Những tuần qua chứng kiến xu hướng giao dịch bất ổn từ những bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán với tuần mua bán ròng đan xen nhau...
Sau nhiều tuần giảm điểm liên tiếp, hai chỉ số thị trường trong tuần 06-10/03/2023 đã ghi nhận kết quả khả quan trở lại. Theo đó, VN-Index tăng 2,75% so với cuối tuần trước, lên 1.053,00 điểm; còn HNX-Index tăng 1,45%, kết thúc tuần với 207,96 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản trên 2 sàn lại có biểu hiện trái ngược nhau. Trong khi thanh khoản bình quân của sàn HOSE tăng 12,53%, lên gần 462 triệu cp/phiên, thì ở sàn HNX thanh khoản giảm nhẹ 1,17%, còn hơn 54 triệu cp/phiên.
Trụ kéo chính của thị trường trong tuần qua là MSN khi mang về cho VN-Index gần 3 điểm dù trước đó cổ phiếu này là tác nhân chính khiến VN-Index giảm điểm mạnh trong tuần 27/02-03/03/2023. Bên cạnh nhóm ngân hàng, nhóm cổ phiếu “họ Vin” cũng có một tuần khá tích cực khi VHM và VRE kéo tăng gần 3,3 điểm cho chỉ số.
Riêng VHM đã kéo tăng gần 2,1 điểm trong bối cảnh Công ty này vừa thông qua việc thành lập 2 công ty con do VHM nắm 99,9% vốn điều lệ, gồm Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Trường Lộc và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Phát Đạt.
Nếu tính theo nhóm ngành thì nhóm ngân hàng với vốn hóa lớn đang trở thành “đầu kéo” cho VN-Index trong tuần qua. Cụ thể, có đến 4 cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng đã góp mặt trong top 10 cổ phiếu tích cực nhất tuần, gồm VPB, CTG, BID và VCB. Theo đó, 4 cổ phiếu này kéo tăng gần 7 điểm, trong đó VPB dẫn đầu cả nhóm với hơn 2,2 điểm.
Xu hướng dòng tiền của từng bộ phận, khối ngoại giao dịch trái chiều với tự doanh của các công ty chứng khoán. Những tuần qua chứng kiến xu hướng giao dịch bất ổn từ những bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán với tuần mua bán ròng đan xen nhau.
Thống kê trong tuần 6 – 10/3, khối tự doanh bán ròng gần 627 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE sau khi đảo chiều mua ròng hơn 105 tỷ đồng tuần trước đó. Ba phiên giao dịch cuối tuần đều ghi nhận giá trị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Riêng phiên 8/3 quy mô bán ròng trên HOSE đạt gần 274 tỷ đồng.
Phương thức bán ròng chủ yếu trên sàn HOSE trên tuần này chủ yếu qua kênh khớp lệnh với tổng giá trị hơn 566 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối tự doanh giao dịch cân bằng khi mua ròng nhẹ 0,1 tỷ đồng. Trong khi đó thị trường UPCoM tiếp tục bị rút ròng hơn 109 tỷ đồng.
Với giao dịch chứng chỉ ETF nội, khối tự doanh mua ròng tuần thứ ba liên tiếp với 35,1 tỷ đồng. Ba mã được mua ròng có FUEVFVND, FUESSVFL và E1VFVN30.
Thống kê giao dịch theo từng mã, cổ phiếu TSJ của Công ty CP Du lịch Dịch vụ Hà Nội dẫn đầu về giá trị bán ròng (122 tỷ đồng) trong tuần. Trong phiên 10/3, hơn 2,71 triệu cổ phiếu TSJ được trao tay theo phương thức thỏa thuận với giá trị 122 tỷ đồng.
Hoạt động bán ròng của khối tự doanh tuần này còn hướng đến các cổ phiếu ngân hàng với giá trị từ 20 đến 80 tỷ đồng như STB (77,7 tỷ đồng), VPB (54,6 tỷ đồng), TPB (27,3 tỷ đồng), ACB (26,9 tỷ đồng) và TCB (24,7 tỷ đồng).
Mặc dù chịu áp lực bán mạnh từ khối tự doanh, cổ phiếu STB của Sacombank giao dịch tích cực trong tuần khi tăng giá từ 25.000 đồng/cp lên 26.000 đồng/cp. Trong phiên 9/3, có thời điểm trong phiên cổ phiếu STB tăng kịch trần.
Ngoài các cổ phiếu trên, dòng tiền tự doanh còn rút khỏi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác như FPT (43,3 tỷ đồng), VHM (27,7 tỷ đồng), MSN (27,6 tỷ đồng).
Ở chiều mua vào, cổ phiếu DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang dẫn dầu với giá trị hơn 20 tỷ đồng. Những mã khác được mua với giá trị dưới 15 tỷ đồng như VCI, TNG, HDG, MCH, QNS và VTP.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối tự doanh ưu tiên cho vị thế Bán (Short) trong tuần này. Cụ thể, khối tự doanh mở vị thế 18.233 hợp đồng Bán (Short) với giá trị 1.879 tỷ đồng trong khi Mua (Long) 13.262 hợp đồng với giá trị 1.373 tỷ đồng.