Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa xem xét, quyết định thành lập thị xã Tịnh Biên, An Giang trên cơ sở nguyên trạng Tịnh Biên, thành lập 7 phường trên cơ sở 3 thị trấn và 4 xã. Theo Quyết định số 3844/QĐ-UBND của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chung đô thị Tịnh Biên, tỉnh An Giang đến năm 2035, Tịnh Biên sẽ là thị xã và xây dựng đô thị Tịnh Biên thành trung tâm kinh tế, văn hóa, hành chính, thương mại, du lịch, công nghiệp…
Khu du lịch Núi Cấm là khu du lịch quốc gia; khu du lịch hành hương, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái rừng.
Theo Đồ án Quy hoạch chung đô thị Tịnh Biên, tỉnh An Giang đến năm 2035, huyện Tịnh Biên sẽ thành thị xã là toàn địa bàn huyện Tịnh Biên, theo ranh giới hành chính huyện với tổng diện tích tự nhiên là 35.467,9ha. Phía Tây Bắc giáp Vương quốc Campuchia; Phía Đông Bắc giáp thành phố Châu Đốc và một phần huyện Châu Phú; Phía Tây Nam giáp một phần huyện Tri Tôn; Phía Đông Nam giáp một phần các huyện Châu Thành, huyện Châu Phú và Tri Tôn. Đến năm 2035, định hướng thị xã Tịnh Biên có khoảng 165.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 98.000 người.
Phạm vi quy hoạch khu vực phát triển đô thị bao gồm các thị trấn: Tịnh Biên, Nhà Bàng, Chi Lăng và các xã: An Phú, Nhơn Hưng, Thới Sơn, Văn Giáo, Vĩnh Trung, Núi Voi. Với tổng diện tích đất khoảng 16.635,28ha.
Tịnh Biên sẽ là đô thị cửa khẩu giao thương quốc tế; Là trung tâm kinh tế, văn hóa, hành chính, thương mại, du lịch, công nghiệp có vai trò thúc đẩy sự phát triển phía Tây tỉnh An Giang; Là trung tâm du lịch tầm quốc tế tầm quốc gia; Một đô thị xanh, phát triển bền vững.
Theo đó, mục tiêu là xây dựng đô thị Tịnh Biên thành trung tâm kinh tế, văn hóa, hành chính, thương mại, du lịch, công nghiệp; cụ thể hóa những định hướng phát triển của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh An Giang; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh An Giang; Đề án Quy hoạch tổng thể các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh đến năm 2020; Quy hoạch tổng thế phát triển kinh tế-xã hội huyện Tịnh Biên; Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu An Giang; cũng như các quy hoạch chuyên ngành khác.
Định hướng phát triển không gian đô thị, nông thôn trên địa bàn huyện Tịnh Biên theo từng lộ trình quy hoạch để thành lập thị xã Tịnh Biên; không gian đô thị Tịnh Biên luôn gắn với không gian quy hoạch xây dựng vùng huyện Tịnh Biên để không làm thay đổi cơ cấu quán lý hành chính cấp huyện (thị xã), cấp xã, phường (thị trấn) của tỉnh An Giang; phù hợp với chủ trương của Nhà nước về hạn chế chia tách các đơn vị hành chính cấp huyện.
Đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu đồng bộ quy hoạch sử dụng đất đai, không gian kiến trúc đô thị, nông thôn, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, cảnh quan trên cơ sở phân tích đánh giá khoa học nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, tối ưu hóa các nguồn lực tài chính, nhân lực, thị trường, văn hóa… làm cơ sở để chính quyền địa phương khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương về đầu tư xây dựng đô thị, nông thôn phát triển kinh tế-xã hội...
Diện tích toàn huyện Tịnh Biên là 35.467,9ha. Trong đó, đến năm 2025, đất xây dựng đô thị khoảng 1.876,79ha; đất xây dựng các khu, cụm công nghiệp khoảng 160,98ha. Năm 2035, đất xây dựng đô thị khoảng 2.203,78ha; đất xây dựng các khu, cụm công nghiệp khoảng 160,98ha.
Cấu trúc đô thị Tịnh Biên trong không gian vùng huyện Tịnh Biên, được hình thành trên cơ sở các hành lang và vành đai phát triển, gắn kết với 03 cực là Tịnh Biên, Nhà Bàng và Chi Lăng.
Hành lang đô thị kết nối cửa khẩu (dọc Quốc lộ 91) là hành lang kết nối Nhơn Hưng - Nhà Bàng - An Phú - cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, đây là hành lang phát triển đô thị chủ lực của huyện Tịnh Biên, đồng thời là hành lang tăng cường liên kết giữa huyện Tịnh Biên với Châu Đốc và các đô thị khác trong vùng cũng như với Campuchia.
Hành lang đô thị sinh thái du lịch là hành lang phát triển đô thị theo hướng mật độ thấp, sinh thái và phát triển một số khu chức năng du lịch tạo động lực phát triển kinh tế, phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch, phát triển vườn nông nghiệp đô thị, tăng cường liên kết Tịnh Biên với Tri Tôn.
