• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,83 -1,38/-0,11%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,83   -1,38/-0,11%  |   HNX-INDEX   225,29   -0,03/-0,02%  |   UPCOM-INDEX   92,44   0,00/0,00%  |   VN30   1.309,18   +0,35/+0,03%  |   HNX30   482,13   +0,21/+0,04%
04 Tháng Mười Hai 2024 12:37:38 SA - Mở cửa
Gạt bỏ tâm lý e ngại để xuất khẩu sang Mỹ
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 13/11/2023 8:57:21 SA

Theo các chuyên gia, nếu cứ đánh giá tiêu chuẩn của Mỹ là ngặt nghèo và coi đó là rào cản thì sẽ là điều bất lợi với doanh nghiệp, HTX khi xuất khẩu sang thị trường này. Thực chất, các tiêu chuẩn của Mỹ cũng giống như các nước khác là nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, nên doanh nghiệp, HTX cần xác định đây không phải là rào cản...

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng năm 2023 với kim ngạch đạt 78,6 tỷ USD.

Dư địa lớn cho xuất khẩu nông sản

Đặc biệt, quan hệ Việt Nam- Mỹ được nâng tầm lên Đối tác chiến lược toàn diện từ tháng 9 vừa qua được đánh giá là cơ hội tốt cho HTX, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường lớn nhất thế giới này.

Bởi, theo các chuyên gia, khi mối quan hệ hai nước được nâng cấp thì các doanh nghiệp FDI sẽ vào Việt Nam nhiều hơn, từ đó các doanh nghiệp FDI cũng sẽ tham gia vào việc hoàn thiện các bộ chỉ tiêu, tiêu chí về sản xuất kinh doanh của Việt Nam.

Trên thực tế, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam hiện nay có đến 70% đóng góp từ khối doanh nghiệp FDI. Các tiêu chuẩn sản xuất của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng và tiệm cận được với thế giới như tiêu chuẩn ISO, hay tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam được đánh giá là còn thấp hơn so với những nước trong khu vực châu Á.

Tuy nhiên, có một điểm thuận lợi là HTX, doanh nghiệp Việt Nam học hỏi nhanh, sẵn sàng tiếp thu cái mới nên khi mối quan hệ Việt - Mỹ phát triển, các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam nhiều sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp trong nước nâng cấp và hoàn thiện hơn.

Ông Nguyễn Thế Trung, CEO Công ty CP Tư vấn John&Partners cho biết khi Việt Nam trở thành đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ sẽ không chỉ thúc đẩy một số ngành như bán dẫn, hoạt động bán lẻ, logistics về vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Mỹ, mà còn thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản.

Theo khảo sát, nhiều người Mỹ rất ưa thích sản phẩm của Việt Nam và Việt Nam cũng có nhiều nguyên liệu để sản xuất những sản phẩm mà người Mỹ thích. Đặc biệt, sản phẩm của Việt Nam được đánh giá là sử dụng ít dầu mỡ, tốt cho sức khỏe nên đảm bảo được tiêu chuẩn thực phẩm an toàn cho người dân Mỹ. Chính vì vậy, về lâu dài, các thực phẩm như đồ ăn, hương liệu, đồ ăn nhanh, gia vị, cà phê… xuất khẩu sang Mỹ sẽ còn nhiều cơ hội.

Tuy nhiên, cần lưu ý là ở Mỹ có rất ít doanh nghiệp Việt Nam bán hàng Việt mà hầu hết là do người nước ngoài lấy thương hiệu Việt để bán. 

Bưởi da xanh Bến Tre là một trong những nông sản của Việt Nam xuất khẩu thành công sang Mỹ.

Và để xuất được hàng sang Mỹ, chắc chắn nông sản, thực phẩm Việt phải đáp ứng được tiêu chuẩn mà thị trường này đặt ra. Cụ thể là doanh nghiệp phải xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc và chứng nhận HACCP, đăng ký mã số FDA của Cơ quan quản lý chất lượng thực phẩm và dược phẩm Mỹ.

Ths Nguyễn Thu Liên, Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) cho biết, với nông sản, đặc biệt là mặt hàng hoa quả khi xuất sang Mỹ phải thông qua khâu kiểm dịch của Mỹ và thực hiện chiếu xạ. Tuy nhiên, hệ thống chiếu xạ đạt tiêu chuẩn của Mỹ tại Việt Nam còn rất hạn chế, vừa làm giảm sức cạnh tranh của nông sản vừa tăng chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt, do hoạt động vận chuyển, đóng gói của Việt Nam còn chưa hoàn thiện khiến nhiều loại loại quả khi đến Mỹ không còn tươi ngon nên khó bán.

