Đó là nhận định của ông Đỗ Hữu Huy – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban Vốn) tại buổi làm việc giữa đoàn công tác Ủy ban Vốn với lãnh đạo VRG và các công ty cao su tại Lào, tại thủ đô Viên Chăn, CHDCND Lào, vào ngày 7/11.
Ông Đỗ Hữu Huy – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu tại cuộc họp
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Đình Bửu Trí – Phó TGĐ VRG, cho biết, Tập đoàn hiện có 6 công ty cao su tại Lào, bao gồm: Công ty CP Cao su Việt Lào, Công ty CP Cao su Dầu Tiếng Việt Lào, Công ty CP Quasa Geruco, Công ty TNHH Bolykhamxay Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV VRG Oudomxay, Công ty TNHH Cao su Quavan, để thực hiện 7 dự án trồng cao su trên địa bàn 5 tỉnh biên giới (tỉnh Bolykhamxay, tỉnh Salavan, tỉnh Oudomxay, tỉnh Champasak, tỉnh Savanaket).
Các dự án trồng, chăm sóc, khai thác cao su của Tập đoàn đã được triển khai từ 11 – 16 năm, tính đến ngày 30/9, có 2 công ty có lợi nhuận chuyển về nước với tổng số tiền lũy kế là 18.962 nghìn USD; tổng số vốn thu hồi là 40.433 nghìn USD (đạt 27% số vốn đầu tư tại Lào). Việc thu hồi vốn đầu tư trên chưa bao gồm lợi nhuận chưa chuyển về nước kết dư tại các công ty lên đến 10.314 nghìn USD.
Ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG phát biểu tại cuộc họp
“Trong 3 năm trở lại đây, chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận của các dự án trồng, chăm sóc, chế biến cao su tại Lào có xu hướng tăng nhờ diện tích vườn cây đưa vào khai thác tăng, sản lượng mủ khai thác tăng dần qua các năm. Tuy giá bán mủ cao su chưa đạt như kỳ vọng nhưng khá ổn định nên hiệu quả của việc đầu tư ra nước ngoài dần thay đổi theo chiều hướng tích cực, nhiều công ty đã dần bù lỗ lũy kế giai đoạn đầu dự án mới đưa vào hoạt động và bắt đầu có lãi để chuyển lợi nhuận về nước theo quy định” – ông Lê Đình Bửu Trí, cho biết.
Ông Lê Đình Bửu Trí – Phó TGĐ VRG báo cáo tại cuộc họp
Tính đến nay, tổng diện tích cao su các đơn vị thành viên Tập đoàn đang quản lý tại Lào là 26.644,66 ha; trong đó, diện tích kinh doanh gần 22.474 ha. Các công ty triển khai hoạt động SXKD 9 tháng đầu năm 2023 trong điều kiện nền kinh tế Lào đồng tiền mất giá khá lớn; lạm phát tăng cao làm cho giá nhiên liệu đầu vào tăng cao gây khó khăn cho chuỗi tiêu thụ toàn cầu dẫn đến giá bán mủ cao su giảm sâu. Đây là khó khăn, thách thức lớn nhất đối với các công ty trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh, hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch được giao.
Đoàn công tác Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VRG chụp ảnh tại Văn phòng đại diện VRG tại Lào
Nỗ lực vượt khó, 9 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng khai thác của các công ty trên 19.100 tấn (đạt 50,9% KH); chế biến được trên 24.555 tấn (đạt 54% KH năm); tổng doanh thu 790 tỷ đồng, (đạt 47,4% KH); lợi nhuận gần 130 tỷ đồng (đạt 44,3% KH).
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Đỗ Hữu Huy – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhận định: “Hiện nay nhiều dự án đầu tư tại Lào của VRG đã phát huy hiệu quả và có những đóng góp nhất định vào hoạt động chung của Tập đoàn; nguồn thu, lợi nhuận từ các dự án đầu tư tại Lào góp phần duy trì sự ổn định trong việc tăng trưởng và phát triển của Tập đoàn. Tôi thấy các dự án đầu tư của VRG tại Lào với chu kỳ 50 năm rất khả thi, có chiều hướng tăng trưởng tốt và ổn định”.
Đoàn công tác Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VRG chụp ảnh lưu niệm
“Thành công của các công ty đã đóng góp lớn cho địa phương và góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước. Lãnh đạo Ủy ban Vốn ghi nhận và tuyên dương cán bộ các công ty cao su tại Lào, dù xa nhà, khó khăn, nỗ lực cống hiến vì sự phát triển chung của Tập đoàn. Phía trước sẽ còn nhiều khó khăn, tôi tin rằng lãnh đạo VRG và các công ty cao su tại Lào sẽ linh động trong điều hành, quản lý để đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới” – ông Đỗ Hữu Huy, cho biết.