Nhà máy phát điện từ rác công suất 5MW đã hoàn thiện và sẵn sàng vận hành khai thác chính thức vào đầu năm 2024. Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) đặt nhiều kỳ vọng đây sẽ là dự án mang ý nghĩa quan trọng trong việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo cho mục tiêu phát triển “kinh tế tuần hoàn”, không chỉ mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần tích cực cho mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững Bình Dương đặt ra.
Làm chủ công nghệ
Với tầm nhìn xa hơn, trong những năm qua, Biwase đã tận dụng và phát huy được nguồn vốn ODA để tập trung hoàn thiện công nghệ xử lý, tái chế rác thải. Ông Ngô Chí Thắng, Giám đốc Chi nhánh Xử lý chất thải Biwase, cho biết khi tỷ lệ dân số tăng lượng rác thải cũng sẽ tăng. Hiện mỗi ngày Biwase tiếp nhận và xử lý khoảng 2.350 tấn rác thải sinh hoạt. Để không quá tải, Biwase luôn xây dựng kế hoạch dự phòng, có phương án để chủ động tăng công suất tiếp nhận, xử lý rác.
“Hiện các công đoạn cuối của dự án nâng công suất xử lý rác giai đoạn 4 Khu Liên hợp Xử lý chất thải Bình Dương, phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát đang hoàn chỉnh và sẵn sàng đưa vào vận hành trong tháng 1-2024. Tổng mức đầu tư của 2 thành phần dự án là 835 tỷ đồng”, ông Thắng chia sẻ.
Hệ thống tổ máy phát điện tận dụng từ nguồn nhiệt lò đốt công suất 200 tấn/ngày
Dự án nêu trên bao gồm nâng công suất tiếp nhận phân loại rác làm phân hữu cơ 840 tấn/ngày, lò đốt rác có kết hợp phát điện công suất đốt 200 tấn/ngày, công suất phát điện 5MW. Trong giai đoạn đầu, nguồn điện sẽ được phát tự tiêu trong nội bộ nhà máy, theo quy trình tuần hoàn. Theo tính toán lượng điện năng từ hai tổ máy phát điện tận dụng nguồn khí metan và nguồn nhiệt từ lò đốt sẽ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu điện cho hoạt động sản xuất tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Bình Dương.
Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Biwase, chia sẻ điều băn khoăn của lãnh đạo Biwase đặt ra đó là phải làm chủ được công nghệ, có thể quản lý, vận hành tốt và khai thác có hiệu quả hoạt động của tổ máy phát điện. Trăn trở này đã được Biwase giải quyết nhanh từ khi chuẩn bị đầu tư, nhất là về nhân sự. Vì vậy, các công nghệ đều được các kỹ sư của Biwase tiếp nhận làm chủ, học hỏi, nghiên cứu và thiết kế, chế tạo dựa trên những công nghệ tiên tiến và phổ biến hiện nay. Đáng chú ý, nhiều trang thiết bị đã được Biwase tự nghiên cứu, chế tạo bảo đảm tiêu chuẩn tương đương các sản phẩm ngoại nhập, từ đó đã giúp tiết giảm rất nhiều chi phí đầu tư cho dự án.
Không chôn lấp rác thải
Ngày 1-8-2023 đánh dấu cột mốc quan trọng sau 8 năm hoạt động hình thức theo công ty cổ phần và trong quá trình hình thành, phát triển Khu Liên hợp Xử lý chất thải Bình Dương bằng việc không chôn lấp rác thải. Biwase đã đưa tỉnh nhà “về đích sớm” nhiều chỉ tiêu quan trọng theo Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 6-1-2015 về “Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030”. Bình Dương trở thành tỉnh đầu tiên trong 11 địa phương hoàn thành tiêu chí không chôn lấp rác thải trong lưu vực sông Đồng Nai.
Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm từng bước đóng cửa các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh và quá tải, bảo đảm giải quyết ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững. Xây dựng đồng bộ các cơ sở xử lý chất thải rắn cấp vùng liên tỉnh, vùng tỉnh và hệ thống thu gom, vận chuyển phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Quy hoạch cũng quy định chất thải rắn phải được phân loại tại nguồn, việc thu gom, tái sử dụng, tái chế được ưu tiên xử lý bằng công nghệ tiên tiến, phù hợp. Hạn chế tối đa việc chôn lấp chất thải rắn nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và bảo vệ môi trường. Đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn còn lại nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng đến các đoạn sông đang là nguồn cấp nước áp dụng công nghệ chế biến phân vi sinh, công nghệ đốt thu hồi năng lượng, công nghệ tái chế, hạn chế chôn lấp.
Biwase đang theo đuổi mục tiêu xây dựng hệ sinh thái Biwase, đưa năng lượng tái tạo vào thực tiễn đời sống, sản xuất, góp phần cho mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững mà tỉnh nhà đặt ra.
Ông Ngô Chí Thắng, Giám đốc Chi nhánh Xử lý chất thải Bình Dương: Với việc nâng công suất phân bón lên 840 tấn, Biwase bảo đảm 100% rác thải sinh hoạt khoảng 2.350 tấn/ngày trên địa bàn sẽ được phân loại xử lý làm phân Compost. Hiện nhà máy có thể xử lý 2.520 tấn/ngày, dư công suất xử lý 170 tấn/ngày chính là phương án dự phòng nhằm bảo đảm khả năng tiếp nhận, xử lý rác thải trên địa bàn toàn tỉnh. Với tổ máy phát điện tận dụng nguồn nhiệt từ lò đốt cùng với hệ thống phát điện chạy từ nguồn khí metan được đầu tư trước đó ước tính mỗi tháng sẽ tiết kiệm được chi phí điện năng khoảng 2 tỷ đồng, giảm được 2/3 chi phí điện tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Bình Dương.