• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
21 Tháng Mười Một 2024 7:21:59 CH - Mở cửa
Khơi dậy 'mỏ vàng tỷ đô' của du lịch Việt
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 14/12/2023 8:46:18 SA

Nhìn vào sự phục hồi ngoạn mục của ngành du lịch Việt Nam trong năm nay, đặc biệt là thu hút khách quốc tế, để thấy đó là động lực cho phát triển du lịch nông nghiệp, một lĩnh vực được xem là 'mỏ vàng' của ngành du lịch Việt. Lĩnh vực mới này đang đánh dấu bước tiến đầy hứa hẹn, có thể góp phần phát triển nông thôn toàn diện, dù cho vẫn còn không thách thức ở phía trước nếu muốn “nuôi dưỡng thành công”.

Theo nhận định mới đây từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán DSC, hoạt động du lịch sẽ đặc biệt tăng tốc trong tháng cuối cùng của năm 2023 này nhờ nhiều địa điểm hấp dẫn như lễ hội cồng chiêng ở Tây Nguyên, mùa hoa dã quỳ tại các tỉnh phía Tây Bắc, hay lễ hội Countdown đón năm mới 2024 và nhiều sự kiện có tầm quốc tế, đặc sắc mang tính dân tộc được đẩy mạnh triển khai trong tháng 12 này.

Điểm sáng phục hồi từ du khách quốc tế

Chuyên gia phân tích của DSC cho rằng, hoạt động du lịch quốc tế đã phục hồi 90% so với trước Covid. Trong đó, tháng 11/2023 là tháng đón lượng khách quốc tế cao nhất kể từ đầu năm, đạt khoảng 1,23 triệu lượt (tăng 11% so với tháng trước đó). 

Điểm sáng phục hồi từ du khách quốc tế là động lực để du lịch nông nghiệp có bước phát triển mạnh trong thời gian tới.

Khách quốc tế đến Việt Nam duy trì trên 1 triệu lượt khách tháng thứ 5 liên tiếp. Tính lũy kế 11 tháng đầu năm nay, cả nước đón 11,2 triệu lượt khách, gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt 40% kế hoạch cả năm.

Về quốc gia, phần lớn khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng của năm 2023 đến từ các nước Châu Á (chiếm 77,4%), Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất, tiếp theo là các thị trường Đài Loan - Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. 

Đáng chú ý, trong tháng 11 vừa qua, lượng khách đến từ Châu Âu có mức tăng trưởng tốt nhất trong các châu lục (tăng 58,5% so với tháng trước) nhờ vào chính sách miễn thị thực với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày theo Nghị quyết 128/NQ-CP. 

Ngoài ra, lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam trong 11 tháng qua cũng gấp đôi so với cùng kỳ thời điểm trước Covid 2019 (đạt 352.226 lượt người). Đây là kết quả của kết nối và mở rộng đường bay thẳng giữa các thành phố lớn của 2 nước.

Đối với khách nội địa, 11 tháng qua ghi nhận đã vượt kế hoạch của cả năm 2023, đạt 103,2 triệu lượt người, tăng 7,2% so với năm 2022 và tăng 31% so với cùng kỳ năm 2019.

Những con số ấn tượng trên đã cho thấy sự phục hồi ngoạn mục của ngành du lịch ở Việt Nam sau những tổn thất nặng nề do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong chỉ dấu phục hồi này có điểm mới là sự đóng góp của du lịch sinh thái nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng du khách với nhiều sản phẩm mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp của các vùng, miền trải dài từ Bắc đến Nam.  

Ts. Jackie Ong, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT), đánh giá Việt Nam đã chứng kiến làn sóng du lịch nông nghiệp tăng vọt trong thời gian gần đây. Các cơ quan chính quyền địa phương, tổ chức và cá nhân đã và đang đầu tư khai thác yếu tố nông nghiệp nhằm phát triển những sản phẩm du lịch đậm đà bản sắc văn hóa, đáp ứng thị hiếu của du khách. Thực phẩm, đồ uống, sản phẩm thủ công và trái cây địa phương cũng góp phần nâng cao trải nghiệm cho du khách.

