Đà tăng giá của nhóm cổ phiếu blue-chips trong chiều nay đã đảm bảo một phiên đáo hạn phái sinh khá hoành tráng. VIC được kéo giật giá lên ở đợt ATC vừa kịp lúc bù lại cú sốc ở VCB, nhưng nhiều blue-chips khác cũng rất mạnh. VN-Index tăng 0,96% tương đương 10,09 điểm, xác lập ngày tăng mạnh nhất 8 phiên...
VN-Index leo dốc liên tục trong buổi chiều.
Đà tăng giá của nhóm cổ phiếu blue-chips trong chiều nay đã đảm bảo một phiên đáo hạn phái sinh khá hoành tráng. VIC được kéo giật giá lên ở đợt ATC vừa kịp lúc bù lại cú sốc ở VCB, nhưng nhiều blue-chips khác cũng rất mạnh. VN-Index tăng 0,96% tương đương 10,09 điểm, xác lập ngày tăng mạnh nhất 8 phiên.
Một thoáng lo lắng trong đợt ATC khi VCB bị ép giá xuống. Cổ phiếu này chốt đợt liên tục giá 93.200 đồng, nhưng đóng cửa lùi xuống 92.400 đồng. So với tham chiếu thì VCB chỉ giảm 0,65% nhưng tính riêng ATC thì giá giảm gần 1%. MSN, CTG cũng bị ép xuống.
Bất ngờ là VIC lại thành cứu cánh đợt này khi lượng cầu lớn đổ vào bên mua, kéo giá từ 52.200 đồng vọt lên 53.400 đồng. So với tham chiếu VIC chỉ tăng 0,95% nhưng riêng đợt ATC tăng gần 2,3%. Đà tăng này là rất lớn, thừa sức bù đắp cho mức lùi giá ở một số blue-chips khác.
Kết quả là VN-Index đóng cửa còn tăng cao thêm gần 1 điểm nữa so với cuối đợt khớp lệnh liên tục. VN30-Index được đẩy lên thêm xấp xỉ 2 điểm. Diễn biến này đảm bảo xu hướng phục hồi chiều nay là liên tục và biên độ khá lớn.
Đầu phiên chiều nay cả VN-Index lẫn VN30-Index thậm chí có thời điểm giảm so với tham chiếu. Điều này chủ đạo là do tác động của cổ phiếu trụ vì độ rộng kém nhất chiều nay ở HoSE cũng là 215 mã tăng/159 mã giảm, tức là cổ phiếu tăng vẫn áp đảo. Sức ép từ trụ khiến phiên đáo hạn phái sinh trở nên khó đoán hơn. Tuy nhiên nửa sau phiên chiều, đà tăng giá của blue-chips là rất rõ ràng. Thậm chí trụ yếu nhất là VIC cũng từ từ thu hẹp mức giảm. Đến cuối phiên VIC bùng nổ càng củng cố xu hướng tăng của chỉ số.
Cổ phiếu ngân hàng hầu hết tăng rất tốt, trừ VCB bị đánh sập lúc cuối ngày.
VN30-Index đóng cửa tăng 1,14% với 26 mã tăng/2 mã giảm. So với giá buổi sáng thì trừ GAS, SAB, VCB, BID tụt nhẹ, PLX đứng im, còn lại đều tăng cao thêm. Dĩ nhiên VIC là cổ phiếu thay đổi lớn nhất nhờ lực kéo đợt ATC. Còn lại đà đi lên ấn tượng thuộc về cổ phiếu ngân hàng: ACB, BID, VPB, STB, TCB, TPB đều tăng hơn 1%, riêng HDB tăng vượt 2%. Tổng thể sàn HoSE mặt bằng giá cổ phiếu cao hơn buổi sáng. Cụ thể, độ rộng cuối ngày ghi nhận 314 mã tăng/75 mã giảm (so với 251 mã tăng/93 mã giảm). Số cổ phiếu tăng trên 1% là 165 mã, so với 100 mã buổi sáng.
Nhóm kịch trần 12 mã chiều nay chứng kiến NKG rất ấn tượng. Chốt phiên sáng NKG tăng 1,42% so với tham chiếu, nhưng từ 1h30 trở đi lên giá như vũ bão. Đến sau 2h chiều giá đã lên sát mức trần. NKG chốt giá trần với hơn 1,09 triệu cổ giao dịch đợt ATC và vẫn còn dư mua. Cổ phiếu này lập kỷ lục giao dịch 11 phiên và hôm nay lọt Top 10 mã thanh khoản nhất thị trường với gần 205 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu thép nhìn chung cũng rất mạnh. HPG chiều nay đảo chiều thành công khi tăng thêm 2,65% so với giá chốt buổi sáng và đóng cửa vượt tham chiếu 2,4%. HSG tăng 4,97%, VGS tăng 3,97%, TLH tăng 3,64%, TVN tăng 3,77%...
Cổ phiếu ngân hàng là trụ cột của cả VN-Index lẫn VN30-Index hôm nay. Cụ thể, trong 10 mã kéo điểm số của VN-Index, ngân hàng đóng góp 7 mã. Top 10 của VN30-Index, ngân hàng cũng có 7 mã. Tuy vậy thanh khoản của nhóm ngân hàng không có gì đặc sắc, hôm nay chỉ chiếm 20,4% tổng giá trị khớp sàn HoSE, trong khi bình quân 3 ngày đầu tuần chiếm 23% và tuần trước chiếm 25,3%.
Thanh khoản phiên chiều trên cả hai sàn niêm yết cũng có cải thiện, giá trị khớp lệnh tăng 18,3% so với phiên sáng, đạt 4.331 tỷ đồng. Tuy vậy cả ngày hai sàn cũng vẫn giảm 10%, đạt gần 7.992 tỷ đồng.
Khối ngoại có phiên bán ròng thứ hai liên tiếp khi rút đio 112,2 tỷ đồng trên HoSE. Các mã bị bán ròng lớn nhất là STB -83,5 tỷ, VIC -46,8 tỷ, DXG -45,3 tỷ, DCM -32,8 tỷ, DGC -21,6 tỷ, VHM -20,9 tỷ, HPG -20,5 tỷ. Phía mua ròng có HDB +29,8 tỷ, VNM +22,7 tỷ, HSG +19 tỷ, MSN +19 tỷ. Tuần này khối ngoại đã bán ròng cổ phiếu ở HoSE tới 3/4 phiên với tổng giá trị rút đi gần 488 tỷ đồng. Mức bán ròng này chưa có gì đặc biệt, nhưng là tín hiệu khác lạ đầu tiên trong chuỗi tháng mua ròng ấn tượng vừa qua.