Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) cho rằng, một năm sau khi giới hạn giá dầu thô của G7 được thực thi, biện pháp này đã làm giảm một phần doanh thu xuất khẩu của Nga nhưng không phát huy hết tiềm năng.
Mỹ đang dẫn đầu các nỗ lực của G7 và EU nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt và cấm vận đối với xuất khẩu dầu thô và nhiên liệu của Nga. Đối với mức trần giá 60 USD/thùng cho dầu thô của Nga, các chuyến hàng dầu Nga tới các nước thứ ba có thể sử dụng dịch vụ bảo hiểm và ngân hàng của phương Tây nếu dầu được bán ở mức bằng hoặc thấp hơn mức trần 60 USD/thùng.
Biện pháp này có hiệu lực vào ngày 5/12/2022, khi EU áp đặt lệnh cấm vận đối với nhập khẩu dầu thô của Nga.
CREA cho biết: "Mặc dù rõ ràng là các lệnh trừng phạt không làm giảm quyết tâm của Điện Kremlin trong một năm qua, nhưng phân tích của CREA có thể cho thấy rằng lệnh cấm nhập khẩu dầu của EU và giới hạn giá của G7 đã làm giảm 14% thu nhập xuất khẩu từ dầu mỏ của nước này".
Theo ước tính của CREA, lệnh cấm nhập khẩu và giới hạn giá đã khiến Nga thiệt hại 36,8 tỷ USD (34 tỷ euro) doanh thu xuất khẩu.
Các nhà phân tích của CREA lưu ý rằng, tác động đó "còn cách xa so với những gì có thể đạt được", đồng thời nói thêm rằng "Giới hạn giá đã có tác động nhưng không phát huy hết tiềm năng của nó".
Các lệnh trừng phạt đã gây ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu xuất khẩu của Nga trong nửa đầu năm 2023, nhưng việc thiếu sự thực thi, tăng cường và giám sát nhất quán giới hạn giá đã cho phép Nga khắc phục được tác động trong nửa cuối năm.
Phương Tây đang xem xét tăng cường thực thi lệnh trừng phạt đối với những thực thể tìm cách lách giới hạn giá đối với dầu của Nga, hầu như không có sản phẩm nào trong số này hiện được giao dịch dưới mức trần 60 USD/thùng.
Thời gian gần đây, Mỹ đã xử phạt một số tàu và chủ tàu vì vi phạm liên quan đến mức trần giá dầu đặt ra đối với dầu thô của Nga.