Hành lang biên giới là khoảng không gian dọc chiều dài biên giới của huyện Tịnh Biên từ đường biên giới quốc gia đến kênh Vĩnh Tế; phát triển chức năng kinh tế cửa khẩu, nông nghiệp sinh thái.
Vành đai nông nghiệp - du lịch là khu vực nông thôn của huyện Tịnh Biên; phát triển du lịch (Khu du lịch Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư…), các khu dân cư nông thôn và nông nghiệp chất lượng cao.
Định hướng nội thị của thị xã Tịnh Biên sẽ bao gồm toàn bộ các thị trấn: Tịnh Biên, Nhà Bàng, Chi Lăng và các xã: An Phú, Nhơn Hưng, Thới Sơn, Văn Giáo, Vĩnh Trung và Núi Voi. Tổng diện tích đất tự nhiên khu vực phát triển đô thị khoảng 16.635,28ha. Khu vực nông thôn còn lại sẽ bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của các xã: An Nông, An Cư, An Hảo, Tân Lập và Tân Lợi. Tổng diện tích đất tự nhiên toàn bộ khu vực nông thôn khoảng 18.832,62ha.
Đến năm 2025, đất xây dựng đô thị là 1.876,79ha. Trong đó, đất dân dụng 1.327,50ha, đất ngoài khu dân dụng 549,29ha. Đến năm 2035, đất xây dựng đô thị là 2.203,78ha. Trong đó, đất dân dụng là 1.470ha, đất ngoài khu dân dụng là 733,78ha.
Mục tiêu thiết kế đô thị là hình thành đô thị đẹp, xứng tầm là đô thị xanh, đô thị cửa khẩu giao thương quốc tế. Hình thành cảnh quan đô thị phát huy được văn hóa, truyền thống của khu vực bảy núi An Giang; trong đó cảnh quan tự nhiên với không gian đô thị quyện với nhau một cách hài hòa. Bảo tồn văn hóa lịch sử, cảnh quan tự nhiên núi Cấm, núi Ngang, núi Trà Sư, núi Ông Két, núi Dài… hình thành không gian du lịch hấp dẫn thu hút du khách tới tham quan. Bảo tồn cảnh quan tự nhiên và hình thành mạng lưới nước và cây xanh trên toàn đô thị.
Sơ đồ phát triển không gian đô thị Tịnh Biên đến năm 2035.
Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng Tịnh Biên Trần Minh Hòa cho biết: Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Quyết định số 3844/QĐ-UBND ngày 27/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung đô thị Tịnh Biên đến năm 2035 và Quyết định số 985/QĐ-BXD ngày 06/7/2018 của Bộ Xây dựng về việc công nhận đô thị Tịnh Biên mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV, đến nay tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện từng bước được khởi sắc, việc đầu tư các công trình trọng điểm được tập trung phát triển theo lộ trình như: giao thông, cấp nước, thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp điện, chiếu sáng đô thị, viễn thông, quản lý chất thải rắn, công viên cây xanh, môi trường kiến trúc cảnh quan đô thị phát triển đồng bộ tạo được điểm nhấn đô thị. Đặc biệt là trong điều kiện hiện nay huyện Tịnh Biên sắp được Quốc hội cho nâng lên thành thị xã Tịnh Biên trong nay mai. Do đó, ngay từ bây giờ việc thực hiện đổi mới tư duy trong quản lý và phát triển đô thị, cũng như việc quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo ý thức cho người dân làm quen với nếp sống đô thị là yêu cầu hết sức cần thiết.
Ngành sẽ chủ động tham mưu UBND huyện thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Tịnh Biên đến 2045; xây dựng đề án chương trình phát triển đô thị Tịnh Biên đến năm 2035 tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng quy chế quản lý kiến trúc đô thị Tịnh Biên. Đồng thời tham mưu UBND huyện tiến hành điều chỉnh Quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch núi Cấm; lập Quy hoạch phân khu cho 4 xã lên phường, gồm: An Phú, Nhơn Hưng, Thới Sơn, Núi Voi.
Tham mưu UBND huyện Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc nâng cao nhận thức và năng lực quản lý đối với loại hình dự án đầu tư cho phép người dân tự xây dựng nhà ở và tổ chức thực hiện tại các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở phù hợp với quyết định chủ trương đầu tư của dự án; phù hợp với các cấp độ quy hoạch đô thị; tuân thủ quy định pháp luật về nhà ở, nhà ở xã hội.
Một góc đô thị Tịnh Biên.
Tăng cường công tác lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị theo thẩm quyền, làm cơ sở lựa chọn quỹ đất phù hợp để thực hiện dự án, đảm bảo yêu cầu và nguyên tắc tuân thủ đối với quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư và cơ quan, tổ chức có liên quan khi lập hoặc điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị…