• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,10 -0,23/-0,02%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,10   -0,23/-0,02%  |   HNX-INDEX   221,29   -0,47/-0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,70   +0,20/+0,21%  |   VN30   1.286,07   -0,60/-0,05%  |   HNX30   467,97   -1,84/-0,39%
23 Tháng Mười Một 2024 4:53:22 CH - Mở cửa
Ngành in lo bị thâu tóm
Nguồn tin: Người lao động | 03/11/2023 7:00:00 SA
Nhiều doanh nghiệp in ấn, bao bì nội địa buộc phải "bán mình" vì không chịu nổi áp lực về tài chính, công nghệ lẫn yêu cầu chuyển đổi xanh
 
Sau dịch COVID-19, hàng loạt doanh nghiệp (DN) ngoại ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam. DN bao bì Việt đang bị lấn át trong cuộc cạnh tranh với các DN nước ngoài mạnh về vốn đầu tư, công nghệ, năng lực quản trị và cả mối quan hệ với các đối tác lớn.
 
Áp lực cạnh tranh quá lớn
 
Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp và bao bì in ấn vừa tổ chức tại TP HCM cuối tháng 9-2023 chứng kiến lượng gian hàng tham gia lẫn lượng khách tham quan tăng vọt so với triển lãm được tổ chức năm 2021. Có đến 910 gian hàng của 411 đơn vị triển lãm đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó chiếm đa số là gian hàng của Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ…
 
Sức nóng của triển lãm này đã phản ánh phần nào độ hấp dẫn của thị trường in ấn, bao bì Việt Nam. Theo Hiệp hội In Việt Nam (VPA), toàn ngành đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn. Trong 3 năm gần đây, ngành in đóng góp 1% GDP của cả nước, xấp xỉ 2 tỉ USD. Nếu cộng cả khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì tổng doanh thu ngành in và bao bì Việt Nam đạt 4 tỉ USD.
 
Sự sụt giảm tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2023 chỉ mang tính ngắn hạn, trước đó ngành này liên tục tăng trưởng 12%-13% (trước dịch) và 7%-8% (trong và sau dịch).
 
Thống kê cho thấy cả nước có khoảng 2.000 DN in, trong đó DN FDI chiếm 1/5 (tương đương 400 DN) nhưng chiếm đến hơn 1/3 thị phần và chiếm phần lớn thị trường xuất khẩu. Hai năm trở lại đây, rất nhiều đoàn DN từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… đến khảo sát, tìm cơ hội hợp tác làm ăn trong lĩnh vực in ấn, bao bì. Đây là tín hiệu mừng cho ngành in phát triển nhưng cũng là tín hiệu đáng lo ngại.
 
Nhiều DN in Việt Nam trở nên lép vế, thiếu tự tin trước các nhà sản xuất ngoại. Bà Trương Thị Thu Trâm, Phó Tổng Giám đốc sản xuất Công ty In Minh Mẫn (KCN Tân Phú Trung, Củ Chi, TP HCM), cho biết công ty có 20 năm kinh nghiệm cung cấp các giải pháp in và sản xuất nhãn mác, có nhiều khách hàng truyền thống nhưng vẫn cảm thấy mất tự tin vì áp lực cạnh tranh quá lớn. 
 
"Bắt đầu có những nhà sản xuất Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư nhà máy. Họ chào hàng với giá thấp hơn nhiều so với giá của DN Việt Nam nên DN Việt bị mất thị phần những mặt hàng dễ làm. Những đơn hàng đặc biệt, DN Trung Quốc chưa sản xuất được thì họ tạo áp lực buộc DN Việt phải giảm giá. Vừa rồi, công ty phải giảm giá 3% để giữ 1 đơn hàng, nay họ tiếp tục đòi giảm thêm" - bà Thu Trâm nêu khó khăn.
 
Một vấn đề đáng lo khác là tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, nhiều DN ngành in tích cực tham gia các triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu ngành in lẫn công nghiệp hỗ trợ trên cả nước nhưng gần như không phát triển thêm được khách hàng mới. 
 