Cần cái nhìn vĩ mô

Có thể thấy, Mỹ là một thị trường tiềm năng nhưng đi cùng với đó là nhiều quy định chặt chẽ. Hiện, Mỹ là thị trường khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam (chiếm 24% tổng số vụ việc): 55/231 vụ việc.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu cứ đánh giá tiêu chuẩn của Mỹ là ngặt nghèo và coi đó là rào cản thì lại là điều bất lợi với doanh nghiệp, HTX khi xuất khẩu sang thị trường này. Thực chất, các tiêu chuẩn của Mỹ cũng giống như các nước khác là muốn đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong nước nên doanh nghiệp cần xác định đây không phải là rào cản.

Điều quan trọng là HTX, doanh nghiệp Việt phải biết và tìm hiểu rõ đó là tiêu chuẩn gì để vượt qua thì mới nắm bắt được các cơ hội. Bởi từ 20 năm trước, Việt Nam đã xuất khẩu thành công cá basa sang Mỹ và hiện cũng đã xuất khẩu được nhiều mặt hàng sang thị trường này. Vì vậy, ở thời điểm hiện nay, khoa học công nghệ của doanh nghiệp Việt cũng có chuyển biến tích cực so với trước thì chắc chắn sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn của Mỹ.

Ông Nguyễn Thế Trung cho biết muốn tận dụng được các cơ hội xuất khẩu sang Mỹ, điều quan trọng là doanh nghiệp cần tìm hiểu và thực hiện các yêu cầu kỹ thuật mà thị trường này đặt ra để tránh rơi vào tình trạng “nghe nói”. Điều đó vừa làm doanh nghiệp Việt bị tổn thất, vừa ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam.

Thực tế đã từng có nhiều doanh nghiệp tìm hiểu thị trường Mỹ thông qua người thân. Nhưng có thể người thân này làm khác lĩnh vực kinh doanh hoặc bản thân họ không hiểu kỹ thị trường Mỹ, nhất là thị trường cao cấp nên chưa giúp doanh nghiệp định vị được phân khúc và chưa thông suốt về các tiêu chuẩn thị trường. Trong khi đó, Mỹ là thị trường lớn, đa sắc tộc.

Để hiểu về thị trường hàng đầu thế giới này, theo ông Nguyễn Thế Trung, cách đầu tiên là doanh nghiệp liên hệ với các tổ chức xúc tiến thương mại Việt Nam và Mỹ hoặc thông qua các hiệp hội chuyên môn của Mỹ để có thể tham gia các buổi đào tạo, chia sẻ, hướng dẫn.

Việc mua dữ liệu, báo cáo về thị trường Mỹ cũng là các hay nhưng theo các chuyên gia, những dữ liệu thông qua phân tích có thể chưa hẳn đã chính xác mà cần sự quan sát của doanh nghiệp kỹ hơn. Thậm chí, có những cuộc khảo sát cho thấy không đúng với thực tế vì người khảo sát chỉ điền cho có... nên số liệu bị méo mó. Do đó, doanh nghiệp vẫn cần sự hỗ trợ của chuyên gia, thuê tư vấn trong các hiệp hội của từng ngành nghề để có cái nhìn sâu về lĩnh vực xuất khẩu của mình.

Dù cách nào thì thực chất vẫn cần sự chủ động của từ phía doanh nghiệp. Hiện, hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên vẫn có sự ngại ngùng trong tiếp cận, tìm hiểu thị trường do những nguyên nhân như thiếu vốn, thiếu nhân sự hỗ trợ đồng hành.

Nhưng nếu vượt qua được sự ngại ngùng ban đầu thì doanh nghiệp Việt sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn của Mỹ và mở ra nhiều cơ hội mới. 

Có thể nói, Mỹ là thị trường xuất khẩu nhưng cũng chính là đòn bẩy để doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu sang nhiều thị trường khác. Điều quan trọng là doanh nghiệp Việt có tìm hiểu và thực hiện các tiêu chuẩn đến đâu trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Bà Nguyễn Thu Liên cho biết không phải cứ doanh nghiệp lớn thì mới xuất khẩu được vào thị trường lớn như Mỹ. Điều quan trọng là HTX, doanh nghiệp Việt có chịu khó tìm hiểu thị trường này và mức độ tuân thủ các quy định sản xuất đến đâu. Bởi thực chất đã có những đơn vị quy mô bình thường nhưng xuất khẩu thành công sang Mỹ nhờ tuân thủ tốt các quy định về an toàn thực phẩm như HTX bưởi da xanh Bến Tre, HTX Bà Ba Hội, Công ty TNHH Trà Vinh Farm...

Huyền Trang