Doanh thu sụt giảm sâu, đầu tư vào cổ phiếu thua lỗ nên tới cuối năm 2022, Công ty Samland chỉ còn 1 tỷ đồng trong tài khoản.
Công ty Cổ phần Địa ốc Sacom (Samland) đã có một kỳ kinh doanh đáng quên khi các chỉ tiêu đều sụt giảm nghiêm trọng. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý IV/2022 của Samland chỉ còn 2,7 tỷ đồng, giảm 7,2 tỷ đồng, tương đương 72,7% so với quý IV/2021; lũy kế cả năm đạt 20,1 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 22 tỷ đồng của năm 2021.
Trong kỳ, Samland nỗ lực thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm ở hoạt động bán hàng và quản lý doanh nghiệp nhưng chi phí tài chính lại tăng vọt, từ 3,8 tỷ đồng lên 24,9 tỷ đồng trong quý IV; lũy kế cả năm tăng từ 3,9 tỷ đồng lên 49,6 tỷ đồng. Kết quả là trong kỳ, Samland lỗ sau thuế 20,5 tỷ đồng, tính chung cả năm lỗ 61,8 tỷ đồng dù năm 2021 vẫn lãi 6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, công ty thua lỗ thảm ở hoạt động kinh doanh chứng khoán. Tại ngày 31/12/2022, Samland có 56,9 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh. Samland nắm giữ 3 cổ phiếu là
HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (giá gốc 32 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Sông Đà (giá gốc gần 23 tỷ đồng) và cổ phiếu
SSI của Công ty Chứng khoán
SSI (giá gốc 1,9 tỷ đồng).
Cả 3 cổ phiếu này đều giảm giá mạnh. Giá trị hợp lý của chúng lần lượt là 20,1 tỷ đồng, 13,6 tỷ đồng và gần 1,6 tỷ đồng. Vì vậy, Samland phải dành gần 21,6 tỷ đồng dự phòng đầu tư tài chính ngắn hạn cho các khoản đầu tư này. Trong đó, dự phòng tại Hòa Phát lớn nhất, lên đến 11,9 tỷ đồng, tại Đô thị Sông Đà là 9,3 tỷ đồng.
Trong khi dòng tiền đến từ bán hàng quá thấp nhưng lại phải dành 21,6 tỷ đồng dự phòng cho hoạt động kinh doanh chứng khoán nên Samland âm nặng dòng tiền. Tại ngày 31/12/2022, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Samland là âm 51,2 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số âm 171 tỷ đồng hồi cuối năm 2021. Kết quả là dòng tiền của Samland rất yếu. Hồi cuối năm 2022, trong tài khoản của Samland chỉ có… 1 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền.
Đi vay lãi suất cao
Gặp khó về dòng tiền nên Samland phải tăng cường đi vay. Đáng chú ý, đa số các khoản vay đều là ngắn hạn. Tại ngày 31/12/2022, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tại Samland lên đến 360 tỷ đồng, tăng 329,3 tỷ đồng, tương đương 1.073% so với cuối năm 2021. Trong đó, Ngân hàng TMCP Việt Á (Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) là chủ nợ lớn nhất của Samland khi cho công ty vay 187,5 tỷ đồng. Mục đích của khoản vay là bù đắp chi phí bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng và bổ sung vốn đầu tư triển khai thực hiện dự án Nhơn Trạch.
Khoản vay có hạn mức 700 tỷ đồng này được đảm bảo bằng “toàn bộ quyền tài sản được hưởng phát sinh từ việc đầu tư, thực hiện và kinh doanh, khai thác Lô LK-C18 đến LK-C32 của dự án Nhơn Trạch.
Đáng chú ý, dù có tài sản thế chấp nhưng khoản vay này có lãi suất rất cao, lên đến 14,37%/năm tại ngày 31/12/2022. Đây không phải lãi suất cố định mà được điều chỉnh. Một số khoản vay khác cũng có lãi suất khá cao. Đáng chú ý, dù là tín chấp nhưng các khoản vay này lại có lãi suất thấp hơn con số 14,37%/năm kể trên.
Trong năm, Samland vay 16 tỷ đồng từ Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Dịch vụ Suinco theo hình thức tín chấp. Lãi suất khoản vay là 13%/năm. Hợp đồng sẽ đáo hạn vào ngày 21/12/2023. Công ty Cổ phần Phú Hữu Gia cấp cho Samland khoản vay trị giá 10,95 tỷ đồng theo hình thức tín chấp. Lãi suất là 12%/năm. Hợp đồng đáo hạn vào ngày 10/11/2023.
Trong khi đó, Samland đi vay công ty trong cùng hệ sinh thái thì lãi suất thấp hơn rất nhiều. Công ty Cổ phần Sam Tuyền Lâm, đơn vị có cùng công ty mẹ với Samland cho Samland vay 50 tỷ đồng, không tài sản thế chấp với lãi suất chỉ 6,8%/năm.
Có thể thấy, đa số các khoản vay mới đều phát sinh trong tháng 11 và tháng 12/2022 nên áp lực lãi vay tại Samland là chưa lớn. Năm 2022, công ty chỉ phải chi 4,4 tỷ đồng cho lãi vay nhưng đã gánh thua lỗ tới 20,5 tỷ đồng. Vì vậy, trong năm 2023, với khối nợ khổng lồ và lãi suất cao, áp lực cho Samland ngày càng nặng nề hơn.