Giới lãnh đạo ngân hàng trên thị trường vốn cổ phần châu Á đang kỳ vọng về năm 2024 khởi sắc hơn sau khi hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) diễn ra ảm đạm trong năm nay.
Biểu tượng của ngân hàng Axis Bank. Ảnh: Reuters
Xu hướng bình ổn lãi suất trên toàn cầu có thể hỗ trợ triển vọng phục hồi này, nhưng các cuộc bầu cử ở châu Á và Mỹ có thể làm giảm nhu cầu.
Theo số liệu của Tập đoàn giao dịch chứng khoán London (LSEG), lãi suất cao, lạm phát dai dẳng và những căng thẳng địa chính trị đã khiến giá trị cổ phiếu bán ra của các công ty ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 20% trong năm nay xuống còn 229 tỷ USD. Con số này đã biến năm nay sắp trở thành năm ảm đạm nhất của hoạt động IPO kể từ năm 2012.
Trong đó, Trung Quốc năm thứ hai giữ vị trí thị trường IPO nhộn nhịp nhất thế giới trong năm nay, dù giá trị các thương vụ IPO giảm 35% xuống 37,3 tỷ USD.
Trong khi đó, giá trị IPO tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc), nơi lâu nay vẫn là điểm đến huy động vốn yêu thích của các công ty Trung Quốc, giảm mạnh 36% xuống còn khoảng 5 tỷ USD trong năm nay. Với đà này, năm 2023 sẽ là năm ảm đạm nhất của thị trường IPO Hong Kong trong ít nhất là 20 năm qua.
Nhưng giới lãnh đạo ngân hàng cho biết, khi lãi suất ở nhiều nước đang có dấu hiệu xác lập đỉnh và mở ra khả năng giảm lãi suất trong năm tới, tâm lý trên thị trường vốn cổ phần (ECM) đã cải thiện trong vài tuần qua.
Minh chứng cho sự cải thiện trong tâm lý thị trường này là số lượng các giao dịch lô lớn (block trade) ở châu Á trong vài tuần qua, trong đó có thương vụ Bain Capital bán bớt 448 triệu USD cổ phiếu của mình tại ngân hàng Axis Bank của Ấn Độ trong năm nay.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các cuộc bầu cử ở nhiều nước sắp diễn ra vào năm tới, giới doanh nghiệp thường không muốn đưa ra các quyết định mua bán lớn, đề phòng trường hợp có những thay đổi chính sách.
Trong số các thương vụ lớn dự kiến sẽ diễn ra trong năm tới có công ty logistics của Alibaba Cainiao với kế hoạch IPO tại Hong Kong nhằm huy động 1-2 tỷ USD. Đây sẽ là lần IPO lớn đầu tiên của một công ty thuộc Alibaba.
Khánh Ly