Tính đến giữa tháng 12-2023, doanh thu tiêu thụ của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (viết tắt là Công ty TNG) đạt 6.800 tỷ đồng, về đích sớm hơn so với kế hoạch. Kết quả này càng có ý nghĩa trong bối cảnh ngành Dệt may đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể lãnh đạo, người lao động trong đơn vị.
Năm 2023, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm khiến cho ngành Dệt may chịu tác động lớn. Theo đó, tổng cầu dệt may thế giới giảm 8% so với năm 2022. Thiếu đơn hàng, giá giảm mạnh, chi phí tăng, cạnh tranh gay gắt... là những khó khăn lớn mà các doanh nghiệp may, trong đó có
TNG, phải đối mặt. Trong bối cảnh đó, Ban lãnh đạo Công ty
TNG đã chỉ đạo kịp thời, linh hoạt triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023.
Theo đó,
TNG tập trung tái cơ cấu thị trường. Cụ thể, ngoài duy trì các thị trường truyền thống, Công ty tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nga, Hàn Quốc và một số nước châu Á khác, cùng với đó là những khách hàng mới như Studioray, Purple door (thị trường Mỹ). Song song với đó,
TNG đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp (đưa vào hoạt động Chi nhánh giải pháp công nghệ Tre giúp hỗ trợ quản lý con người, hàng hóa, sản phẩm đầu vào và năng suất, công suất; áp dụng hệ thống quản lý kinh doanh liên tục theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 22301:2023; ứng dụng giao việc tự động..).
Ngoài ra, trong năm 2023, Công ty
TNG đã đầu tư nhiều máy móc, thiết bị tự động hóa nhằm nâng cao năng suất lao động và giảm chi phí đầu vào sản xuất. Cụ thể Công ty đưa vào hoạt động Chi nhánh TOT (công nghệ tự động hóa
TNG), có nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo sản phẩm máy tự động hóa công nghệ cao dành cho lĩnh vực may mặc. Mỗi máy móc mà TOT chế tạo đưa vào sử dụng đã góp phần gia tăng năng suất và chất lượng cho nhà máy, đồng thời cải thiện môi trường làm việc cho người lao động.
Cùng với Chi nhánh TOT, Công ty còn đưa vào hoạt động Trung tâm phát triển mẫu
TNG tại Nhà máy
TNG Sông Công 3, với chức năng nghiên cứu các mẫu sản phẩm đáp ứng nhu cầu của những khách hàng lớn như: Decathlon, Nike, Adidas, TCP. Kết quả, Trung tâm đã phát triển 25 mã sản phẩm cho Decathlon, qua đó, trở thành nhà sản xuất lớn nhất cho ngành hàng quần áo dệt thoi trên toàn cầu của Decathlon, với doanh thu hàng năm đạt trên 100 triệu EUR.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã góp phần giúp
TNG duy trì đà tăng trưởng và tạo việc làm ổn định cho trên 18.000 lao động, với mức thu nhập bình quân đạt 9,4 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, Công ty còn quan tâm tổ chức nhiều hoạt động nâng cao tay nghề và phúc lợi cho người lao động, như: Hội thi Thợ may giỏi; Giải bóng đá nam, nữ
TNG CUP; Giải chạy marathon
TNG Sông Công Factory tours..., giúp người lao động yên tâm gắn bó với công việc, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bước sang năm 2024, Công ty
TNG phấn đấu doanh thu tăng trưởng 5-10% so với cùng kỳ năm 2023. Để hoàn thành mục tiêu này,
TNG tiếp tục triển khai các giải pháp như: không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm; tìm kiếm các cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu may; tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất; đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh; quan tâm chăm lo đời sống của người lao động...