Chốt phiên sáng 18/12, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai giao dịch tích cực với khối lượng khớp lệnh hơn 16,3 triệu cổ phiếu, đứng đầu toàn thị trường.
Có thể thấy, thời gian gần đây, cổ phiếu HAG liên tục "tạo sóng", thậm chí tăng trần liên tiếp khi được dòng tiền ưu ái kéo theo khối lượng khớp lệnh thường xuyên đứng Top thị trường.
Xét trong nhóm những cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HoSE trong nửa đầu tháng 12, loại trừ 3 cổ phiếu có vốn hóa nhỏ và thanh khoản kém là FDC, DXV và NO1 thì HAG là một trong 3 cổ phiếu tăng mạnh nhất. Cụ thể, trong nửa đầu tháng 12, thị giá HAG đã tăng hơn 17%.
Thời gian gần đây, cổ phiếu HAG liên tục tạo sóng, thậm chí tăng trần liên tiếp khi được dòng tiền ưu ái.
Diễn biễn tích cực gần đây của cổ phiếu HAG xoay quanh những tin tức liên quan đến kế hoạch nâng cao kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo chia sẻ của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), năm 2016, HAGL nợ đến 28.000 tỷ đồng, giờ còn nợ 6.000 tỷ đồng.
"Ưu tiên số 1 của HAGL là trả nợ. Chúng tôi nỗ lực tháng 6/2024 sẽ xóa lỗ lũy kế, năm 2026 sẽ trả hết nợ và trở thành công ty đầu tiên trên sàn chứng khoán không có nợ, kể cả vay vốn lưu động", bầu Đức khẳng định.
Để chuẩn bị cho nguồn tài chính trả nợ, ông Đức cho biết đã làm việc với một ngân hàng để đàm phán trả nợ trước hạn. Đồng thời, ông Đức dự định sẽ bán Bệnh viện Đại học Y Dược-HAGL (trụ sở tại đường Lê Duẩn, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) với giá 180 tỷ đồng.
Việc bán bệnh viện được coi là một trong các hoạt động thanh lý tài sản để trả dần các khoản nợ tới hạn của HAGL.
Trước đó, HAGL cũng đã bán khách sạn HAGL có địa chỉ tại Số 1 Phù Đổng, phường Phù Đổng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai và thu về khoảng 180 tỷ đồng. Số tiền này cũng đã được dùng với mục đích trả nợ.
Ngoài ra, HAGL đang có kế hoạch chào bán cổ phiếu để huy động vốn, dự kiến thu về 1.300 tỷ đồng. Số tiền này để thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu do HAGL phát hành (330,5 tỷ đồng), cơ cấu lại các khoản nợ vay tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong cho công ty con là CTCP Gia súc Lơ Pang (269,5 tỷ đồng) và bổ sung nguồn vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai (700 tỷ đồng).
Tính đến cuối năm 2022, HAGL lỗ lũy kế 3.341 tỷ đồng. Ông Đức ước tính, lợi nhuận năm 2023 của HAGL dự kiến là 2.150 tỷ đồng. Do đó, khoản lỗ lũy kế của doanh nghiệp sẽ thu hẹp xuống còn gần 1.200 tỷ đồng.
Nếu theo đúng kế hoạch thì đến tháng 6/2024, HAGL sẽ xóa lỗ lũy kế, đồng nghĩa là trong hai quý đầu năm sau, HAG sẽ lãi một khoản tương ứng 1.200 tỷ đồng - gấp ba lần kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2023.
Luỹ kế 9 tháng năm 2023, HAGL ghi nhận doanh thu đạt 5.044 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 710 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, mặc dù lên kế hoạch cho tương lai khá rầm rộ nhưng trong vài tháng trở lại đây, công ty lại chỉ công bố doanh thu và dừng việc công bố lợi nhuận đạt được. Điều này được cho là “bất thường” bởi HAGL là một trong những đơn vị cập nhật kết quả kinh doanh đầy đủ nhất cho nhà đầu tư theo từng tháng.
Ngay trong tháng 10/2023, doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai đạt 711 tỷ đồng, tăng 52,3% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng cây ăn trái đóng góp 410 tỷ đồng, tương ứng 57,7% tổng doanh thu. Mảng chăn nuôi mang về 198 tỷ đồng, tương ứng 27,8% doanh thu. Mảng phụ trợ mang về 103 tỷ đồng, tương ứng 14,5% doanh thu.
Theo công bố của công ty, sản lượng heo thịt trong tháng đạt 35.400 con, sản lượng chuối và sầu riêng lần lượt đạt 39.100 và 442 tấn. Dù kết quả kinh doanh khởi sắc nhưng HAGL tiếp tục không công bố lợi nhuận đạt được.
Trong 2 năm trở lại đây, HAGL liên tục báo lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi quý. Lần báo lỗ cuối cùng của công ty là từ quý I/2021 với khoản lỗ sau thuế 68,8 tỷ đồng. Và dù liên tục báo lãi nhưng HAGL đã nhiều lần phải hoãn trả nợ trái phiếu. Thậm chí, công ty đã phải thanh lý một số tài sản không sinh lợi để lấy tiền trả nợ.
Châu Anh