Ngoài 7 khu công nghiệp hiện hữu, Cần Thơ định hướng thành lập thêm 07 khu công nghiệp mới, có tổng diện tích hơn 6.485 ha, tăng 6,5 lần so với diện tích hiện tại...
Khu vực trung tâm TP. Cần Thơ.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1519 (ngày 02/12/2023) phê duyệt Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.Theo đó, đến năm 2030, Cần Thơ có 14 khu công nghiệp thuộc địa bàn các quận, huyện: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh với diện tích khoảng 7.473 ha...
DIỆN TÍCH ĐẤT KHU CÔNG NGHIỆP TĂNG 6,5 LẦN
Cụ thể, có 07 khu công nghiệp đã thành lập, tổng diện tích hơn 987 ha, gồm: Khu công nghiệp Trà Nóc 1 (135 ha), Khu công nghiệp Trà Nóc 2 (155 ha), Khu công nghiệp Hưng Phú 1 (262 ha), Khu công nghiệp Hưng Phú 2 (67 ha), Khu công nghiệp Thốt Nốt (74,87 ha), Khu Công nghiệp Vĩnh Thạnh - giai đoạn 1 (293,7 ha).
Bên cạnh đó, Cần Thơ định hướng thành lập thêm 07 khu công nghiệp mới, có tổng diện tích hơn 6.485 ha (tăng 6,5 lần so với diện tích hiện tại), khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, gồm: Khu Công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2) với diện tích hơn 606 ha; Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 2 (519 ha); Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 3 (675,45 ha); Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 4 (815 ha); Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 5 (2.550 ha); Khu công nghiệp Cờ đỏ - Thới Lai (1.070 ha); Khu công nghiệp công nghệ cao quận Ô Môn (250 ha).
Quy hoạch khu công nghiệp tại Cần Thơ đến năm 2030 theo Quyết định số 1519
Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, mời gọi đầu tư các cụm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn quận Bình Thủy (Cụm công nghiệp Bình Thuỷ 75 ha), huyện Thới Lai (Cụm công nghiệp Thới Lai 75 ha), huyện Cờ Đỏ (Cụm công nghiệp Cờ Đỏ 75 ha), huyện Vĩnh Thạnh (Cụm công nghiệp Vĩnh Thạnh 75 ha).
Cùng với phát triển công nghiệp, Cần Thơ cũng phát triển các khu chức năng: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu nghiên cứu, đào tạo, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Định hướng đến 2030, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có diện tích dự kiến khoảng 1.700 ha.
Khu du lịch với tổng diện tích khoảng 720 ha; Khu thể dục thể thao với tổng diện tích khoảng 300 ha; Khu di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh có diện tích khoảng 210 ha; Vùng sản xuất nông nghiệp tập trung: tăng cường liên kết giữa sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm…
5 TRỤC ĐỘNG LỰC KINH TẾ
Về phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, Cần Thơ tập trung phát triển theo 05 trục động lực kinh tế và 03 vùng phát triển.
Cụ thể, 05 trục động lực kinh tế gồm 02 trục ngang và 03 trục dọc.
Hai trục ngang: Thứ nhất, tuyến phát triển theo cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, trong đó phía Đông chủ yếu phát triển thêm về công nghiệp, phía Tây phát triển thêm du lịch sinh thái, đô thị; Thứ hai, tuyến hành lang kinh tế hiện hữu Tây sông Hậu, bao gồm các trục quốc lộ 91, đường Vành đai phía Tây, đường tỉnh 920D với các loại hình phát triển tập trung vào thương mại dịch vụ, đô thị sinh thái và đô thị công nghiệp.
Ba trục dọc: Thứ nhất, dọc theo các tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; Thứ hai, đường liên vùng Ô Môn - Giồng Riềng; Thứ ba, quốc lộ 1A và tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Trong đó, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và Ô Môn - Giồng Riềng định hướng phát triển công nghiệp, tạo kết nối vùng về hành lang công nghiệp; tuyến dọc quốc lộ 1A chủ yếu phát triển theo hướng kết nối hành lang đô thị chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ba vùng phát triển: Vùng thứ nhất gồm quận Cái Răng, quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy, huyện Phong Điền (định hướng phát triển thành thị xã) và một phần diện tích quận Ô Môn, huyện Thới Lai là vùng đô thị phát triển mật độ cao. Phát huy kết nối sân bay, đường sắt, đường thủy, đường bộ để Thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Vùng thứ hai gồm phần còn lại của quận Ô Môn, quận Thốt Nốt và một phần các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh là vùng động lực phát triển kinh tế mới phía Bắc với công năng đô thị, đô thị sinh thái cao cấp, đô thị công nghiệp, cảng, thương mại, dịch vụ, logistics.
Vùng thứ ba gồm một phần các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, VĩnhThạnh, là vùng phía Tây cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với những hình thức sinh kế mới như: chuyển đổi từ lúa sang cây trồng vật nuôi, kết hợp năng lượng mặt trời, công nghệ môi trường, du lịch sinh thái sông nước, trang trại.
Ngoài ra, Cần Thơ cũng hình thành các trung tâm thương mại cấp vùng. Phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại; phấn đấu trở thành trung tâm phân phối của vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu;…
Các dịch vụ được ưu tiên phát triển như logistics, du lịch, y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, vui chơi giải trí, mua sắm, văn hóa - thể thao.
Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp gắn với các loại hình du lịch nông nghiệp, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Ban Mai