"Từ trước dịch COVID-19, chúng tôi đã có kế hoạch cải tiến sản xuất để cải thiện năng lực cạnh tranh nhưng không đủ lực để thực hiện. Công ty có 1 dự án mở rộng sản xuất và đã có một số nhà đầu tư đặt vấn đề hợp tác. Tuy nhiên, đại dịch đã làm thay đổi nhiều thứ. Giờ nếu có nhà đầu tư nào phù hợp, chúng tôi sẽ bắt tay để tăng sức mạnh và thông qua họ tìm thêm khách hàng, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng" - bà Thu Trâm nói.
 
 
Phải chuyển đổi số mạnh hơn
 
Bên cạnh những DN nước ngoài đến đầu tư, xây dựng nhà máy còn có cả những nhà đầu tư chọn mua bán sáp nhập (M&A), thậm chí là thôn tính DN trong nước để tận dụng nhà xưởng, công nghệ và lực lượng lao động lành nghề sẵn có nhằm rút ngắn thời gian lẫn chi phí gia nhập thị trường. 
 
Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch VPA, cho hay đã có hơn 10 DN bao bì lớn nhất của Việt Nam bị DN ngoại thôn tính trong vòng 5 năm trở lại đây. Đáng lo ngại là tiến trình thâu tóm DN vẫn đang tiếp diễn. "Nhiều ông chủ DN nay đã có tuổi nhưng không có người kế thừa quản lý DN, khó thu hút lao động trong khi áp lực cạnh tranh càng lúc càng lớn khiến họ đuối sức" - ông Dòng nêu nguyên nhân.
 
Gần đây nhất, một DN in lớn ở Hà Nội đã bán 80% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. DN này hoạt động lâu năm trong ngành in theo mô hình DN gia đình nhưng người con trai duy nhất không chịu kế nghiệp cha, trong khi đội ngũ lao động hiện tại bị sức ì lớn, khó có thể phát triển DN trong bối cảnh thị trường cạnh tranh hiện tại quá quyết liệt. Vì vậy, quyết định bán phần lớn cổ phần DN là giải pháp tốt nhất có thể.
 
Theo các chuyên gia kinh tế, phần lớn các DN sản xuất bao bì trong nước vừa và nhỏ, quy mô gia đình nên không đủ sức cạnh tranh với các DN lớn hoặc DN FDI. Cũng vì quy mô nhỏ nên họ gặp khó khăn cả về nguyên liệu lẫn công nghệ, không có điều kiện đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại nên chất lượng sản phẩm không cao, khả năng cạnh tranh kém. Kết quả là các DN vẫn đang cạnh tranh ở phân khúc thấp, nhiều DN chọn "bán mình" cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc các DN lớn trong nước. 
 
"Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã bắt đầu tác động vào ngành in, nhất là in xuất khẩu, buộc DN phải chuyển đổi số mạnh hơn. Bài toán đặt ra là DN phải tăng cường đầu tư về công nghệ, phải xanh hóa để có thể tiếp cận những đơn hàng lớn, ổn định. Nếu Chính phủ có chính sách khuyến khích, hỗ trợ mang tính chất lâu dài, các DN sẽ yên tâm bỏ vốn đầu tư công nghệ hiện đại" - ông Dòng nhấn mạnh. 
 
Xu hướng đang tiếp diễn
 
Ngành nhựa trước đây từng đối diện với làn sóng thâu tóm của các đại gia Thái Lan, đến nay xu hướng vẫn đang tiếp tục và ngày càng lớn hơn. Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cho biết nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang muốn mua lại các thương hiệu nhựa trong nước. Bên cạnh sự hiện diện của các nhà đầu tư Thái Lan, các tổ chức từ châu Âu và Nhật Bản đang rất quan tâm đến lĩnh vực này.
 
"Thời gian qua, một số ông chủ ngành nhựa đã bán DN. Xu hướng này đang tiếp diễn, thậm chí có thể gia tăng trong thời gian tới do nhiều ông chủ DN đã lớn tuổi, không có người kế nghiệp trong khi thị trường cạnh tranh gay gắt, lợi nhuận từ ngành không còn hấp dẫn như trước" - ông Lam nhận định.
 
Bài và ảnh: Phương An