FLC- một trong những cổ phiếu để lại nhiều cảm xúc nhất cho nhà đầu tư chứng khoán đã chính thức khép lại hành trình hơn một thập kỷ niêm yết của mình.
FLC Tropical City Hạ Long (Quảng Ninh) - một trong những dự án ấn tượng của FLC. Ảnh FLC
Ngày 14/2, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã ra quyết định hủy niêm yết đối với cổ phiếu của CTCP Tập đoàn
FLC (mã
FLC) do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Phản hồi về thông tin này,
FLC khẩn thiết kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại về việc huỷ niêm yết cổ phiếu, trong đó cần đặc biệt xem xét đến các lý do khách quan, cũng như hoàn cảnh bất khả kháng của doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin.
Như vậy, với quyết định của HoSE, toàn bộ gần 710 triệu cổ phiếu
FLC sẽ chính thức bị hủy niêm yết từ ngày 20/2/2023 khép lại hành trình 12 năm niêm yết của một "huyền thoại".
"Khuynh đảo" thị trường
Ngược dòng về hơn một thập kỷ trước, sự sáp nhập của các công ty thành viên đã cho ra đời CTCP Tập đoàn
FLC, khởi đầu cho việc nhận diện thương hiệu dưới thời ông Trịnh Văn Quyết.
Dưới sự chèo lái của doanh nhân này,
FLC đã mở rộng đầu tư bất động sản bằng việc M&A và phát triển một loạt dự án tại Hà Nội cũng như xây dựng những khu nghỉ dưỡng có tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng tại các địa phương khác, trở thành một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Việt Nam, đây cũng là lý do tạo nên sức hút của
FLC sau khi lên sàn.
Theo đó vào tháng 4/2011, Tập đoàn
FLC chính thức được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận để trở thành công ty đại chúng. 6 tháng sau vào ngày 5/10/2011,
FLC niêm yết 10 triệu cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đánh dấu bước đi đầu tiên trên sàn chứng khoán.
Trong giai đoạn đầu giao dịch,
FLC đã trở thành "hiện tượng" khi tăng giá ngoạn mục tới 240% sau 3 tháng. Tăng sốc giảm sâu,
FLC sau đó đã lao dốc và lình xình suốt một năm trước khi nổi sóng trở lại với "game" chuyển sàn.
Tháng 8/2013,
FLC chính thức chuyển niêm yết 77,2 triệu cổ phiếu từ HNX sang HoSE. Chưa đầy một năm sau, cổ phiếu này đã được thêm vào nhiều rổ chỉ số quan trọng, điển hình là VN30 – nhóm doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường. Nhờ các thông tin tích cực,
FLC được dòng tiền nhà đầu tư quan tâm, giúp kéo giá tăng mạnh.
Dù vậy,
FLC cũng không thể trở lại giai đoạn đỉnh cao như khi mới niêm yết mà chỉ giao dịch dưới mệnh giá. Cuối năm 2019, ông Trịnh Văn Quyết thậm chí còn hứa với cổ đông rằng "Chúng tôi không bao giờ để cổ phiếu
FLC năm 2020 dưới mệnh giá và cổ phiếu sẽ đạt gấp nhiều lần giá trị, nếu không được 10 lần thì ít nhất 5 lần".
Đến năm 2020, khi thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19,
FLC lại một lần nữa tạo đáy mới ở vùng 2.000 đồng/CP, song đây vẫn là một trong những cái tên được quan tâm nhất sàn chứng khoán với thanh khoản thường xuyên nằm trong top đầu thị trường.
Năm 2021, khi dòng tiền đầu cơ chảy mạnh vào thị trường,
FLC cùng các mã liên quan trong hệ sinh thái của doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết như
ROS,
HAI,
AMD,
KLF,
GAB đã bật tăng mạnh mẽ. Từ mức giá trà đá,
FLC tăng gấp 10 lần, leo lên mức giá hơn 22.000 đồng vào phiên 3/1/2022 giúp nhiều cổ đông "về bờ" sau cả thập kỷ chờ đợi, cổ phiếu này sau đó cũng lập kỷ lục về thanh khoản và có đến 3 phiên xuất hiện khớp lệnh trên 100 triệu đơn vị.
