Người dân Khánh Hòa bức xúc vì đất phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất nhưng không thể chuyển mục đích vì bị ràng buộc bởi nhiều quy định liên quan đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch điểm dân cư… mà UBND tỉnh ban hành.
Dân chịu thiệt vì văn bản “bó buộc”
Gần như tất cả mọi nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất của người dân Diên Khánh theo luật Đất đai đều bị khóa bởi văn bản số 1927 của UBND tỉnh Khánh Hòa.
Gần 02 năm nay, ông Hoàng Việt Cường, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa rất bức xúc vì gia đình ông không thể chuyển mục đích sử dụng đất cho gần 1.000m2 đất trồng cây lâu năm sang đất ở. Ông Cường bức xúc cũng dễ hiểu vì toàn bộ diện tích đất của gia đình ông đều phù hợp với quy hoạch sử dụng đất 05 năm và kế hoạch sử dụng đất hàng năm mà chính quyền các cấp tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt.
Theo ông Cường, đến này khu đất của gia đình ông không được chuyển mục đích là do: Gần như toàn bộ diện tích đất các địa phương ở huyện Diên Khánh đều đang “mắc kẹt”, không thể chuyển mục đích vì vướng chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa theo Văn bản số 1927/UBND-XDNĐ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Văn bản số 1927/UBND-XDNĐ ngày 08/3/2022 của UBND tỉnh Khánh Hòa nêu rõ: “…chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với các thửa đất nằm trong khu dân cư hiện có, đáp ứng được điều kiện hạ tầng khu vực, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết (đối với khu vực đô thị) hoặc quy hoạch điểm dân cư nông thôn (đối với khu vực nông thôn) đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.
Như vậy, văn bản trên được hiểu theo nghĩa: Những lô đất, khu đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất nhưng không phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch điểm nông thôn… thì người dân cũng không được chuyển mục đích sử dụng đất.
Trái ngang là ở chỗ, những quy hoạch trên là do Nhà nước làm. Giờ Nhà nước không làm hoặc làm chậm, chưa phủ được những loại quy hoạch trên nhưng rủi ro, khúc mắc giờ lại đẩy về phía người dân, khiến người dân không được chuyển mục đích sử dụng đất theo luật đất đai quy định.
Mới đây, trong văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa về việc tháo gỡ những vướng mắc chuyển mục đích sử dụng đất cho người dân, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh này đã thừa nhận: Thực tế nhiều năm nay nhiều địa phương ở Khánh Hòa (đặc biệt là 02 huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh) gặp các vướng mắc liên quan đến việc áp dụng các quy hoạch xây dựng, chưa thể phủ kín các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch điểm dân cư nông thôn… ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
“Cầu cứu” hủy Văn bản 1927, trả lại quyền cho dân
Liên quan đến vướng mắc về hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, ngày 14/02/2023, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lấy ý kiến, đề xuất UBND tỉnh sớm có phương án tháo gỡ khúc mắc trên, để người dân được chuyển mục đích sử dụng đất theo Luật Đất đai.
Vẫn còn nhiều địa phương ở Khánh Hòa chậm triển khai các quy hoạch trên vì nhiều lý do, đặc biệt là hai huyện Diên Khánh và Khánh Vĩnh.
Đề xuất phương án để sớm giải quyết ách tắc trên, ngày 04/10/2023, UBND huyện Diên Khánh đã có văn bản số 3675/UBND gởi tỉnh Khánh Hòa về các phương án tháo gỡ.
Hiện Diên Khánh có 18 đơn vị hành chính cấp xã nhưng trong đó có 03 đơn vị cấp xã có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết gồm: thị trấn Diên Khánh, xã Diên An, xã Diên Toàn. Các xã còn lại ở Diên Khánh chủ yếu mới lập quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới cấp xã (tỷ lệ 10.000), quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn (tỷ lệ 1/2000, 1/500).
Theo UBND huyện Diên Khánh, đối với các xã nông thôn, việc quy định chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với khu vực có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn theo Văn bản số 1927/UBND-XDNĐ của UBND tỉnh sẽ dẫn đến nhiều trường hợp không đủ điều kiện chuyển mục đích, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng.
UBND huyện Diên Khánh đề xuất tỉnh Khánh Hòa: “Đối với khu vực chưa lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn: Việc chuyển mục đích chỉ cần phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới cấp xã”.
Đồng quan điểm trên, UBND huyện Khánh Vĩnh cho rằng: “Việc lập các đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn và quy hoạch điểm dân cư nông thôn tại các xã đòi hỏi phải có thời gian, lộ trình và nguồn vốn để thực hiện”.
“Trong thời gian chờ lập và hoàn thiện các đồ án quy hoạch trên. UBND huyện Khánh Vĩnh kiến nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét có ý kiến thống nhất chủ trương cho phép UBND cấp huyện thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở đối với các thửa đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định tại Điều 52 của Luật Đất đai năm 2013”.
Nhiều địa phương để xuất nên hủy bỏ Văn bản 1927 mà UBND tỉnh ban hành để trả lại quyền lợi chuyển mục đích sử dụng đất cho người dân.
Theo đánh giá của Sở Tài Nguyên Môi trường tỉnh Khánh Hòa: Quá trình triển khai thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 1927, đa số các địa phương đã gặp các vướng mắc liên quan đến việc áp dụng các quy hoạch xây dựng khi giải quyết các hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đối với đất ở. Lý do, hiện nay các địa phương chưa thể phủ kín các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch điểm dân cư nông thôn trên toàn địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.
Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thấy: “Những vướng mắc nêu trên của các địa phương là xuất phát từ tình hình thực tiễn và nguyên nhân phần lớn là do những hạn chế trong công tác lập quy hoạch của các cơ quan nhà nước, từ đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật”.
Chính vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường kính đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét, hủy bỏ Văn bản số 1927/UBND-XDNĐ ngày 08/3/2022; đồng thời giao UBND các huyện, thị xã, thành phố giải quyết hồ sơ chuyển mục đích của hộ gia đình, cá nhân theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật và tự chịu trách nhiệm về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại địa phương.