Hơn 41 triệu USD có được do bán tín chỉ carbon là số tiền đầu tiên thu về từ rừng liên quan đến thỏa thuận chi trả giảm phát thải tại 06 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với Ngân hàng Thế giới.
Số tiền trên được chuyển về cho các địa phương để chi trả cho các chủ rừng, người dân địa phương và cộng đồng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đây là thỏa thuận đầu tiên về giảm phát thải được triển khai thành công ở nước ta, mang về một khoản tài chính lớn, góp phần quản lý, bảo vệ rừng và nâng cao đời sống cho người dân.
Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế là 06 tỉnh tham gia thực hiện thỏa thuận giảm phát thải thông qua bảo vệ rừng. Hiện đã có hơn 3,1 triệu ha đất có rừng với độ che phủ gần 58%.
"Tiếp tục bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ, tự nhiên để nâng cao trữ lượng carbon lên. Ngoài tăng năng suất gỗ, tăng lượng carbon, sẽ tạo giá trị gia tăng, nâng cao sinh kế cho cộng đồng dễ bị tổn thương", ông Nguyễn Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết.
95% hộ dân của thôn Tra Măng, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, Thừa Thiên - Huế là đồng bào dân tộc Cơ Tu, 10 năm nay, tham gia vào bảo vệ 560 ha rừng. Mỗi năm, trung bình mỗi hộ nhận được 2,4 triệu đồng từ dịch vụ môi trường rừng.
Tín chỉ carbon sẽ như một loại hàng hóa. Bên mua (nơi phát thải nhiều) cần tín chỉ carbon để thực hiện các cam kết, nghĩa vụ giảm phát thải nhà kính. Còn bên bán là nơi có năng lực giảm phát thải.
Việt Nam là một trong những quốc gia tiềm năng với các dự án về tín chỉ carbon. Rừng Việt Nam có tiềm năng tạo ra khoảng 50 - 70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, nếu xuất khẩu thành công thì nguồn thu có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Sau thành công trong việc thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính tại 06 tỉnh vùng Bắc trung bộ, hiện nay, nhiều địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn đang bảo vệ tốt đã sẵn sàng có thể sớm được thực hiện các chương trình chi trả carbon từ rừng.
Khoảng 70 hộ dân của thôn Ngải Trồ, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai vừa được nhận tiền khoán bảo vệ rừng từ Quỹ bảo vệ và phát triển rừng. Trung bình mỗi hộ trong thôn sẽ nhận khoảng 2 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ các khoản được cộng đồng dùng để chi vào các mục đích phúc lợi.
"Mỗi hộ cam kết theo quy ước, hương ước thôn bản, có trách nhiệm bảo vệ chung làm sao cho rừng cộng đồng phát triển", ông Lý Láo San, Chủ tịch UBND xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cho biết.
Từ bỏ việc khai thác lâm sản, tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, nhiều chủ rừng là hộ dân, cộng đồng ở Lào Cai đang bảo vệ hơn 230.000 ha rừng, mỗi năm được hưởng gần 152 tỷ đồng tiền khoán dịch vụ môi trường rừng.
"230.000 ha đã được hưởng tiền từ dịch vụ môi trường rừng từ thủy điện. Đây là nền tảng để triển khai dịch vụ lưu trữ carbon trong", ông Phạm Văn Đăng, Giám đốc Quỹ bảo vệ rừng, tỉnh Lào cai, cho hay.
Diện tích có rừng của Lào Cai hiện gần 400.000 ha, trong đó trên 70% là rừng tự nhiên. Tiềm năng để thực hiện dịch vụ hấp thụ carbon là rất lớn, khoảng gần 1 triệu tín chỉ.
Theo thống kế, đã có 58 quốc gia phát triển thị trường carbon, 27 quốc gia áp dụng thuế carbon và một số quốc gia áp dụng cả hai. Để phát triển thị trường carbon ở Việt Nam cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ. Một số quốc gia đã đưa vào vận hành sàn giao dịch carbon.
Hiện nay đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá carbon, với tổng lượng khí thải nhà kính được kiểm soát 12 tỷ tấn CO2.
Ước tính 57 triệu tín chỉ carbon có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm, Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD. Rừng là tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên có thể tái tạo được.
Tuy nhiên nếu sử dụng không hợp lý, hay xâm hại, khai thác rừng, thậm chí đến mức kiệt quệ, sẽ đến lúc rừng bị suy thoái không thể tái tạo lại. Thay vào đó càng có nhiều diện tích rừng được quản lý, bảo vệ và phủ xanh, càng có nhiều tín chỉ carbon được quy đổi và đây sẽ trở thành khoản tiền, nguồn lợi bền vững cho chính người dân.
Việt Nam hiện có trên 14,7 triệu ha rừng với tỷ lệ che phủ trên 42%, trong đó rừng tự nhiên chiếm hơn 10 triệu ha, rừng trồng hơn 4,5 triệu ha. Theo nghiên cứu, nếu áp dụng diện tích từng loại rừng ở từng vùng thì tổng lượng carbon được hấp thụ và lưu giữ ở Việt Nam rất lớn.