Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, tỉnh Long An hướng đến đẩy mạnh áp dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm minh bạch hóa trong quá trình sản xuất, triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản trên môi trường số và thích ứng với biến đổi khí hậu...
Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 20/8/2021 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân tiếp cận, thực hiện chuyển đổi số đạt hiệu quả nhất định.
Sở duy trì triển khai ứng dụng công nghệ số (blockchain, mã QR) trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Đến nay, Sở đã hỗ trợ 2.061.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc bằng mã QR đối với 17 cơ sở đã được xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Ngoài ra, Sở còn hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho 87 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó, 30 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 57 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Ngành nông nghiệp tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn trên sàn thương mại điện tử Kết nối cung cầu nông sản thực phẩm an toàn của tỉnh https://nongsanantoanlongan.vn.
Đến nay, ngành đã hướng dẫn 800 cơ sở tạo tài khoản trên hệ thống; có trên 350 cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng tải sản phẩm trên hệ thống phục vụ người dân. Ngoài ra, ngành còn hỗ trợ cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp đăng tải thông tin “Đăng ký mua - bán nông sản, hàng hóa” trên trang web https://htx.cooplink.com.vn.
Song song đó, ngành đôn đốc các doanh nghiệp quản lý sàn giao dịch điện tử https://postmart.vn, https://voso.vn hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 66.426 tổ chức, cá nhân bán hàng trên 2 sàn này, với 8.385 sản phẩm được đăng ký bán. Ngoài ra, có 180 gian hàng với 478 sản phẩm được trưng bày trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh longantrade.com.
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, mới đây, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Long An.
Kế hoạch đặt ra mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.
Tỉnh Long An đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số; có ít nhất 90% số hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% số hồ sơ công việc cấp huyện và 60% số hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Ít nhất 97% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới; 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông, 50% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu số 15.2 của Tiêu chí số 15 về Hành chính công theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Có ít nhất 66,6% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của Tiêu chí số 9 về Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới; 25% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 6.5 của Tiêu chí số 6 về Kinh tế, 25% số đơn vị cấp huyện đạt chỉ tiêu 9.2 của Tiêu chí số 9 về Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.
Phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.
Về phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, tỉnh Long An phấn đấu có ít nhất 70% số xã có các hợp tác xã, 70% số đơn vị cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% số đơn vị cấp huyện có các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
Xã hội số trong xây dựng nông thôn mới, có ít nhất 40% đơn vị cấp xã, huyện cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.
Phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 01 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…), làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí xã nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026 - 2030.