Với diện tích rừng nguyên liệu đủ lớn, lực lượng lao động dồi dào, trên lý thuyết ngành gỗ Nghệ An đủ sức hóa rồng và chinh phục những thị trường khó tính nhất.
Các sản phẩm, mặt hàng từ gỗ của Nghệ An ngày càng tạo được dấu ấn đậm nét. Ảnh: Việt Khánh.
Hiện Nghệ An sở hữu diện tích rừng trồng trên 170.000ha, sản lượng gỗ khai thác bình quân hàng năm đạt từ 1,2 - 1,4 triệu m3 gỗ, chưa kể hàng ngàn tấn dược liệu, lâm sản ngoài gỗ.
Từ lợi thế trời ban, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 thành lập Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung bộ, lấy Nghệ An làm hạt nhân. Đây được xem là hành trang pháp lý quan trọng để đánh thức tiềm năng còn trong cơn “ngái ngủ”, từ đó đưa các sản phẩm ngành gỗ chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới.
Hiện tại, Nghệ An có 45 doanh nghiệp chế biến gỗ, 98 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, ngoài ra còn có 10.410 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể các mặt hàng từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Nổi bật là 2 dự án Nhà máy chế biến gỗ Nghĩa Đàn giai đoạn 1 áp dụng công nghệ châu Âu với dây chuyền gỗ ghép thanh công suất 12.000 m3/năm và dây chuyền sản xuất ván MDF công suất 130.000 m3/năm, dự án đã đi vào hoạt động từ 2016.
UBND tỉnh Nghệ An đã và đang nỗ lực thu hút các nhà đầu tư lớn mạnh vào lĩnh vực chế biến gỗ làm điểm nhấn, hiện đã có 3 nhà máy viên nén sinh khối (Công ty TNHH Biomas Fuel Việt Nam, nhà máy viên nén sinh khối của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức, nhà máy gỗ Thanh Chương) đi vào hoạt động với công suất từ 140.000 - 160.000 tấn/năm…
Chủ động mở rộng rừng nguyên liệu là hướng đi đúng đắn của lâm nghiệp Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.
Nhằm chủ động trong mọi tình huống nhất thiết cần nguồn nguyên liệu đủ lớn. Giai đoạn 2017 - 2022, Nghệ An đã chuyển hóa 11.486ha rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng kinh doanh gỗ lớn, xem đây là bệ phóng để thỏa giấc mơ hóa rồng. Con số nêu trên rất đáng ghi nhận, đặc biệt trong bối cảnh khốn khó thi nhau bủa vây.
Bên cạnh tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, xung đột không ngừng leo thang giữa Nga và Ukraine khiến thị trường thế giới chịu nhiều biến động. Việt Nam nói chung và Nghệ An cũng không nằm ngoài guồng quay ấy. Giao dịch trì trệ, đối tác không “ăn hàng” đẩy hàng loạt doanh nghiệp quy mô trên địa bàn (Thanh Thành Đạt, Công ty CP Sản xuất và Thương mại gỗ Thanh Chương, Công ty TNHH MTV Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu, Công ty TNHH Liên doanh nguyên liệu giấy Nghệ An…) vào tình cảnh trầy trật.
Theo báo cáo của cơ quan chuyên ngành, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng đơn hàng của các đơn vị ngành gỗ tại Nghệ An giảm sâu trên 50%. Chịu cảnh ăn đong suốt thời gian dài, may thay từ tháng 7/2023 gió đã đổi chiều, thời điểm này các đơn hàng quan trọng, xuất sang các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã được nối lại, giải phóng được nguồn hàng tồn đọng khổng lồ trước đó, đồng vốn được lưu thông, các doanh nghiệp đã có thể thở phào nhẹ nhõm.
Trở lại với nội dung chính, để phát triển bền vững, doanh nghiệp không thể tự bơi, ngược lại nhà nước cần chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch, kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ và ưu đãi đầu tư nhằm tạo đà thúc đẩy, thu hút các doanh nghiệp “đại bàng” về làm tổ, từ đó cùng chung tay vẽ nên bức tranh lâm nghiệp đầy màu sắc tươi mới.
Phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, ngành gỗ Nghệ An đủ sức chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới. Ảnh: Việt Khánh.
Nội dung này Nghệ An đang đi đúng hướng. Giai đoạn 2017 - 2022, toàn tỉnh đã huy động được hơn 2.700 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (trong đó vốn ngân sách nhà nước đạt trên 413 tỷ đồng, còn lại là vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác).
Hoạt động phát triển rừng có chiều sâu tất mang lại giá trị tích lũy cao cho ngành lâm nghiệp, qua đó đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương. Điều này được chứng thực qua diện tích rừng tăng trưởng ổn định hàng năm của Nghệ An, duy trì bình quân trên 18.000ha rừng tập trung các loại.
Quy mô rừng trồng tăng nhanh hơn tốc độ suy giảm không những gia tăng cấp độ bảo vệ môi trường mà còn cải thiện rõ rệt mức sống cho người dân bản địa, cho người trồng rừng và doanh nghiệp ngành gỗ.
Muốn thỏa giấc mơ “hóa rồng”, Nghệ An không thể thỏa mãn với trên 170.000ha rừng trồng hiện có. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh đặt mục tiêu nâng quy mô diện tích rừng nguyên liệu gỗ lên 257.490ha vào năm 2025, đến năm 2030 con số này đạt mức 283.562ha.