thứ 2 là kế hoạch chuyển sàn niêm yết CP từ sàn UPCoM lên HoSE. Đây là kế hoạch được doanh nghiệp này “ấp ủ” từ sau khi niêm yết UPCoM năm 2018, nhưng bất ngờ được “khơi lại” trong năm 2023.
Một thông tin tích cực nữa là kế hoạch mở rộng dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất với vốn đầu tư khoảng 1,25 tỷ USD. Tuy nhiên, cả 3 thông tin nêu trên đều được dự báo không quá chắc chắn bởi thiếu sự ổn định nội tại và phụ thuộc vào các yếu tố khách quan.
Đầu tiên là giá dầu tăng cao đã giúp
BSR ghi nhận kết quả mỹ mãn trong quý III, nhưng khả năng duy trì thành tích này trong quý cuối cùng của năm cực kỳ khó. Dự báo, lợi nhuận quý IV nhiều khả năng giảm so với mức nền cao trong quý III, do chênh lệch giá crack spread đang bị thu hẹp.
Hiện chênh lệch giá crack spread trong khu vực đã điều chỉnh về mức 14USD/thùng so với mức trung bình 21USD/thùng trong quý III. Biên độ giá crack spread của
BSR thường thấp hơn so với chênh lệch giá crack spread trong khu vực, do giá đầu vào của doanh nghiệp cao hơn so với dầu thô Brent.
BSR hiện mua khoảng 72% từ nguồn trong nước, trong đó 30% từ mỏ Bạch Hổ.
Trong khi đó, giá dầu cũng được dự đoán sẽ duy trì ở 90USD/thùng, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất định về kinh tế, địa chính trị nên sẽ còn biến động trong thời gian tới.
Kế hoạch chuyển niêm yết lên HoSE cũng đang gặp trắc trở, xuất phát từ việc Công ty Nhiên liệu sinh học miền Trung (
BSR-BF), công ty con của
BSR, đang có khoản nợ quá hạn gần 1.100 tỷ đồng (tương đương 1,5% tổng tài sản của
BSR). Khoản 1c, Điều 109, Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31-12-2020 quy định doanh nghiệp niêm yết trên HoSE “không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết”.
Quy định hiện hành không có hướng dẫn việc xem xét áp dụng tiêu chí này đối với báo cáo tài chính công ty mẹ, hay báo cáo hợp nhất, và theo cách vận dụng của các cơ quan quản lý thị trường là áp dụng với cả công ty con của doanh nghiệp muốn niêm yết.
Như vậy, việc thiếu hướng dẫn cụ thể về tiêu chí liên quan đến các khoản nợ quá hạn của
BSR-BF, khiến kế hoạch niêm yết CP trên HoSE vào cuối năm có thể tiếp tục lỡ hẹn.
Dự án nâng cấp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nằm trong kế hoạch chuyển dịch sang hóa dầu là định hướng kinh doanh trong dài hạn
BSR. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, công suất nhà máy lọc dầu sẽ được nâng thêm 17% lên 7,6 triệu tấn/năm (tương đương 171.000 thùng/ngày) và các sản phẩm xăng, dầu diesel sẽ đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro-V.
Nhà máy lọc dầu mới cũng sẽ giúp nâng tỷ trọng các sản phẩm lọc dầu có giá trị cao (LPG, JetA1) và các sản phẩm hóa dầu của
BSR. Theo chia sẻ của Ban lãnh đạo
BSR, việc chuyển dịch sang hóa dầu là định hướng phát triển trong dài hạn.
BSR hiện đang nghiên cứu các phương án để đầu tư nâng cấp năng lực hóa dầu sau khi dự án mở rộng đã đi vào hoạt động ổn định. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, dự án vẫn không được triển khai đúng như kế hoạch.
Tất cả những yết tố kể trên là nguyên nhân khiến giá CP
BSR không thể bật tăng mạnh như kỳ vọng. Ngay cả đợt sóng tốt nhất trong năm 2022 và lần tăng giá mới đây nhờ “câu chuyện” mới,
BSR cũng chỉ tăng vượt mốc 20.000 đồng/CP nhưng nhanh chóng điều chỉnh và rớt dưới mốc giá này.
Giá dầu thô giảm mạnh có thể tác động tiêu cực tới KQKD của
BSR theo 2 hướng: làm giảm giá các sản phẩm lọc dầu đầu ra và làm giảm giá trị hàng tồn kho, khiến doanh nghiệp phải trích lập dự phòng, làm suy giảm lợi nhuận gộp.