• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
21 Tháng Mười Một 2024 6:53:09 CH - Mở cửa
Nhiều nông dân triệu phú USD bỗng xuất hiện nhờ cây sầu riêng
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ | 06/11/2023 9:00:00 CH
Năng suất tốt, thêm giá bán ở mức cao kỷ lục đã giúp nhiều nông dân trồng sầu riêng đổi đời với thu nhập tiền tỉ, thậm chí có vài chục tỉ đồng.
 
 
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại khi nhiều nhà vườn mở rộng diện tích sầu riêng một cách ào ạt, bất chấp điều kiện về thổ nhưỡng, dịch bệnh và rủi ro về thị trường tiêu thụ.
 
Vườn sầu riêng "tiền tỉ" khắp mọi nơi
 
Khi nói đến sầu riêng ở tỉnh Bình Phước, thời điểm này gần như ai cũng nhắc đến ông Trương Văn Đảo (thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long), hay còn gọi với cái tên thân mật "Chú Ba sầu riêng".
 
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đảo cho biết đã về vùng đất này hơn 30 năm, và chọn trồng sầu riêng và cao su. Nhưng gần đây, giá mủ cao su thấp nên đã phá dần cao su để trồng sầu riêng. Ông Đảo có tới hơn 30ha sầu riêng (khoảng 20ha sầu riêng 5 năm tuổi, còn lại từ 1-4 năm tuổi).
 
Rất vui khi nhắc về mùa vụ "tiền tỉ" vừa qua, ông Đảo cho biết vườn cho sản lượng hơn 300 tấn sầu riêng, với giá bình quân 60.000 đồng/kg, ông thu về hơn 18 tỉ đồng (tăng đến 200 tấn và tăng 13 tỉ đồng so với niên vụ trước đó). Nếu tính mấy năm gần đây, ông Đảo đã thu cả triệu USD từ cây sầu riêng.
 
"Giá bán tăng hơn 10.000 đồng/kg, cây càng lớn năng suất lại càng cao nên nguồn thu mới tăng nhiều so với năm 2022. Khả năng năm tới sẽ đạt khoảng 400 - 450 tấn, nếu giá bán tốt thì số tiền thu về từ cây sầu riêng sẽ còn tăng mạnh" - ông Đảo kỳ vọng và cho hay thời gian tới ông tập trung trồng theo quy trình chuẩn VietGAP, khâu bảo quản và đóng gói cũng sẽ được đầu tư hơn để góp phần nâng cao giá trị, giúp hạn chế được thiệt hại khi có biến động về đầu ra.
 
Trong khi đó, dù là cây không phải thế mạnh nhưng ở huyện biên giới Sa Thầy (Kon Tum), nếu hỏi 10 người sẽ có 8 người biết vườn sầu riêng 15ha của ông Bùi Văn Quyển (56 tuổi, trú thị trấn Sa Thầy).
 
Ông Quyển cho biết sau thời gian học hỏi, tìm nguồn giống ở các tỉnh, năm 2016 ông quyết định phá bỏ một số diện tích cao su để bắt đầu xuống những cây giống sầu riêng đầu tiên, và nay thu được trái ngọt.
 
Theo đó, cuối năm 2022, vườn sầu riêng của gia đình ông đã được cấp mã số vùng trồng để xuất sang Trung Quốc. Năm 2022, ông thu về được gần 4 tỉ đồng. Đặc biệt năm 2023, 15ha sầu riêng đã cho năng suất khoảng 300 tấn, với giá bán cao, ông thu lãi khoảng 15 tỉ đồng (đã trừ chi phí).
 
Tính vài năm trở lại đây, ông Quyển cũng thu cả triệu USD từ cây sầu riêng.
 
Đối với ông Quyển, thành quả trên đến từ nỗ lực nghiên cứu, thử nghiệm trong nhiều năm. Ông được bình chọn là một trong 100 gương mặt Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.
 
Trong khi đó, với diện tích chỉ khoảng 3ha sầu riêng giống Thái nhưng vườn của anh Trịnh Xuân Sơn (Phước An, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) lại trở thành mô hình mẫu nhờ đạt năng suất rất cao.
 
 
Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Sơn cho biết vụ vừa qua vườn cho sản lượng đến 107 tấn trái, trong đó nhiều cây 8 năm tuổi đạt đến 5 tạ/cây. 
 
Nhờ trái đạt chất lượng và thời điểm hút hàng nên giá bán sầu riêng bình quân ở mức cao với 88.000 đồng/kg (tăng đến 28.000 đồng/kg so với năm ngoái), giúp anh thu về hơn 9,4 tỉ đồng. Trừ chi phí phân, thuốc, công lao động... khoảng 600 - 700 triệu đồng, anh lãi đậm.
 
