Vẫn còn một số cổ phiếu vốn hóa lớn cố gắng giảm thiệt hại cho VN-Index, nhưng không thể che dấu được số lượng mã giảm giá quá nhiều. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đồng loạt giảm trên 2% giá trị, dù VN-Index mới giảm dưới 10 điểm, tương đương -0,94%...
Xếp theo giá trị khớp lệnh, hàng loạt cổ phiếu thanh khoản cao với giá giảm sâu, cho thấy áp lực bán lớn.
Vẫn còn một số cổ phiếu vốn hóa lớn cố gắng giảm thiệt hại cho VN-Index, nhưng không thể che dấu được số lượng mã giảm giá quá nhiều. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đồng loạt giảm trên 2% giá trị, dù VN-Index mới giảm dưới 10 điểm, tương đương -0,94%.
Sàn HoSE đang chứng kiến 53 mã tăng/338 mã giảm, trong đó 167 mã giảm trên 2%, chiếm 48% lượng cổ phiếu phát sinh giao dịch. Điều này cho thấy chỉ số có thể giảm ít, nhưng cổ phiếu đang gây thiệt hại rất nhanh.
VN30-Index chốt phiên sáng giảm 1,06% và vẫn còn 9 mã tăng/19 mã giảm. Rổ blue-chips khá hơn hẳn các nhóm khác, khi Midcap giảm 2,36%, Smallcap giảm 2,06%. BID tăng 1,51%, GAS tăng 1,6%, SAB giảm 1% đang là 3 cổ phiếu mạnh nhất rổ này. Ngoài ra VCB, MSN, VJC, MSN, FPT, STB tăng nhẹ cũng có ảnh hưởng nhất định tới chỉ số.
Dĩ nhiên đà giảm vẫn hoàn toàn áp đảo, nhất là khi xuất hiện những cổ phiếu vốn hóa lớn nhất. VHM giảm 2,86%, VIC giảm 2,04%, HPG giảm 2,44%, VNM giảm 1,58% là 4 mã kéo tụt điểm số nhiều nhất. Ngoài ra thêm PDR, NVL – hai mã bất động sản giảm sàn. Nhóm bất động sản đang chịu tác động nặng nề từ lực bán, dù các cuộc họp “giải cứu” vẫn đang tiếp diễn. KHG, CEO, HPX, DXG, IDJ, DIG, HAG, CRE... là các mã tiêu biểu, giảm từ 5% tới mức sàn. Chỉ số nhóm bất động sản sàn HoSE là VNREAL đang giảm 2,89%.
Nhóm tài chính cũng giảm mạnh với chỉ số VNFIN mất 1,47%. EIB được trông đợi sẽ giảm sàn sau những thông tin cuối tuần qua, nhưng cũng mới rớt 6,54%. KLB, VIB, NAB là các mã khác trong nhóm giảm trên 3%. Các mã ngân hàng blue-chips trong rổ VN30 giảm nhẹ hơn, nhưng VPB cũng rơi 2%, MBB giảm 1,91%, HDB giảm 1,65%...
Với độ rộng rất hẹp, biên độ giảm giá sâu, thanh khoản hai sàn sáng nay lại tăng vọt 69%, đạt 4.358 tỷ đồng. HoSE tăng 68%, đạt 3.883 tỷ đồng. Dù con số này không lớn, nhưng so với diễn biến èo uột vừa qua thì vẫn là vượt trội. Điều đó phát tín hiệu nhu cầu bán đã gia tăng. HoSE có 6 cổ phiếu đạt thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên thì duy nhất STB tăng không đáng kể 0,21%, còn lại giảm rất sâu: NVL, PDR giảm sàn, VPB giảm 2%, HPG giảm 2,44%, VND giảm 3,93%.
VN-Index vẫn còn trụ giảm xóc.
Nhóm 53 mã ngược dòng, chỉ vài mã giao dịch tương đối tin cậy về giá và thanh khoản: HT1 tăng 3,35% giao dịch 14,5 tỷ đồng; PVD tăng 1,72% giao dịch 47,1 tỷ; DCM tăng 1,67% thanh khoản 54,8 tỷ; BID tăng 1,51% thanh khoản 28,9 tỷ. Nhóm tăng giá chủ yếu là các cổ phiếu riêng lẻ, không mang đặc tính nhóm ngành.
Khối ngoại sáng nay cũng bán ròng, dù chỉ 35,7 tỷ đồng trên HoSE. Tổng giá trị mua giảm 34% so với sáng phiên trước, đạt 408,9 tỷ đồng. Bán ra 444,6 tỷ. STB được mua ròng đáng kể nhất +25,6 tỷ đồng, mã kế tiếp là PVD chỉ 10,7 tỷ. Phía bán ròng cũng chỉ có VNM -19,7 tỷ, KDH -19 tỷ là đáng chú ý.
VN-Index mất 9,89 điểm, xác lập phiên giảm thứ 3 liên tiếp. Xu hướng điều chỉnh đang hình thành rất rõ và nhà đầu tư càng có lý do để giảm mua vào, trong khi sức ép tâm lý nặng hơn từ phía nhà đầu tư cầm cổ. Dù biên độ điều chỉnh ở chỉ số có thể chậm, nhưng cổ phiếu đang giảm nhanh hơn và nhà đầu tư buộc phải hành động riêng rẻ ở cổ phiếu. Do đó biên độ giảm ở cổ phiếu rất khác nhau.
Thị trường cũng không có thông tin hỗ trợ đặc biệt nào, nhưng lại xuất hiện nhiều thông tin bất lợi. Tâm lý chung dường như phản ứng nhạy hơn với các yếu tố tiêu cực.