Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian tới, giá điện chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh, do đó cần tính toán giá các mặt hàng khác để điều chỉnh với mức độ, thời điểm phù hợp.
Thông tin trên được lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá ngày 24/3.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại cuộc họp điều hành giá (Ảnh:VGP)
Theo ông Đỗ Thắng Hải, bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường về địa chính trị, lạm phát toàn cầu vẫn rất cao, quý I có Tết Nguyên đán (ngày sản xuất kinh doanh ít),… nên quý I/2023, CPI ước tăng 4,2-4,3% là phù hợp và chấp nhận được.
Tại thông báo kết luận giao ban tháng 3 ban hành mới đây, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Cục Điều tiết điện lực tiếp tục đôn đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, báo cáo Bộ Công Thương về phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 2023 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hồi đầu tháng này, Đoàn kiểm tra liên ngành về chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN cũng đã được thành lập, với thành phần ngoài các cục vụ của Bộ Công Thương còn có đại diện của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng... cùng đại diện các bộ như Tài chính, LĐ-TB-XH.
Về tình hình tài chính hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao đột biến từ đầu năm 2022, trong khi giá bán lẻ điện vẫn duy trì từ 2019 đến nay làm tình hình tài chính EVN gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo cân bằng tài chính.
Theo EVN, năm 2022, Công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia lỗ sản xuất kinh doanh khoảng hơn 28.876 tỷ đồng.
Quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đã quy định: điều chỉnh giá điện khi thông số đầu vào biến động từ mức 3% trở lên so với mức bình quân hiện hành.
Ngược lại trường hợp khi thông số đầu vào biến động làm cho giá bán điện bình quân giảm so với mức hiện hành thì giá điện cũng được điều chỉnh giảm.
Nếu giá bán điện bình quân tăng 3-5% so với mức giá hiện hành, EVN được quyết định điều chỉnh giá; mức giá bán lẻ bình quân tăng từ 5% đến dưới 10% thì thẩm quyền thuộc Bộ Công Thương và tăng từ 10% trở lên thì sẽ báo cáo Chính phủ xin ý kiến.