Hiện các hộ gia đình ở “xứ sở kim chi” đã và đang phải sử dụng một khoản tiền cao kỷ lục cho các khoản chi “phi tiêu dùng” như trả lãi và thuế.
Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc dẫn số liệu khảo sát của Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia (KOSIS) thuộc Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (KS) công bố ngày 28/2 cho thấy hiện các hộ gia đình ở “xứ sở kim chi” đã và đang phải sử dụng một khoản tiền cao kỷ lục cho các khoản chi “phi tiêu dùng” như trả lãi và thuế.
Theo KOSIS, khoản chi “phi tiêu dùng” của các hộ gia đình ở Hàn Quốc bao gồm: tiền chi trả cho các khoản thuế, thanh toán bảo hiểm và trả lãi tiền vay. Khi chi tiêu phi tiêu dùng tăng lên, thu nhập khả dụng được sử dụng cho tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ cá nhân sẽ giảm theo. Chi phi tiêu dùng chiếm 26,5% chi tiêu hộ gia đình vào năm 2022, tăng 0,4 điểm phần trăm so với năm 2021. Đây cũng là con số hàng năm cao nhất kể từ khi KOSIS bắt đầu thu thập dữ liệu liên quan bao gồm cả những hộ gia đình độc thân vào năm 2006.
Chi “phi tiêu dùng” của các hộ gia đình ở Hàn Quốc chỉ chiếm 22,9% tổng chi trong năm 2017. Tuy nhiên, con số này sau đó đã tăng lên 23,7% vào năm 2018 và 26,2% vào năm 2019. Năm 2020, chi phi tiêu dùng ở Hàn Quốc giảm nhẹ xuống 25,9% nhưng đã tăng trở lại lên 26,1% vào năm 2021. Năm 2022, chi tiêu phi tiêu dùng trung bình hàng tháng của các hộ gia đình ở “xứ sở kim chi” đạt 951.000 won (720,73 USD), tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong số các khoản chi phi tiêu dùng, chi phí lãi vay tăng mạnh nhất 15,3% lên mức trung bình 99.000 won. Điều này cho thấy rằng người dân Hàn Quốc đã phải chịu lãi suất cao hơn đối với các khoản thế chấp và khoản vay tín dụng vào năm 2022. Bên cạnh đó, chi phí thuế (bao gồm thuế thu nhập, thuế bất động sản và thuế phương tiện) cũng tăng 10,6% so với cùng kỳ lên mức trung bình 212.000 won. Ngoài ra, các khoản thanh toán bảo hiểm xã hội tăng 8% và các khoản đóng góp lương hưu tăng 5,2%.
Người lao động ở khu vực thành thị chịu gánh nặng chi tiêu phi tiêu dùng cao hơn, với tỷ lệ chi tiêu phi tiêu dùng của họ trên tổng chi tiêu hộ gia đình lên tới 29,1%.
Tuy nhiên, chi tiêu cho cái gọi là “thuế phi kinh tế” (bao gồm: thuế mua lại bất động sản, đăng ký bất động sản và thuế thu nhập chuyển nhượng tài sản) đã giảm 31,9% do giao dịch tài sản có chiều hướng chậm lại.
Ngoài ra, cuộc khảo sát của KOSIS cũng cho thấy một số lượng đáng kể các hộ gia đình ở Hàn Quốc vẫn kiếm được dưới mức lương tối thiểu hoặc chỉ cao hơn một chút vào năm 2022. Cụ thể cứ 5 hộ gia đình thì có một hộ gia đình có thu nhập hàng tháng dưới 2 triệu won. Các hộ gia đình có khoản thu nhập dưới 1 triệu won chiếm 8,5%, trong khi từ 1 đến 2 triệu won chiếm 11,27%. Mức lương tối thiểu của năm 2022 ở Hàn Quốc được ấn định là 9.160 won/giờ và mức lương tối thiểu hàng tháng được ấn định là 19,1 triệu won (dựa trên 209 giờ làm việc hàng tháng).
Dữ liệu từ cuộc khảo sát của KOSIS cũng nêu bật những gánh nặng tài chính nặng nề mà người dân Hàn Quốc đang phải đối mặt. Ngay từ đầu tháng 2/2023, KOSIS cũng đã công bố kết quả một cuộc khảo sát nhấn mạnh đến gánh nặng ngày càng tăng của người dân Hàn Quốc trong việc thanh toán hóa đơn năng lượng, vốn đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022 với chỉ số lạm phát trong tháng 1/2023 đạt mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998.
Chỉ số giá tiện ích công cộng đạt 135,75 điểm trong tháng 1/2023, tăng 31,7% so với cùng thời điểm của năm 2022. Việc tăng giá này là sản phẩm phụ của việc tăng giá quốc tế đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng bắt đầu từ tháng 3/2021 và càng trở nên trầm trọng hơn do tác động ảnh hưởng từ cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine xảy ra vào tháng 2/2022./.