Hành trình leo dốc của
FLC ấn tượng bao nhiêu thì quá trình lao dốc cũng gây sốc bấy nhiêu. Việc ông Trịnh Văn Quyết bị phanh phui vụ bán chui gần 75 triệu cổ phiếu
FLC đúng vào phiên cổ phiếu này quay đầu từ trần xuống sàn vào ngày 10/1/2022 đã khởi đầu cho chuỗi ngày u ám sau đó. Kể từ đây, toàn bộ nhóm cổ phiếu họ
FLC bắt đầu lao dốc mạnh và rơi xuống vùng đáy lịch sử. Đặc biệt, sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố vì tội danh thao túng thị trường chứng khoán,
FLC cùng các công ty thành viên cũng vướng vào nhiều sai phạm nghiêm trọng về công bố thông tin theo quy định.
Từ đó dẫn đến việc các cổ phiếu lần lượt bị hạn chế giao dịch, đình chỉ giao dịch rồi hủy niêm yết khi kế hoạch giải cứu bất thành. Tại thời điểm bị đình chỉ giao dịch vào 9/9/2022,
FLC đã giảm về mức giá 3.570 đồng/CP.
Khi những thành tựu sụp đổ
Là doanh nghiệp hoạt động lâu đời trong lĩnh vực bất động sản,
FLC gây dựng thương hiệu bởi nhiều công trình lớn như quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái hàng trăm, nghìn ha ở Sầm Sơn, Hạ Long, Quy Nhơn, Quảng Bình...Việc triển khai đồng bộ, chuyên nghiệp các dự án đã mang về kết quả kinh doanh khả quan cho doanh nghiệp.
Theo đó, từ sau khi chuyển sàn sang HoSE, doanh thu của doanh nghiệp bất động sản này liên tục tăng trưởng qua từng năm và lập kỷ lục gần 16.000 tỷ đồng vào năm 2019. Lợi nhuận mỗi năm thu về hàng trăm tỷ đồng và thời kỳ đỉnh cao là năm 2016, khi đó dù doanh thu chỉ đạt 6.136 tỷ đồng nhưng
FLC lãi trước thuế lên đến 1.319 tỷ đồng.
Cùng với kết quả kinh doanh, vốn điều lệ của
FLC cũng tăng mạnh từ mức 100 tỷ đồng thời điểm chào sàn HNX lên 7.099 tỷ vào năm 2019. Từ đó đến nay,
FLC không tăng vốn mà dồn lực cho dự án Bamboo Airways. Mới thành lập từ năm 2017, nhưng sau 4 năm phát triển, hãng hàng không này đã nhanh chóng tạo lập được thương hiệu, uy tín, phá vỡ cuộc đua "song mã" bấy lâu nay giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 xuất hiện,
FLC nằm trong nhóm doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp khi cả ngành hàng không và du lịch bị ảnh hưởng, dẫn tới kết quả kinh doanh giảm mạnh trong 2 năm 2020-2021. Doanh thu năm 2021 giảm 50%, lợi nhuận trước thuế năm 2021 cũng thu hẹp về mức 163 tỷ đồng.
Sang đến năm 2022, sóng gió gia tăng khi thị trường kinh doanh bất động sản khó khăn, thắt chặt chính sách tín dụng, lãnh đạo chủ chốt bị bắt giam, xáo trộn nhân sự đã khiến
FLC lâm vào cảnh thua lỗ, đồng thời chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm qua, Tập đoàn
FLC đã có tới 22 dự án nằm tại 10 địa phương bị dừng nghiên cứu, thu hồi chủ trương đầu tư, thậm chí chấm dứt hoạt động.
Cho đến hiện tại, công ty này chưa công bố BCTC năm 2022, song sau 9 tháng đầu năm ngoái,
FLC đã lỗ ròng hơn 1.800 tỷ đồng. Quy mô tổng tài sản tại ngày 30/9/2022 là 36.216 tỷ đồng còn nợ phải trả ở mức 28.271 tỷ đồng.