Hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn trong thu hút các dự án đầu tư để tạo đột phá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS, Khánh Hòa đang tập trung đầu tư xây dựng hàng loạt công trình giao thông, cụm công nghiệp, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cuối tháng 11/2023, Nhà máy chế biến nguyên liệu Yến sào Sanvinest Khánh Hòa tại cụm công nghiệp Sông Cầu thuộc huyện miền núi Khánh Vĩnh chính thức đi vào hoạt động. Nhà máy là nơi sản xuất nguyên liệu Yến sào Sanvinest Khánh Hòa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây là nhà máy đầu tiên được xây dựng tại Cụm Công nghiệp Sông Cầu. Cụm công nghiệp này diện tích hơn 40 héc ta, nằm sát quốc lộ 27 C, có vị trí giao thông thuận lợi, kết nối với các khu vực huyện Diên Khánh, thành phố Nha Trang và các vùng khác.
Cụm Công nghiệp Sông Cầu, tại huyện Khánh Vĩnh, tạo việc làm cho người lao động dân tộc thiểu số ở tỉnh Khánh Hòa
Việc đầu tư Cụm Công nghiệp tại huyện miền núi với kỳ vọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà máy, giải quyết việc làm cho lao động người dân tộc thiểu số tại địa phương.
Bà Trịnh Thị Hồng Vân, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Sanvinest Khánh Hòa nhìn nhận: "Lực lượng lao động phổ thông ở miền núi rất dồi dào, chúng tôi sẽ tuyển dụng lượng rất lớn. Cụm Công nghiệp Sông Cầu có vị trí rất thuận lợi, kết nối giữa các tuyến đường. Đó là đường cao tốc đi vào thành phố Hồ Chí Minh, đường lên thành phố Đà Lạt. Đồng thời, đang thi công đường cao tốc Bắc- Nam ra vịnh Vân Phong, rồi đường cao tốc lên Đà Lạt. Rất thuận tiện cho Cụm Công nghiệp Sông Cầu phát triển trong tương lai".
Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là 2 huyện miền núi với thế mạnh rừng - thác - suối - hồ, có nhiều cơ hội phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái. Thời gian qua, cả 2 địa phương vẫn chưa thu hút được các dự án mang tính động lực để tạo ra cú hích cho phát triển kinh tế. Hai huyện này đang kêu gọi thu hút 28 dự án, tập trung vào phát triển du lịch sinh thái, đô thị, công nghiệp chế biến thực phẩm...
Ngoài nguyên nhân thiếu quỹ đất sạch, chồng lấn với đất rừng, đất sản xuất của người dân thì giao thông chưa đồng bộ cũng gây khó khăn trong thu hút đầu tư.
Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết, Dự án giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận vừa được Quốc hội thông qua với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, sau khi hoàn thành sẽ mở ra cơ hội lớn đối với người dân miền núi.
"Hiện tại, hơi quanh co để đi các tỉnh thì khó khăn. Trước hết, để phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh- quốc phòng của địa phương, hạ tầng giao thông rất cần thiết. Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, sẽ phá cách về kinh tế. Về giao thông, các sản phẩm sẽ trung chuyển đi ra cảng. Diện mạo sẽ bứt phát và đổi thay", ông Đinh Văn Dũng nói.
Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là hai huyện khó khăn nhất của tỉnh Khánh Hòa. Tỉnh Khánh Hòa đã và đang dành nguồn lực lớn đầu tư cho 2 địa phương này. Tổng nguồn vốn đầu tư từ Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 lên tới gần 800 tỷ đồng, gấp 5,5 lần so với giai đoạn trước đó. UBND tỉnh cũng vừa ban hành Kế hoạch hỗ trợ các hoạt động thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hội chợ, giao lưu, diễn đàn, các lễ hội gắn với thương mại du lịch, hỗ trợ xây dựng và thực hiện một số mô hình nhằm tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào miền núi.
Người lao động dân tộc thiểu số tìm hiểu thông tin việc làm tại Cụm Công nghiệp Sông Cầu, tỉnh Khánh Hòa
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa khẳng định, với các chính sách đầu tư có trọng điểm về hạ tầng giao thông, đào tạo nghề sẽ tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm, sinh kế cho người dân miền núi.
"Vấn đề đặt ra cho tỉnh Khánh Hòa là mở nhiều nhà máy, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Sau đó, kết nối giao thông, giải quyết ngay công ăn, việc làm cho thanh niên các huyện miền núi. Trước mắt, khẩn trương lấp đầy Cụm Công nghiệp Sông Cầu, tại huyện Khánh Vĩnh sau này tuyến đường nối từ Khánh Sơn ra Khánh Vĩnh hoàn thành, chắc chắn Cụm Công nghiệp này và Khu Công nghiệp Suối Dầu sẽ giải quyết được lao động của 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh", ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.