Giá đầu vào sản xuất xi măng đã tăng lên khi giá điện tăng lần thứ nhất của năm 2023 với mức 3% và giá than vẫn duy trì ở mức cao.
Ông Mai Hồng Hải – Chủ tịch HĐTV Vicem Hạ Long:
Nay mức tăng lần hai của giá điện là 4,5% thì hiệu quả sản xuất, các hộ sản xuất tiêu thụ điện lớn như xi măng gặp khó khăn "kép” từ đầu vào đến khâu tiêu thụ.
Bởi với mức tăng giá điện thêm 4,5% thì giá thành sản xuất xi măng ước tính tăng thêm hơn 0,5%. Nếu chỉ cần tiết kiệm 2-3 số điện cho 1 tấn sản phẩm thì cũng có thể bù được mức tăng giá 4,5% của điện.
Mặc dù thời gian qua, nhiều nhà máy xi măng thuộc Tổng Công ty xi măng Việt Nam (Vicem) đã chủ động cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất nhằm hỗ trợ giảm giá thành sản xuất nhờ tiêu hao điện giảm đi. Tuy nhiên, để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, việc đầu tiên là phải tổ chức sản xuất một cách tốt nhất nhằm tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí khác để bù lại thông qua việc sử dụng "công tơ 3 giá", huy động sử dụng thiết bị một cách hợp lý… Đồng nghĩa doanh nghiệp phải hạn chế tối đa vận hành vào giờ cao điểm; đồng thời phải tối ưu năng suất để cùng 1 số điện chạy máy phải làm ra nhiều sản phẩm hơn.
Cụ thể, để hạn chế vận hành máy vào giờ cao điểm, Vicem Hạ Long sẽ phải bố trí nhân lực, ca kíp sản xuất vào giờ thấp điểm. Nhưng việc tối ưu để tiết kiệm 2 số điện trên 1 tấn sản phẩm cũng chỉ có giới hạn chứ không thể tiết kiệm mãi được. Vì theo nguyên tắc cân bằng năng lượng, công suất động cơ là con số tính toán bắt buộc phải tiêu hao như vậy.
Do đó, ngành xi măng sẽ còn tiếp tục phải đối mặt với thách thức có thể đến năm 2025. Chính vì vậy, ưu tiên hàng đầu với doanh nghiệp xi măng hiện tại nay là giữ được đội ngũ lao động để duy trì sản xuất. Vì lao động ngành xi măng có đặc thù riêng, rất khác với những ngành nghề khác là có thể sử dụng lao động thời vụ.