Hưởng ứng Tuần lễ Du lịch TP.HCM lần thứ ba, TP.HCM ra mắt nhiều tuyến du lịch đường thủy mới và hấp dẫn.
Nhằm đa dạng hoá các sản phẩm du lịch đường thuỷ và phát huy tiềm năng du lịch, chiều 4-12, Sở Du lịch TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thuỷ TP.HCM giai đoạn 2023-2025.
Ra mắt nhiều tuyến đường thủy mới
Để hưởng ứng Tuần lễ du lịch TP.HCM lần thứ ba, Sở Du lịch cũng đã giới thiệu 17 sản phẩm du lịch đường thuỷ trong đó nhóm các sản phẩm du lịch đường thủy thường kỳ gồm 7 tuyến; nhóm sản phẩm du lịch đường thủy mới gồm 10 tuyến.
Trong 17 tuyến có bốn tuyến du lịch đường thủy tầm trung xuất phát từ TP.HCM đến Bình Dương, Đồng Nai có lộ trình qua sân golf với mục tiêu phục vụ du lịch golf.
Ngoài ra, Sở Du lịch cũng cho biết, kế hoạch đến năm 2025, TP.HCM khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn, liên kết với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến nội đô. Qua đó, số lượng khách năm 2023 và 2024 đạt 500.000 lượt/năm, doanh thu 300 tỉ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Trần Hữu Thắng, Tổng Thư Ký Câu lạc bộ Du Thuyền TP Thủ Đức (Tổng Giám đốc Công ty Hàng hải Thủ Đức) lại cho rằng: "Việc bảo tồn và phát triển Sông Sài Gòn bền vững là vấn đề cấp thiết, đang được ngành du lịch, giao thông vận tải rất quan tâm. Kỳ vọng trong thời gian không xa, Sông Sài Gòn sẽ sung túc với những hoạt động giao thương truyền thống đan xen cùng dịch vụ du lịch hấp dẫn."
Vì vậy, ông Thắng đã nêu lên ý kiến: Phát triển kế hoạch Đề án Green Water Taxi đến các TP có sông, tạo ra một mạng lưới các xe taxi đường thủy và phát triển một ứng dụng di động để tự động gọi Green Water Taxi.
"Phương tiện chạy bằng điện và năng lượng mặt trời. Dự kiến sẽ giúp giảm giao thông đường bộ, giảm ô nhiễm và tạo ra phương tiện đi lại mới mẻ cho người dân và du khách trong và ngoài nước. Kinh tế xanh hiện nay phù hợp với xu hướng trên thế giới."- ông Thắng nói.
Sản phẩm du lịch khác biệt của TP.HCM
Ông Đặng Ngô Quá Hải, Phó Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thuỷ cho biết, Sở GTVT đang từng bước xây dựng các điểm liên kết để kết nối với các tỉnh ĐBSCL đặc biệt là với tỉnh Tiền Giang.
"Chúng tôi sẽ kết hợp với tỉnh Tiền Giang để sớm kêu gọi nhà đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến này. Vì đa số các phương tiện thuỷ vận chuyển hành khách bằng du thuyền sang Campuchia đều xuất phát từ bến du thuyền của TP Mỹ Tho chứ chưa đến trực tiếp ở TP.HCM. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ đẩy nhanh tuyến TP.HCM - Côn Đảo, nghiên cứu vận hành mang lại tính hiệu quả cao về kinh tế cũng như du lịch."
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cũng cho hay, du lịch đường thủy chính là một phần không thể thiếu của bức tranh du lịch đa dạng và hấp dẫn. Trong đó, sông Sài Gòn mang đến cho chúng ta một cái nhìn độc đáo về sự pha trộn giữa cảnh quan đô thị hiện đại và những ký ức lịch sử.
TP.HCM đang kêu gọi đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, bến, bãi neo đậu tàu và sắp xếp, quy hoạch các bến tàu trong sự phát triển quy hoạch chung của TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bà Hiếu kỳ vọng:" Ngành Du lịch TP phấn đấu đến năm 2030 du lịch đường thủy trở thành sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt của TP. TP phấn đấu, tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đến năm 2025 đạt 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại."
Tổng Thư Ký Câu lạc bộ Du Thuyền TP Thủ Đức, ông Thắng góp ý thêm: TP cần ổn định việc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên khu mặt nước phù hợp với quy hoạch của Sài Gòn. Phát triển kinh doanh tại khu vực giáp sông, tạo điểm nhấn về dịch vụ du lịch sông nước vui chơi giải trí... Qua đó, đóng góp cho ngân sách địa phương thông qua thuế và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
TP.HCM sở hữu gần 1.000 km đường sông với hệ thống kênh rạch kết nối với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khu vực nội đô, TP.HCM có trên 100 tuyến giao thông thuỷ và khoảng 135 tài nguyên.