Ông Fatih Birol – Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đã hết lời hoan nghênh thỏa thuận đạt được tại COP28. Ông nói: Giờ đây “mọi thứ đã rõ ràng. Thế giới đã nói "tạm biệt với nhiên liệu hóa thạch. Giờ đây, mọi người có thể tin vào chính sách năng lượng của chính phủ hoặc ngành dầu khí trong nước họ”.
Ông Fatih Birol – Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA)
Dù vậy, trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn AFP của Pháp, Fatih Birol đã chỉ ra một thiếu sót lớn từ phía COP28: Không yêu cầu tài trợ cho quá trình chuyển dịch năng lượng của các quốc gia ở “Nam bán cầu”. Theo ông, đây phải là yếu tố chính trong cuộc chiến chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu.
AFP: Theo ông, thỏa thuận này có điểm nào đáng mừng?
Fatih Birol: Ngay sau khi quyết định được đưa ra, tôi đã chúc mừng Sultan Al-Jaber (chủ tịch COP28) và tất cả các quốc gia đã làm việc chăm chỉ để đạt được kết quả này.
Điều quan trọng nhất ở đây, là 200 quốc gia đã thống nhất được hướng đi cho hệ thống năng lượng toàn cầu. Từ giờ trở đi, các chính phủ, ngành năng lượng, nhà đầu tư... sẽ phải nói rõ họ đang làm gì để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch trong 6 năm tới. Và bây giờ mọi người sẽ có quyền hỏi người đứng đầu một công ty dầu mỏ hoặc người đứng đầu chính phủ xem các quyết định của họ sẽ đóng góp như thế nào cho phong trào này. Đây là điểm mấu chốt và tôi rất vui vì chúng ta đã đi đến được mức này.
Chúng ta đã gần như có được 5 thành công [tại COP]: Phê duyệt được quyết định nâng gấp đôi mức tăng trưởng về hiệu quả năng lượng, nâng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo và giảm nhiên liệu hóa thạch. Vấn đề khí metan cũng được thảo luận. Điểm thiếu sót lớn duy nhất, là làm thế nào để giúp các nước đang phát triển tài trợ vào quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch.
AFP: Thỏa thuận này không đưa ra một quỹ đạo chính xác. Làm thế nào để áp dụng nó vào thực tiễn?
Fatih Birol: Tôi nghĩ nó đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng đến các nhà đầu tư: Nếu bạn tiếp tục đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, bạn đang gặp rủi ro kinh doanh nghiêm trọng. Đó cũng là tín hiệu gửi đến các nhà đầu tư, để họ biết rằng năng lượng sạch mang lại nhiều lợi nhuận hơn những gì tưởng tượng.
Cuối cùng, không chỉ người dân ở London hay Paris đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về biến đổi khí hậu: Ngày càng có nhiều người, ở khắp mọi nơi, từ New Delhi đến Jakarta, nhận thấy mối liên hệ giữa hiện tượng này với nhiên liệu hóa thạch, và đây sẽ là một vấn đề lớn đối với ngành hydrocarbon và giới đầu tư.
AFP: Ông cho rằng các nước đang phát triển thiếu kinh phí thúc đẩy năng lượng phi carbon. Ông có nhận thấy đây là một chủ đề quan trọng không?
Fatih Birol: Đó là một vấn đề lớn. Vào thời điểm ký kết Thỏa thuận chung Paris [năm 2015], đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch lên đến 1.000 tỷ USD. Năm nay là gần 2.000 tỷ. Nhưng điều này chỉ diễn ra tại những nền kinh tế tiên tiến và Trung Quốc. Mức độ đầu tư của những nước còn lại trên thế giới hoàn toàn không thay đổi, không có tăng trưởng! Đây là một vấn đề đối với tất cả mọi người: Chẳng hạn, ngay cả khi châu Âu đạt mức phát thải ròng bằng 0, tình trạng biến đổi khí hậu sẽ không cải thiện nếu các quốc gia khác tiếp tục duy trì mức phát thải như hiện tại. Mà khí thải thì không có hộ chiếu! Đây là điểm thiếu sót của COP28 này.
AFP: Liệu chủ đề này có trở thành vấn đề lớn tại COP29 không?
Fatih Birol: Thúc đẩy tài trợ sẽ là ưu tiên chính của IEA tại COP tổ chức ở Baku. Làm thế nào để đưa ra các cơ chế phù hợp, cách giảm chi phí vốn, hướng dẫn các tổ chức quốc tế cách cung cấp ưu đãi tài chính... Chúng tôi sẽ đề xuất một loạt khuyến nghị.
AFP: Tăng tốc năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng hiện là một trong những dự án lớn của các quốc gia. Theo ông, thế giới có đang đi đúng hướng chưa?
Fatih Birol: Chúng ta đang không đi đúng hướng. Câu hỏi bây giờ là làm thế nào để chuyển mục tiêu này thành hành động cụ thể tại các nước. Công việc của chúng tôi là hỗ trợ các quốc gia điều chỉnh lại hướng đi.
AFP: Nhiều chuyên gia lấy làm tiếc rằng COP đã không lên tiếng về trường hợp tiêu thụ nhựa, sản phẩm làm từ dầu, hoặc xem khí đốt là năng lượng chuyển tiếp. Theo ông, đó có phải là vấn đề?
Fatih Birol: Chúng tôi không nghĩ khí đốt sẽ giúp đạt được mục tiêu 1,5°C. Tiêu thụ khí đốt phải suy giảm nhanh chóng. Nhưng phải tùy theo trường hợp: Châu Âu không giống như châu Phi.
Nhưng đối với tôi, điều rõ ràng là 200 quốc gia đã ký một văn bản nói lời tạm biệt với nhiên liệu hóa thạch. Mọi thứ đã trở nên rất rõ ràng, và không có cách nào thay đổi: Đã quá muộn, kết thúc rồi! Tất nhiên năng lượng được sử dụng trong hóa dầu. Nhưng mọi thứ đều là năng lượng và tôi sẽ không cố gắng phân bì. Chúng ta đang nói về hệ thống năng lượng và chúng ta sẽ quy trách nhiệm cho những ai không đưa ra quyết định phù hợp với COP28. Chúng tôi thấy điều đó rất rõ ràng.