Trong tháng Ba này, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam-CTCP (PV Power, mã chứng khoán POW) đặt mục tiêu sản xuất 1.382 triệu kWh điện để đáp ứng nhu cầu điện của hệ thống quốc gia.
Cụ thể, Nhà máy điện Cà Mau 1&2 sẽ sản xuất 439,4 triệu kWh điện; Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 sẽ sản xuất 363,9 triệu kWh điện; Nhà máy Thủy điện Hủa Na sản xuất 36,8 triệu kWh điện; Nhà máy Thủy điện Đakđrinh sẽ sản xuất 35 triệu kWh điện; Nhà máy điện Vũng Áng 1 là 505,3 kWh điện và Công ty CP Năng lượng tái tạo Điện lực Dầu khí sẽ sản xuất 1,6 triệu kWh điện.
Với các chỉ tiêu sản xuất như vậy, tổng doanh thu từ sản xuất điện toàn tổng công ty trong tháng Ba này dự kiến đạt hơn 2.627 tỷ đồng.
Để hoàn thành kế hoạch sản xuất và tài chính tháng Ba, PV Power tiếp tục vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả các nhà máy điện. Bên cạnh đó, PV Power phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (PV
GAS), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các đơn vị cung cấp dầu để đảm bảo cung ứng đủ nhiên liệu (khí, than, dầu) cho các nhà máy điện vận hành liên tục và ổn định. Ngoài ra, PV Power tiếp tục nghiên cứu phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo.
Theo PV Power, tháng Hai vừa qua là thời điểm mùa khô tại miền Bắc, miền Nam và bắt đầu chuyển sang mùa khô ở miền Trung. Trong tháng Hai vừa qua, sản lượng điện sản xuất trong toàn PV Power đạt 1.465 kWh, tăng 45% so với kế hoạch tháng. Với giá thị trường điện toàn phần áp dụng cho đơn vị phát điện trong chu kỳ giao dịch (giá FMP) trung bình tháng Hai ở mức cao là 1.928 đồng/kWh, doanh thu tháng Hai ước đạt hơn 2.809 tỷ đồng, tăng 49% so với kế hoạch
Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 của PV Power. Ảnh: Huy Hùng/BNEWS/TTXVN
Trong tháng Hai vừa qua, 4 nhà máy điện trong hệ thống của PV Power đã sản xuất vượt xa sản lượng điện hợp đồng (Qc) được giao. Cụ thể, Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 đã chào giá bám sát Qc và vận hành trong các thời điểm giá thị trường cao hơn chi phí biến đổi. Sản lượng của Nhơn Trạch 1 vượt xa Qc được giao do giá thị trường cao và nhà máy được cấp đủ khí để vận hành.
Đối với Nhà máy điện Vũng Áng 1, nhà máy được giao Qc 267,7 triệu kWh cho 1 tổ máy. Giá thị trường toàn phần bình quân trong tháng cao hơn bình quân chi phí nhiên liệu, nhà máy chào giá vận hành phấn đấu sản lượng tối đa có thể, vượt Qc được giao.
Đối với Nhà máy điện Nhơn Trạch 2, nhà máy chào giá vận hành bám sát Qc và vận hành vào các thời điểm giá thị trường cao hơn chi phí biến đổi để đảm bảo hiệu quả tối đa. Nhà máy hoàn thành vận hành vượt Qc được giao.
Đối với Nhà máy thuỷ điện Hủa Na, với Qc được giao thấp (26,8 triệu kWh), lưu lượng nước về hồ khoảng 40 m3/s, cao hơn so với trung bình nhiều năm 34,2 m3/s. Nhà máy thuỷ điện Hủa Na đã cân đối chào giá vận hành đạt hiệu quả cao, đồng thời giữ nước đáp ứng nhu cầu cho vận hành trong mùa nắng nóng. Nhà máy thuỷ Hủa Na vận hành vượt xa sản lượng Qc được giao.
Đối với Nhà máy thuỷ điện Đakđrinh, với tình hình thủy văn thuận lợi (lưu lượng nước về hồ khoảng 34,3 m3/s, cao so với trung bình nhiều năm 15,5 m3/s), nhà máy chào giá vận hành tối đa sản lượng có thể, theo điều động của A0.
Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu tháng Hai, hệ thống cung cấp khí PM3 – Cà Mau xảy ra sự cố nhiều lần làm ảnh hưởng đến khả năng cấp khí cho nhà máy điện Cà Mau 1&2. Vì vậy, Nhà máy điện Cà Mau 1&2 đã chào giá vận hành nhằm đạt tối đa sản lượng theo khả năng khí được cấp và đảm bảo hiệu quả tối ưu.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch cuối tuần trước vào ngày 10/3, cổ phiếu
POW giảm 0,38% và đóng cửa ở mức 12.950 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, thị giá của
POW tăng 21,6%; trong đó giá đóng cửa cao nhất là 13.000 đồng/cổ phiếu (ngày 9/3) và giá đóng cửa thấp nhất là 11.000 đồng/cổ phiếu (ngày 4/1)./.