Năm 2023, dự lường 2 sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp Quảng Ngãi là lọc hóa dầu và thép sẽ sụt giảm mạnh, nên tỉnh đã xây dựng chỉ tiêu phát triển kinh tế với tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 39 - 40% GRDP, giá trị sản xuất khu vực công nghiệp- xây dựng giảm 13% so với năm 2022. Tuy nhiên, đến hết tháng 1/2023, ngành công nghiệp tỉnh có những dấu hiệu khởi sắc, khi các sản phẩm công nghiệp chủ lực tiếp tục tăng trưởng khá.
Tin từ Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý vận hành Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, trong tháng 1/2023, NMLD Dung Quất thường xuyên vận hành ở mức 110% công suất thiết kế. Theo đó, tháng 1/2023, BSR sản xuất khoảng 590 nghìn tấn sản phẩm các loại, đáp ứng nhu cầu của thị trường xăng, dầu trong nước và đóng góp quan trọng cho phát triển công nghiệp của tỉnh.
Các kỹ sư vận hành sản xuất tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: P.D
Các kỹ sư vận hành sản xuất tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: P.DPhó Giám đốc NMLD Dung Quất Cao Tuấn Sĩ cho biết, để có thể vận hành ở công suất cao, BSR đã chủ động đánh giá rủi ro, khả năng làm việc của thiết bị ở công suất cao, đánh giá các yếu tố kỹ thuật để đảm bảo an toàn. Trong những ngày Tết, BSR nhập 2 chuyến dầu thô (khoảng 160 nghìn tấn) nhằm đảm bảo nguyên liệu cho NMLD Dung Quất vận hành xuyên Tết. Riêng khu xuất hàng bằng tàu biển và xe bồn vẫn hoạt động bình thường cả trong những ngày Tết...
“Công tác vận hành sản xuất là nhiệm vụ then chốt và quan trọng nhất của BSR để cung ứng nhiều hơn nữa nhu cầu xăng dầu cho thị trường; đồng thời đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, là động lực kinh tế cho Quảng Ngãi. Năm 2022, các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, nộp ngân sách nhà nước, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt kỷ lục từ khi NMLD Dung Quất đi vào hoạt động đến nay. Tuy vậy, năm 2023 vẫn là năm có nhiều thách thức mà BSR phải đối mặt, nên chúng tôi phải tập trung cao độ, đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh sản phẩm ngay từ những ngày tháng đầu năm”, Phó Tổng Giám đốc BSR Phạm Minh Nghĩa chia sẻ.
Không chỉ công nghiệp lọc hóa dầu, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực khác của tỉnh cũng đang có tín hiệu phát triển khả quan trong năm 2023, nhất là sản phẩm thép, bia các loại, điện sản xuất, giày da...
Mặt khác, hiện nay chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện, chuyển biến tích cực. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư đạt kết quả nhất định, trong đó một số dự án trong KCN - Đô thị - Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi đã đi vào hoạt động và các dự án đầu tư trọng điểm ngoài ngân sách như: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất đang tập trung triển khai, hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp của tỉnh trong năm 2023 và những năm đến.
Hiện nay, Quảng Ngãi đang tập trung triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, định hướng giảm tỷ trọng sản phẩm công nghiệp sơ chế, gia công, lắp ráp và tăng tỷ trọng nội địa hóa đối với một số sản phẩm công nghiệp chủ lực. Phát triển ngành chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, da giày, dệt may, cơ khí chế tạo... Thu hút các dự án tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại vào KKT Dung Quất và các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.