"Ngoài năng suất cao, giá năm nay ở mức tốt hơn hẳn nhiều năm trước. Khả năng mùa vụ tới vườn sẽ cho khoảng 130 - 140 tấn trái", anh Sơn nói.
 
Lợi nhuận cao nhưng rủi ro không nhỏ
 
Tuy vậy, theo anh Sơn, để "ăn" được sầu riêng là không dễ, đặc biệt diện tích trồng càng nhiều thì sầu riêng phát tán mầm bệnh nhanh.
 
Anh Sơn cho biết phải thuê 3 công lao động để làm gần như quanh năm. Từ lúc thu hoạch xong là phải xử lý vườn, phân, thuốc, tỉa cành lá, chưa kể mùa mưa cây rất dễ bệnh và chết nên phải phòng trừ bệnh hại. Bước vào mùa vụ ra hoa, đậu trái thì càng vất vả hơn do muốn tỉ lệ đậu cao, trái đẹp... nhà vườn phải thụ phấn, tỉa trái, bón phân, nước, thuốc sao cho phù hợp, cân đối...
 
"Lợi nhuận là thế nhưng tôi không có ý định mở rộng vườn trồng bởi diện tích nhiều sẽ khiến chúng ta khó tập trung đầu tư, chăm chút để nâng cao chất lượng trái, năng suất cho cây, thậm chí dễ gặp rủi ro do dịch bệnh. Nhìn vậy chứ cũng không dễ ăn", anh Sơn đánh giá.
 
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng với nhu cầu của Trung Quốc vẫn đang cao, Việt Nam xuất được chính ngạch, giá sầu riêng khả năng sẽ còn duy trì ở mức ổn định trong thời gian tới. Tuy nhiên, những rủi ro vẫn có thể xảy ra.
 
"Ngoài Việt Nam, nhiều quốc gia khác như Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia, thậm chí cả Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh cho việc trồng sầu riêng. Do đó, câu chuyện cung vượt cầu có thể xảy ra trong tương lai, kéo giá sầu riêng giảm lại, thậm chí giảm nhiều nếu thị trường tiêu thụ chủ lực là Trung Quốc hạn chế mua", ông Nguyên nói.
 
Trong khi đó, theo một chuyên gia trong ngành nông nghiệp, chưa kể đến thị trường Trung Quốc "ăn" ít hay nhiều, việc phát triển diện tích sầu riêng ào ạt, bất chấp như hiện nay cũng mang đến những rủi ro trước mắt.
 
Vì ngoài đầu tư lớn, sầu riêng thường chỉ cho năng suất tốt ở những vùng đất, thổ nhưỡng phù hợp. Loại cây này khó chiều, không chịu được nước, ngập và rất hay bệnh chết vào mùa mưa nếu nhà vườn không có giải pháp xử lý mầm bệnh tốt.
 
Nông dân chi 22 tỉ đồng xây kho lạnh mua sầu riêng
 
Nhận thấy sản lượng sầu riêng của gia đình và hợp tác xã đang ngày càng tăng mạnh, mới đây ông Trương Văn Đảo đã quyết chi hơn 22 tỉ đồng để đầu tư xây dựng kho đông lạnh với diện tích khoảng 5.000m2, có quy trình đóng gói và bảo quản theo công nghệ hiện đại. Nhờ đó, năm 2023 ông đã thu mua thêm trên 2.000 tấn sầu riêng của nhiều nông hộ.
 
"Với việc được cấp mã số cơ sở đóng gói và hợp tác xã cũng được cấp mã vùng trồng, tôi đã liên kết với nhiều công ty lớn để trực tiếp xuất sầu riêng tươi qua thị trường Trung Quốc", ông Đảo khoe.
 
Lợi nhuận hơn nhiều so với cà phê?
Theo anh Trịnh Xuân Sơn, 1ha cà phê cho năng suất tốt khoảng 5 tấn/vụ, nếu giá duy trì ở mức cao 60.000 đồng/kg như hiện nay, nhà vườn thu được 300 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi 200 triệu đồng.
 
Nhưng nếu 1ha sầu riêng vào năm thứ 5, có thể cho 30 - 50 tấn trái. Trừ chi phí, nhà vườn vẫn lãi đậm, thậm chí giá 30.000 đồng/kg vẫn sống được nếu năng suất cao. Tuy vậy, anh Sơn thừa nhận là cây "khó chiều" nên không phải nhà vườn nào, đất ở đâu cũng trồng được sầu riêng.