Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ để các hãng hàng không, du lịch có sự phục hồi trở lại trong năm 2024 và phát triển trong các năm tiếp theo.
Sáng 15/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị "Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững" theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings nhận xét dù ngành du lịch Việt Nam có những nỗ lực và kết quả nhất định trong năm 2023, nhưng đây cũng là giai đoạn đầy biến động, thách thức. Hàng không chưa có lợi nhuận; du lịch, khách sạn, nhà hàng hoạt động cầm chừng.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Sovico Holdings cho rằng thời gian tới, Việt Nam cần tạo điều kiện để hàng không quốc tế trở nên thu hút trong thời gian nhanh nhất, thúc đẩy các đàm phán, hiệp định song phương, đa phương với các quốc gia để có các chính sách thuận lợi hơn về thị thực (visa), hỗ trợ các hoạt động mở đường bay mới. Trong nước cũng cần phát động chương trình hành động quốc gia đẩy mạnh du lịch tới các sân bay, các điểm đến địa phương.
Bên cạnh đó, cần đầu tư vào công nghệ, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào các hoạt động quản lý xuất nhập cảnh, cấp e-visa nhanh chóng và thuận tiện cho du khách quốc tế.
Đồng thời, trong bối cảnh còn rất nhiều thách thức đối với cả ngành du lịch, hàng không, bà Thảo bày tỏ mong muốn Chính phủ tiếp tục có các hỗ trợ về thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm phí cho các đường bay quốc tế mới, ngành ngân hàng giảm lãi suất cho hàng không, khách sạn, du lịch.
Đề xuất có các chính sách hỗ trợ về phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam, chính sách quản lý slot bay, quản lý hoạt động khai thác tại các Cảng hàng không để tăng năng lực thông qua các cảng hàng không.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings.
Cũng từ góc nhìn của một doanh nghiệp kinh doanh hàng không, ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ sau dịch Covid-19 và chính sách mở cửa của Chính phủ, thị trường du lịch đã có sự tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, tăng trưởng vận tải hàng không Việt Nam vẫn đang ở mức thấp.
"Để đạt được mức 50 triệu khách quốc tế vào năm 2025 như gợi ý mở đầu của Thủ tướng thì trong 7 năm tới có rất nhiều việc cần triển khai", ông Hà bộc bạch.
Để phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines kiến nghị cần xem lại việc cập nhật Chiến lược phát triển du lịch quốc gia; xây dựng chương trình quảng bá và xúc tiến du lịch có độ dày và rõ ràng; xây dựng kế hoạch phát triển hàng không xanh và bền vững; xây dựng điểm kết nối dữ liệu khách du lịch và ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số.
Và cuối cùng, đại diện Vietnam Airlines mong muốn tiếp tục được Chính phủ hỗ trợ để các hãng hàng không, du lịch có sự phục hồi trở lại trong năm 2024 và phát triển trong các năm tiếp theo.
Ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines bày tỏ mong muốn các hãng hàng không tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ.
Trước những mục tiêu đặt ra trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel) cho rằng Việt Nam nên đặt mục tiêu cao để có giải pháp đột phá, có chính sách, có động lực để phát triển.
Theo đó, ông Kỳ đề nghị tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển du lịch, xem xét lại một số điều của Luật Du lịch.
Thứ hai, Luật Đất đai cần quan tâm bổ sung vấn đề du lịch, phát triển các khu du lịch. Hiện nay Luật Đất đai đang bỏ sót phần du lịch.
Thứ ba, Chủ tịch Vietravel đề nghị định hướng lại du lịch cũng như cần củng cố lại Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển du lịch.
Về kinh tế ban đêm, ông Kỳ cho rằng cần định vị kinh tế ban đêm là kinh tế ban ngày có tính đặc thù. Ông Kỳ phân tích hiện nay các địa phương còn khó khăn lúng túng khi triển khai kinh tế ban đêm, đa phần triển khai phố đi bộ, ăn uống mà chưa tận dụng hết được thế mạnh về văn hóa, lịch sử, đất nước, con người, đặc biệt là các tập tục của người dân khiến hạn chế trong khai thác.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel).
Về kinh tế văn hóa, thể thao, lấy ví dụ về sự kiện Black Pink, ông Kỳ khẳng định "Rõ ràng văn hóa có thể mang lại những giá trị rất lớn về kinh tế như thể thao".
Do đó, vị lãnh đạo doanh nghiệp đề xuất cần có các sự kiện tiếp cận chuẩn quốc tế, mang tầm quốc tế để thu hút khách du lịch. Nếu không có sự kiện mang tầm quốc tế mang tính dân tộc, có thể tính toán xây dựng, quản trị lại các sự kiện trong nước hiện nay hoặc tính đến các phương án để đưa sự kiện quốc tế về.
Tuy nhiên để thực hiện được những điều trên, Việt Nam nên tính toán lại việc xây dựng quản lý, quản trị sự kiện.
"Chúng ta hiện nay vẫn hơi manh mún, không được tập trung", ông Kỳ đánh giá.
Hồng Nhung