• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.285,46 -1,06/-0,08%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.285,46   -1,06/-0,08%  |   HNX-INDEX   229,21   -0,91/-0,40%  |   UPCOM-INDEX   92,70   +0,00/+0,00%  |   VN30   1.362,69   -0,20/-0,01%  |   HNX30   498,32   -2,61/-0,52%
18 Tháng Mười 2024 5:27:28 CH - Mở cửa
Xuất khẩu gạo tiến gần mốc 5 tỷ USD
Nguồn tin: Người đưa tin | 15/11/2023 11:23:41 SA

Bộ Công Thương ước tính năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD, đây là con số cao nhất từ trước đến nay.

Xuất khẩu gạo tiến gần mốc 5 tỷ USD

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2023, cả nước xuất khẩu 635.000 tấn gạo, tương đương 407 triệu USD, giảm 10,9% về lượng, nhưng tăng 19,4% về trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu tháng 10/2023 tăng tới 34%.

Tính chung 10 tháng năm 2023, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 7,05 triệu tấn, tương đương 3,95 tỷ USD, tăng 15,9% về lượng, tăng 34% về trị giá so với 10 tháng năm 2022, giá trung bình đạt 559,5 USD/tấn, tăng 15,6%.

Trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu, nhiều quốc gia cấm và hạn chế xuất khẩu, Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội để có kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục 4 tỷ USD chỉ trong 10 tháng qua. Đây là con số cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế giới.

Ảnh minh họa.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đột phá tại nhiều thị trường

Bộ Công Thương ước tính năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD, đây là con số cao nhất từ trước đến nay và là năm thắng lợi xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Thời gian gần đây, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 37,3% trong tổng lượng và chiếm 35,7% trong tổng trị giá gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 2,63 triệu tấn, tương đương gần 1,41 tỷ USD.

Tiếp sau đó là thị trường Indonesia chiếm trên 14% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt gần 1,03 triệu tấn, tương đương 554,63 triệu USD, giá trung bình 539 USD/tấn, tăng mạnh 1.710% về lượng và tăng 1.908% về trị giá; giá xuất khẩu cũng tăng 11% so với 10 tháng năm 2022.

Thị trường Trung Quốc đứng thứ 3 đạt 884.000 tấn, tương đương 511 triệu USD, giá xuất khẩu đạt 577,7 USD/tấn, tăng 16,7% về lượng, tăng 33,4% trị giá và tăng 14,4% về giá so với 10 tháng năm 2022.

Trung Quốc hiện chiếm gần 13% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt gần 5,05 triệu tấn, tương đương 2,75 tỷ USD, tăng 24,2% về lượng, tăng 42,9% về trị giá. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 513.422 tấn, tương đương 280 triệu USD, tăng 0,4% về lượng, tăng 13,3% về trị giá.

Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á đạt trên 4,13 triệu tấn, tương đương 2,21 tỷ USD, tăng 26,1% về lượng, tăng 45,8% về trị giá.

Đơn hàng gạo xuất khẩu tháng 11 và 12 vẫn về nhiều, nhưng doanh nghiệp không dám ký kết do lo ngại không đảm bảo được sản lượng thóc thu mua để giao cho khách hàng. Dự kiến, nếu doanh thu xuất khẩu đạt 850 - 900 triệu USD trong 2 tháng còn lại, xuất khẩu gạo cả năm sẽ mang về 4,8 tỷ USD, đánh dấu mức kỷ lục của ngành lúa gạo xuất khẩu.

Theo báo Công Thương, năm 2024 được dự báo vẫn còn rất nhiều dư địa cho xuất khẩu gạo của Việt Nam khi nguồn cung thiếu hụt và các nước tăng cường nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực trước những biến động khó lường trên thế giới.

“Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”

Theo số liệu trên TTXVN, riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2023 diện tích trồng lúa ước đạt trên 3,8 triệu ha, tăng hơn 13 nghìn ha; năng suất ước đạt 62,81 tạ/ha, tăng 0,88 tạ/ha và sản lượng ước đạt gần 24 triệu tấn, tăng 416 nghìn tấn so với năm 2022.

Theo kế hoạch của Cục Trồng trọt, vụ lúa Đông Xuân năm 2023-2024, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuống giống gần 1,5 triệu ha. Để tránh hạn mặn ở một số vùng ven biển, có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ và do giá lúa đang ở mức cao, Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân bắt đầu xuống giống từ ngày 10-10-2023.

Như vậy, với kế hoạch gieo sạ vụ lúa Đông Xuân sớm trong tháng 10 thì đến tháng 1/2024, Việt Nam sẽ tiếp tục có gạo vụ mới bán. Đây là điều kiện thuận lợi đối với các doanh nghiệp trong vấn đề tìm đối tác, thị trường để xuất khẩu gạo.

Theo dự báo năm 2023, tổng diện tích lúa cả nước khoảng 7,1 triệu ha; năng suất trung bình đạt 60,7 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 43,1 triệu tấn thóc, tăng trên 452.000 tấn so với năm 2022. Từ nay đến cuối năm nếu thời tiết không diễn biến bất thường thì sản lượng lúa sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và xuất khẩu.

Để nâng tầm hạt gạo Việt & những cơ hội mới, vừa qua Bộ Chính trị đã có Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”; trong đó nêu rõ sự cần thiết nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, sản lượng lúa hàng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, ổn định chính trị, xã hội trong mọi tình huống.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030; trong đó yêu cầu đến năm 2030 giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, với sản lượng lúa hàng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo.

Giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 39/2021/QH15 về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; trong đó đến năm 2030, chỉ tiêu đất trồng lúa cả nước có 3,57 triệu ha, giảm 348.000ha so với năm 2020 (đất chuyên trồng lúa nước là 3,001 triệu ha, giảm 175.000ha so với năm 2020).

Đồng thời, cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong phạm vi tối đa 300.000ha đất trồng lúa, nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa để có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết; hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp.

Theo tính toán ở mức an toàn rất cao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lượng lúa dùng cho đảm bảo an ninh lương thực của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác (dùng chế biến, thức ăn chăn nuôi, dự trữ trong dân, dự trữ quốc gia, làm giống...) khoảng 29,5 triệu tấn thóc/năm. Như vậy, cả nước có khoảng 13,5 triệu tấn thóc (tương đương 7-8 triệu tấn gạo) phục vụ xuất khẩu, theo Vietnam+.

Trúc Chi (t/h)