Theo vị chuyên gia này, mặc dù số liệu thống kê còn hạn chế nhưng có thể thấy du lịch nông nghiệp đang ngày càng thu hút người tham gia, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế ở Việt Nam. Số lượng du khách đến với loại hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao cũng gia tăng đáng kể ở nhiều địa phương. 

Cần “nuôi dưỡng” thành công

Chính vì vậy, Ts. Jackie Ong cho rằng du lịch nông nghiệp có thể trở thành động lực phát triển nông thôn toàn diện cho Việt Nam. Nhất là khi xu hướng du lịch nông nghiệp đang nổi lên trên toàn cầu đã tìm thấy điểm cập bến lý tưởng ở Việt Nam, quốc gia có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn và dân số sinh sống chủ yếu ở nông thôn chiếm đến 62,7%.

Không chỉ vậy, trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, đã định hướng du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn là một trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo. 

Ngoài ra, nhìn về tương lai sẽ thấy du lịch nông nghiệp có thể là “mỏ vàng” tỷ đô cho Việt Nam. Nhất là theo dự báo gần đây của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), đến năm 2030, trong khi du lịch truyền thống chỉ tăng trung bình 4%/năm thì số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn, sinh thái trên toàn cầu sẽ có tốc độ tăng trưởng từ 10 – 30% và đóng góp khoảng 30 tỷ USD doanh thu hàng năm.

Do đó, chủ trương phát triển du lịch nông nghiệp ở Việt Nam đã đánh dấu bước tiến đầy hứa hẹn hướng tới phát triển nông thôn, bảo tồn văn hóa và kinh tế bền vững, cũng như có thể mang đến thu nhập đáng kể cho người dân ở nông thôn.

Tuy nhiên, nếu muốn “nuôi dưỡng” thành công cho lĩnh vực du lịch nông nghiệp và để Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu về lĩnh vực này thì vẫn còn nhiều việc phải làm. 

Cụ thể, theo lưu ý của Ts. Jackie Ong, một số thách thức đang cản trở du lịch nông nghiệp phát huy hết tiềm năng ở Việt Nam. Một trong những vấn đề chính là phát triển sản phẩm. Mặc dù Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú nhưng ngành du lịch nông nghiệp hiện nay vẫn thiếu tính chuyên nghiệp. Các hoạt động thường diễn ra tự phát ở quy mô nhỏ và thiếu chiến lược thương hiệu. Điều này khiến sản phẩm du lịch nông nghiệp có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút sự quan tâm của du khách.

Còn theo Ts. Phạm Hương Trang - một chuyên gia về quản trị du lịch, việc cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp là rất quan trọng. Người dân địa phương, công ty du lịch và các đối tác khác nên cùng nhau chia sẻ lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường.

Hơn nữa, hoạt động du lịch đã gia tăng đáng kể thu nhập của người dân địa phương thông qua các dịch vụ như homestay, hướng dẫn du lịch, biểu diễn và mua bán hàng hóa có nguồn gốc địa phương. Vì vậy, việc quảng bá và truyền thông hiệu quả các điểm đến là rất quan trọng đối với du lịch nông nghiệp.

Ts. Phạm Hương Trang cũng chỉ rõ một trong những nhiệm vụ thiết yếu hơn cả là cần tránh những sản phẩm đơn điệu, lặp đi lặp lại trong du lịch nông nghiệp. Việc xác định các sản phẩm chủ lực và nhấn mạnh tính độc đáo của từng địa phương là rất quan trọng.

“Ở Việt Nam, với quy mô nông nghiệp nhỏ, mô hình du lịch nông trại quy mô lớn có thể không phù hợp. Các khoản đầu tư trong tương lai vào du lịch nông nghiệp nên tập trung cung cấp các dịch vụ quy mô nhỏ nhưng tinh tế, chuyên nghiệp và thân thiện”, bà Trang chia sẻ.

Thế Vinh